Quyết tâm hoàn thành 5 dự án giao thông quan trọng trong nhiệm kỳ 2021-2026
BÀI LIÊN QUAN
Chi tiết 5 dự án cao tốc quan trọng quốc gia hơn 260.000 tỷ đồng sắp được đầu tưNăm 2022: Bạc Liêu kêu gọi đầu tư 65 dự án thương mại và nhà ở Khởi công, động thổ 5 dự án trọng điểm của Thái BìnhĐến năm 2026, hoàn thành 5 dự án quan trọng
Cuộc họp Thường trực Chính phủ với các địa phương do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, được thực hiện theo hình thức trực tuyến vào ngày 1/3/2022 vừa qua. Tại cuộc họp Thủ tướng đã nghe báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đồng thời thảo luận về 5 dự án giao thông trọng điểm của quốc gia gồm: đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phát triển hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước xác định, trong đó có hạ tầng giao thông. Từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, dành nguồn lực, thời gian, công sức để thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, phấn đấu hoàn thành được 2000km đường cao tốc trong nhiệm kỳ này theo mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 44 của Quốc hội.
Vì vậy, để thực hiện mục tiêu đã đề ra, quyết tâm phải rất cao, nỗ lực phải rất lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, xác định trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn vốn, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả.
"Chính phủ phải quyết tâm rất cao, các địa phương phải quyết tâm rất cao và các bộ ngành cũng phải quyết tâm rất cao. Bởi trong 20 năm qua, chúng ta mới hoàn thành được khoảng 1.000 km cao tốc", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với những tồn tại, hạn chế của một số dự án trong thời gian qua như tình trạng manh mún, dàn trải, kéo dài, chia nhỏ gói thầu với quá nhiều nhà thầu hay bất cập trong việc giao mỏ vật liệu. Thủ tướng yêu cầu cần rút kinh nghiệm, khắc phục triệt để những hạn chế trên.
Đồng thời, Thủ tướng còn lưu ý: "Việc triển khai các dự án đường cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể; nếu qua sông thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm và qua đồng ruộng thì đổ đất, không bám theo các khu dân cư để tránh phải chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng và tạo ra không gian phát triển mới".
Về phía các bộ ngành, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các đơn vị này phải phối hợp cùng với địa phương tăng cường phân cấp phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ. Các địa phương cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực tự cường, chủ động, sáng tạo và chia sẻ với Trung ương trong huy động nguồn vốn hợp pháp. Ngoài nguồn lực nhà nước, phải tăng cường hợp tác công tư.
Đề nghị các bộ, ngành, các địa phương phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trên tinh thần "làm ngày làm đêm", vì nhân dân phục vụ, khẩn trương trình các cơ quan có thẩm quyền theo quy định, bảo đảm tiến độ và chất lượng công việc.
Trung ương bố trí 50%, địa phương cân đối 50% nguồn vốn
Việc bố trí vốn Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh phải linh hoạt, sát tình hình, hài hòa giữa vốn nhà nước ở trung ương và vốn nhà nước ở địa phương, bảo đảm đủ vốn để hoàn thành 5 dự án trong nhiệm kỳ này. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kế thừa các cơ chế, chính sách đã được cấp có thẩm quyền đồng ý, cho phép; tiếp tục rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề còn vướng mắc.
Thủ tướng nêu rõ nguyên tắc thực hiện là Trung ương bố trí 50%, địa phương cân đối 50% nguồn vốn cho các dự án này, gồm nguồn vốn đầu tư công trung hạn, nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các nguồn vốn khác.
Thủ tướng giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện bố trí đủ vốn triển khai 5 dự án nêu trên và cam kết hoàn thành trong nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Với các dự án đầu tư công, dự án đi qua địa phương nào thì địa phương đó làm chủ đầu tư, với dự án PPP thì giao địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành phải giúp đỡ, hỗ trợ các địa phương.
Bộ Giao thông vận tải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quản lý đầu tư xây dựng công trình, dự án, gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.
Tiếp nhận chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các địa phương có 5 dự án quan trọng đi qua đều khẳng định quyết tâm thực hiện các dự án, sẵn sàng làm chủ đầu tư với các dự án đầu tư công nếu được phân cấp và làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền với các dự án đầu tư theo hình thức PPP nếu được giao nhiệm vụ với nỗ lực cao nhất.
Chi tiết 5 dự án quan trọng quốc gia
Dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô trải dài qua 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên có tổng chiều dài dự kiến là 111,2km. Tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn của nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Ngày 25/2, các tỉnh, thành phố có dự án vành đai 4 đi qua sẽ trình hồ sơ dự án.
Dự án vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh dài gần 92km. Với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 75.777 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 41.872 tỷ đồng. Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, cho biết đã khẩn trương hoàn thành hồ sơ gửi về Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư trước Tết Nguyên đán. Thành phố đã sẵn sàng cho việc thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài dự kiến là 53,7km. Tổng số vốn đầu tư là hơn 17.800 tỷ đồng. Dự án này đã hoàn thiện lại hồ sơ theo phương thức đầu tư công và đã trình Thủ tướng Chính phủ vào ngày 11/2.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài hơn 188km. Tổng số vốn đầu tư dự kiến hơn 45.000 tỷ đồng. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thiện lại hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo phương thức đầu tư công và đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ vào ngày 11/2.
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5km. Tổng vốn đầu tư dự kiến là gần 22.000 tỷ đồng. Dự án này sẽ kết nối Tây Nguyên với miền Trung và các cảng biển nước sâu.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải cho biết đang hoàn thiện thủ tục để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án cao tốc quan trọng quốc gia trong kỳ họp tháng 5 sắp tới.