Ráo riết tìm thuê kho bãi dịp cuối năm
BÀI LIÊN QUAN
Tương lai nào cho ngành bất động sản hậu cần kho bãi tại Việt Nam?Nhu cầu bất động sản kho bãi tại Việt Nam liên tục tăng caoGiải bài toán cho bất động sản kho bãiNhững ngày qua, anh Quang Hưng, giám đốc một công ty TNHH chuyên về thực phẩm đang chạy đôn chạy đáo để tìm thuê mặt bằng nhà kho, chuẩn bị cho việc nhập hàng cuối năm. Anh Hưng chia sẻ, hiện tại, anh đang có một kho hàng rộng 200m2 ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) nhưng nay dự kiến nguồn hàng nhập những tháng cuối năm sẽ tăng gấp 3 thường kỳ, nên anh muốn tìm thêm một kho hàng với diện tích tương tự để nhập hàng, lấy chỗ để nhân viên đóng gói, chuyển hàng giao cho khách.
“Nếu tìm được nhà kho trong quận Hoàng Mai, gần nhà kho cũ thì tốt quá. Nhưng tôi đã tìm suốt cả tuần nay, cũng đi xem vài địa điểm nhưng đều không phù hợp, hoặc là quá nhỏ, hoặc là quá sơ sài, không đủ điều kiện bảo quản hàng hoá... Chắc tôi phải sang quận Hà Đông tìm tiếp vậy!” – anh Hưng cho biết.
Kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm bổ dưỡng như phân phối yến xào, sữa, thực phẩm bổ sung… nên ngay cả trong giai đoạn Covid-19 đang đỉnh điểm (hồi năm 2021), công ty của anh Hưng cũng đã 2 lần mở rộng quy mô địa điểm kho bãi để chứa hàng. Ưu tiên lựa chọn của anh là kho phải nằm ở khu vực trung tâm hoặc rùa trung tâm, thuận tiện cho việc đi lại, giao hàng. Kho bãi phải sạch sẽ, thoáng mát, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, thuận tiện cho nhân viên làm việc, đóng gói hàng hoá…
Các chuyên gia nhận định, 3 tháng cuối năm đang là thời điểm mua sắm tăng cao, thương mại điện tử hoạt động hết công suất, nên sẽ làm tăng tỷ lệ lấp đầy nhà kho.
Cuộc đua gom đất làm kho bãi
Tại Việt Nam, ngành hậu cần kho bãi (logistics) đang có mức tăng trưởng đáng kể do sự phát triển kinh tế, sản xuất và đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử.
Theo số liệu từ Bộ Công thương, sau 2 năm dịch bệnh hoành hoành, lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, doanh thu năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD. Bộ cũng dự báo, thị trường thương mại điện tử sẽ đạt 16,4 tỷ USD trong năm nay. Cũng theo thống kê, người Việt dành 6,38 tiếng/ngày để truy cập internet, trong đó hơn 58% có giao dịch mua hàng qua mạng hàng tuần.
Theo báo cáo của Agility - nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho bãi, năm 2022, Việt Nam đứng thứ 11 trong top 50 quốc gia đứng đầu trong lĩnh vực logistics. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Ước tính, thị trường vận tải logistics của Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép là 7% từ năm 2021 đến năm 2026. Điều này đi đôi với nhu cầu tăng cao về bất động sản kho bãi.
Theo báo cáo quý 2/2022 của Cushman && Wakefield, nguồn cung nhà kho tại TP.HCM là 705,000m2, với giá thuê trung bình 5,4 USD/m2 và Hà Nội là 180,000m2, giá thuê 5,2 USD/m2, tỷ lệ lấp đầy trung bình ở hai thành phố này là 91%.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam dự đoán, trong 5 năm tới, khoảng 40.000 ha đất khu công nghiệp sẽ được cung cấp cho thị trường bất động sản kho bãi.
Nhìn thấy cơ hội từ thương mại điện tử và sản xuất công nghiệp tăng vọt, nhiều doanh nghiệp đang ráo riết săn lùng bất động sản kho bãi với quy mô lớn tại các vị trí trọng điểm, liền kề với các trung tâm kinh thế lớn khi quỹ đất ngày càng khan hiếm.
Anh Nguyễn Trung Thành, giám đốc một công ty bất động sản kho bãi cho biết, công ty của anh vừa đấu giá thành công 5 lô đất có tổng diện tích gần 300.000 m2 để làm kho xưởng cho thuê. Vậy mà chỉ sau 2 tháng đi vào hoạt động, hiện kho xưởng đã đạt công suất 100%.
Có thể nói, hiện tại, nguồn cung bất động sản kho bãi đang chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh của thị trường, đặc biệt là những tháng cuối năm.
Cảnh báo với nhà đầu tư
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện nay các kho hàng của chúng ta chưa đáp ứng được tiêu chí của những nhà kho chuyên nghiệp. Thường các nhà kho sẽ được thuê ở khu vực nội thành để tiện việc di chuyển, lưu trữ, đóng gói và phát hành. Với diện tích nhà phố hạn chế, nhà kho hoạt động gần như 24/24 nhất là những tháng cao điểm, nhằm tránh dồn đơn hàng. Và các yếu tố như phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường… gần như đang bị bỏ ngỏ.
Theo Cushman && Wakefield, hiện 60% kho bãi của Việt Nam là kho bãi truyền thống. Các kho bãi đang được quan tâm đầu tư và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng trưởng 22%, sẽ có kho bãi đạt chuẩn tiểu chuẩn A, B.
Ông John Campbell, Quản lý bộ phận Bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam cho rằng, thị trường logistics đang khá hấp dẫn tại Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp đổ xô vào cuộc đua gom đất làm kho bãi, rồi cho thuê qua lại, đẩy giá tăng cao.
Trong khi đó, hạ tầng giao thông của ta còn kém, chi phí hậu cần cao, cấu trúc ngành logistics tại Việt Nam còn đang khá rời rạc, các doanh nghiệp tham gia thị trường chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp dịch vụ có giá trị gia tăng thấp. ngành logistics tại Việt Nam mới đang trên đà hình thành và phát triển nên cần có khoảng thời gian nhất định để định hình được ở một đất nước.
Vì thế, hiện tại, khi nhà đầu tư đang lao đầu vào các cuộc đua săn lùng quỹ đất kho bãi, đẩy giá lên cao thì sẽ ôm về nhiều rủi ro không lường trước được. Các chuyên gia nhận định, đây là một sự phát triển không đồng nhất của lĩnh vực logistics tại Việt Nam và các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng.
Cũng theo thông tin từ Savills Việt Nam, khoảng trống ở mảng thị trường bất động sản kho bãi cả về số lượng và chất lượng này đang tạo cơ hội cho các đơn vị bất động sản quốc tế đầu tư vào Việt Nam. Theo quan sát, trong thời gian tới, dòng vốn nước ngoài sẽ chảy vào lĩnh vực bất động sản kho bãi tại Việt Nam dồi dào, mang đến những luồng gió mới, tiêu chuẩn chất lượng từ các nước tiên tiến trên thế giới.