"Ông lớn" lúa gạo miền Tây lãi khủng 184 tỷ đồng chỉ trong quý I/2022
BÀI LIÊN QUAN
Ông trùm lẩu, nướng, bia tươi Golden Gate lỗ 431 tỷ đồng năm 2021, doanh thu thấp nhất 5 nămNghịch lý của Huawei năm 2021: Doanh thu giảm gần 30%, nhưng lợi nhuận ròng lại tăng 78%Hàn Quốc như kinh đô ‘dao kéo’ của thế giới, doanh thu ‘bùng nổ’ do nhu cầu tăng cao ngay cả thời CovidSáng ngày 14/4, Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG) đã tổ chức họp Đại hội Đại cổ đông thường niên 2021.
Loạt thành tích ấn tượng
Theo Dân Trí đưa tin, tại đại hội thường niên ngày 14/4, ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời đã chia sẻ kết quả kinh doanh sơ bộ của doanh nghiệp trong quý I, kết quả vô cùng khả quan. Theo đó, dù doanh thu thuần quý I/2022 của Lộc Trời đạt 2.345 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 184 tỷ đồng (tương đương cùng kỳ năm ngoái) nhưng tập đoàn nông nghiệp này vẫn đặt kế hoạch kinh doanh vô cùng thận trọng.
Cụ thể, HĐQT đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022. Đại hội đồng cổ đông đồng ý chủ trương cho phép công ty giữ nguyên cam kết lợi nhuận sau thuế mỗi năm là 400 tỷ đồng, giai đoạn từ 2021 đến 2023.
Nếu giữ nguyên lợi nhuận cả năm là 400 tỷ đồng, con số này sẽ giảm 4,3% so với thực hiện năm trước. HĐQT công ty cho biết, khoản lãi sau thuế vượt chỉ tiêu sẽ được doanh nghiệp trích lập vào 2 quỹ dự phòng rủi ro cho nhân viên tập đoàn và nông dân. Theo ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Lộc Trời cho biết, ban lãnh đạo cùng với ban điều hành công ty cam kết sẽ không nhận thưởng vượt chỉ tiêu cho đến khi số dư hai quỹ trên chạm mốc 360 tỷ đồng cho mỗi quỹ.
“Số tiền này thuộc sở hữu của cổ đông nhưng là khoản dự phòng bảo hiểm cho nông dân và cán bộ nhân viên trong trường hợp có biến động lớn, giúp bà con nông dân an tâm canh tác”, ông Thòn cho hay.
Dù mục tiêu lợi nhuận không tăng trưởng nhưng công ty vẫn duy trì lộ trình tăng mức chi trả cổ tức hàng năm cho các cổ đông. Được biết, tỷ lệ cổ tức cho năm tài chính 2021 là 20%, con số này cao hơn 5% so với năm 2020. Đồng thời, Lộc Trời vẫn duy trì được mức tăng thêm 5% mỗi năm trong giai đoạn 2022-2023.
Năm 2021, “ông lớn” ngành lúa gạo miền Tây ghi nhận mức doanh thu đạt 10.224 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 418 tỷ đồng, tăng 14% so với 2020. Đáng chú ý, ngành Vật tư nông nghiệp của Tập đoàn Lộc Trời đóng góp 4.932 tỷ đồng doanh thu, ngành Lương thực đóng góp 4.073 tỷ đồng còn ngành giống là 857 tỷ đồng và ngành dịch vụ là 205 tỷ đồng.
Năm 2021, cổ thức dự kiến ở mức 20% (tăng 5% so với năm 2020). Theo kế hoạch, cổ tức năm 2022 sẽ tăng lên 25% và năm 2023 là 30%.
Năm 2022, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp, duy trì và phát huy vị thế của doanh nghiệp trong các ngành nghề chính gồm vật tư, dịch vụ nông nghiệp, chế biến, phân phối xuất khẩu lúa gạo, công ty sẽ tiếp tục thử nghiệm các hướng đi mới. Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, công ty sẽ thử nghiệm việc việc cung cấp dịch vụ canh tác, bao tiêu, phân phối và xuất khẩu các loại rau màu, cây ăn quả, đồng thời từng bước mở rộng sang thị trường thức ăn gia súc, sản phẩm hữu cơ, vi sinh.
Dự kiến, doanh nghiệp sẽ tiến hành phối hợp với các đối tác để phát triển một sản phẩm bảo hiểm. Mục đích của sản phẩm này là bảo đảm thu nhập cho bà con nông dân liên kết với Lộc Trời. Nếu thành công, đây sẽ là sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp đầu tiên tại nước ta.
Hoãn niêm yết cổ phiếu
Trong buổi họp Đại hội Đại cổ đông thường niên 2021, một nội dung đáng chú ý khác được cổ đông thông qua chính là việc hoãn niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE. Cụ thể, đối với vấn đề chuyển niêm yết cổ phiếu LTG trên HoSE, các cổ đông thống nhất gia hạn thời gian thực hiện niêm yết đến năm 2025. Tức là, thời gian niêm yết sẽ chậm hơn 3 năm so với kế hoạch ban đầu.
Theo kế hoạch cũ, Lộc Trời sẽ đưa cổ phiếu LTG niêm yết vào năm nay. Tuy nhiên, theo đánh giá của ban lãnh đạo, năm nay điều kiện vẫn chưa thuận loại, tình hình chung và hoạt động của công ty nói riêng vẫn chịu ảnh hưởng sau 2 năm dịch Covid-19. Vì thế, thời hạn niêm yết cổ phiếu LTG sẽ được dời sang năm 2025.
Thời điểm hiện tại, cổ phiếu LTG đang được giao dịch trên sàn UPCoM ở vùng giá 42.000 đồng cho một cổ phiếu. Ngoài ra, vốn hóa doanh nghiệp tương ứng hơn 3.300 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu LTG diễn biến tích cực hơn so với thị trường chung khi ghi nhận mức tăng giá 15%.
Cũng trong đầu năm nay, doanh nghiệp đã thành lập Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời (LTA) và Công ty cổ phần Giống cây trồng Lộc Trời (LTS). Tại đại hội, lãnh đạo Lộc trời thông tin, LTA đã ký kết với các đối tác và các ngân hàng để tài trợ mua và bán 2 triệu tấn lúa trong năm 2022.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời (LTF) cũng ký liên kết sản xuất với Liên hiệp Hợp tác xã Thoại Sơn (An Giang), tiến hành tổ chức sản xuất đơn hàng theo tiêu chuẩn của các thị trường mục tiêu. Đặc biệt, tập đoàn còn mở thêm hướng sản xuất kinh doanh mới, đó là trồng và cung cấp thức ăn xanh cho các công ty chăn nuôi gia súc trên phạm vi cả nước.
Mới hồi tháng 2/2022, Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời cũng đã giao đơn hàng xuất khẩu hơn 4.500 tấn gạo cho các đối tác làm ăn lâu năm như Italy, Pháp, Canada, Singapore, Philippines... Đơn hàng trị giá hơn 3 triệu USD (tương đương khoảng 80 tỷ đồng) này bao gồm gạo thơm, gạo trắng, gạo lứt và nếp.