Phân khúc nào sẽ “lên ngôi” khi lạm phát tăng, “siết” tín dụng vào bất động sản?
Theo Nhịp sống Kinh tế, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang chia sẻ về tình trạng lạm phát tăng cao kết hợp với việc ngân hàng “siết” cho vay bất động sản… đã tác động không nhỏ tới thị trường. Trước mắt, các công ty bất động sản sẽ tái cơ cấu hoạt động để đưa ra thị trường thêm các sản phẩm phù hợp hơn. Còn người mua cũng sẽ dè chừng, thận trọng hơn vì những yếu tố này đã ảnh hưởng đến nhu cầu của họ.
Theo ông Quang, những doanh nghiệp địa ốc lớn vay tiền cũng không được mà phát hành trái phiếu cũng không xong. Nhà nước đang siết chặt thị trường bất động sản, đồng thời tăng cường thanh tra các doanh nghiệp khác. Như vậy, những “ông lớn” buộc phải đưa ra những chiến lược tối ưu hơn, không cung cấp thêm những sản phẩm giá cao mà sẽ tung ra thị trường thêm sản phẩm có giá cả phù hợp.
“Vì vậy, khoảng 2 - 3 tháng tới, thị trường bất động sản sẽ phải điều chỉnh và có xu hướng chững lại, giá nhà có thể đi xuống. Người mua cũng xuất hiện những tâm lý e ngại, dè chừng nên giá bất động sản sẽ đi xuống từ từ và được điều chỉnh ổn định trở lại” - ông Quang nói.
Việc thị trường bất động sản bị siết chặt đã gây ra tâm lý về mặt đầu tư, dẫn tới dòng tiền của nhà đầu tư đổ vào bất động sản bị hạn chế. Các chuyên gia đã đặt ra tình huống này trong bối cảnh thị trường bất động sản phải đối mặt với những thông tin bất lợi.
Cùng quan điểm này, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc nhà ở CBRR Việt Nam nhận định, các nhà đầu tư trong giai đoạn này đang bị ảnh hưởng tâm lý phần nào trước những động thái “siết chặt” của thị trường. Tâm lý của họ sẽ biến động theo hai hướng: Một là, nhiều nhà đầu tư nhận ra sự bất ổn trên thị trường tài chính, sẽ có tâm lý dịch chuyển dòng tiền vào bất động sản; Hai là, sẽ có nhóm nhà đầu tư e dè với quyết định “rót” tiền vào sản phẩm của các chủ đầu tư trong giai đoạn này.
Chuyên gia CBRE Việt Nam chia sẻ: “Nếu chưa từng sở hữu bất động sản thì nhà đầu tư sẽ cân nhắc kỹ hơn về bất động sản. Còn với nhà đầu tư đang sở hữu BĐS thì phải băn khoăn liệu có nên ra hàng ở thời điểm này hay không, nên đưa ra chính sách như thế nào để trôi hàng nhanh. Nói chung, tâm lý nhà đầu tư vẫn có những giao động khi khi hoạt động trên thị trường”.
Ông Kiệt cho biết, các nhà đầu tư vẫn ưu tiên lựa chọn bất động sản là kênh đầu tư an toàn, nhất là trong bối cảnh lạm phát. Theo đó, TS. Phạm Anh Khôi - CEO Công ty tài chính FINA nhận xét, nếu lạm phát nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ ở mức 2 - 4% thì thị trường bất động sản sẽ tăng trưởng tốt, đặc biệt là bất động sản du lịch, công nghiệp, cho thuê và nhà ở sẽ hưởng lợi nhất.
Tuy nhiên, nếu lạm phát tăng vượt tầm kiểm soát, trên mức 4% thì Chính phủ phải đưa ra những động thái gián tiếp như siết tín dụng, tăng lãi suất ngân hàng,... Việc này sẽ tác động đến giá cả bất động sản, làm giảm nhiệt thị trường. Như vậy, các sản phẩm có tính bền vững, mang giá trị lưu giữ tài sản sẽ càng gia tăng giá trị còn những sản phẩm đầu cơ sẽ tiềm ẩn rủi ro. Tuy nhiên, trường hợp này sẽ khó xảy ra khi Chính phủ đã nỗ lực xây dựng các chính sách phục hồi kinh tế kịp thời.
Đồng ý với quan điểm này, chuyên gia bất động sản Đinh Nhất Quý cho rằng, thị trường bất động sản trong năm 2022 sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ. Trong đó, các tỉnh khu vực như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên,... sẽ là các địa phương hưởng nhiều lợi thế từ những dự án trọng điểm quốc gia, nhất là với phân khúc bất động sản công nghiệp.
Tại tọa đàm về bất động sản mới đây, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển chia sẻ, bất động sản sẽ tăng giá nhưng không đột phá trong năm 2022. Dự đoán, một số vùng sẽ phải giảm giá thì mới bán được nếu họ muốn thanh khoản cao. Trong năm 2021, các tỉnh vùng xa, nơi nhà đầu tư tới đón đầu xu hướng với kỳ vọng giá bất động sản tăng bằng lần thì bây giờ đang chững lại. Vì vậy, nhà đầu tư có thể rút tiền về các nơi vững chắc hơn. Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Hiện tại, nhà đầu tư không nói về câu chuyện bất động sản tăng hay giảm giá mà đang chú ý đến thanh khoản, tức khu vực đó có người mua hay không”.
Một số chuyên gia khác nhận định, việc các ngân hàng siết tín dụng hay quản lý thị trường bất động sản chặt chẽ hơn cũng đều là kế hoạch đã lên trước đó. Cơ chế này có thể khiến tâm lý các nhà đầu tư “xao động” nhẹ nhưng sau thời gian ngắn sẽ ổn định lại.
Theo quan điểm của GS. Đặng Hùng Võ, thị trường có thể có những xáo trộn nhất định. Nhà đầu tư hay doanh nghiệp phải đắn đo trong khi đầu tư. Tuy nhiên, xét về dài hạn, thị trường bất động sản sẽ phát triển bền vững hơn. “Họ sẽ có suy nghĩ đắn đo trong việc tìm kiếm lợi nhuận một cách chính đáng chứ không cố tình lách luật hay “bẻ chữ” trong luật để tư lợi. Để nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững thì rất cần nhà đầu tư hoạt động nghiêm túc, thực hiện đúng theo pháp luật. Bên cạnh đó, cần loại bỏ những cá nhân sử dụng thủ đoạn xấu trên thị trường để làm giàu vì họ không nghĩ đến lợi ích chung của đất nước”.
Thời gian qua, GS. Võ cho rằng, việc đẩy giá, sốt giá quá cao trên thị trường một phần do những hành vi “quấy nhiễu”. Vì vậy việc kiểm soát chặt chẽ, bình ổn thị trường là điều tất yếu. Nếu không rà soát và xử lý các trường hợp vi phạm thì thị trường vẫn phải chịu những hệ lụy về lạm phát, khủng hoảng tiền tệ, tài chính hay khủng hoảng kinh tế.