Năm 2022: Bạc Liêu kêu gọi đầu tư 65 dự án thương mại và nhà ở
BÀI LIÊN QUAN
Đà Nẵng: Gần 8.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển thành phốHải Phòng đấu giá khu đất hơn 30 tỷ đồng làm sân golf Nông dân Cà Mau hốt bạc tỷ nhờ đầu tư đất nuôi "thập cẩm" thuỷ sảnKêu gọi đầu tư vào 152 dự án
Cụ thể, theo Danh mục các dự án được kêu gọi đầu tư trong năm 2022 của các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, có tổng cộng 152 dự án.
Theo đó, 13 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp; 23 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Đối với lĩnh vực thương mại và nhà ở có 65 dự án; 16 dự án thuộc lĩnh vực thể thao và du lịch; 22 dự án thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Về y tế - giáo dục có 6 dự án; Lĩnh vực môi trường có 7 dự án được tỉnh Bạc Liêu kêu gọi đầu tư trong năm 2022.
Có thể kể tới một số dự án tiêu biểu như: Dự án trung tâm tài chính – thương mại và dịch vụ Bạc Liêu với diện tích 0,90 héc-ta; Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái hỗn hợp có diện tích hơn 419 héc-ta (xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông – thành phố Bạc Liêu). Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu để nuôi tôm siêu thâm canh, sản xuất thức ăn, con giống, chế biến, phụ trợ… với tổng vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng tại xã Hiệp Thành. Với dự án này, vốn nhà nước là 564 tỷ đồng.
Một dự án tiêu biểu khác là Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Láng Trâm với vốn đầu tư 899 tỷ đồng. Dự án này có diện tích 103,5 héc-ta tại xã Tân Thạnh (thị xã Giá Rai).
Các dự án hạ tầng, giao thông tiêu biểu như: Xây cầu dẫn tại bến tàu du lịch Bạc Liêu nối Côn Đảo và cảnh quan quan trên biển với diện tích 5 héc-ta; Dự án cảng biển nước sâu tỉnh Bạch Liêu tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình để phục vụ nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu có thể đón tàu 150.000 tấn.
Đối với lĩnh vực thương mại – nhà ở, Bạc Liêu đầu tư 65 dự án. Trong đó có một số dự án tiêu biểu như: Khu đô thị mới Đông đường vành đai khu 1 với diện tích 133 héc-ta; khu 2 với hơn 225 héc-ta tại thành phố Bạc Liêu; Khu đô thị phía Nam đường Nguyễn Thị Minh Khai với hơn 60 héc-ta; Khu đô thị kết hợp nghỉ dưỡng hơn 44 héc-ta tại phường 5 thành phố Bạc Liêu…
Bên cạnh đó, còn một số dự án du lịch có quy mô lớn như: dự án điểm du lịch sinh thái Gành Hào kết hợp khu Lăng Ông Nam Hải (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) có diện tích 84 héc-ta…
Đây là các dự án có tính chất quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của địa phương trong thời gian tới.
Tập trung thu hút đầu tư ở 5 lĩnh vực trụ cột
Theo Quyết định số 68/QĐ-UBND do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều ký ban hành về việc xúc tiến đầu tư trong năm 2022 của tỉnh Bạc Liêu, tỉnh này sẽ tập trung thu hút đầu tư với 5 lĩnh vực trụ cột.
5 lĩnh vực đó bao gồm: Một là phát triển nông nghiệp với trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo. Hai là phát triển công nghiệp, trong đó trọng tâm của tỉnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và điện khí. Ba là phát triển du lịch. Bốn là phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao. Và cuối cùng là phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Theo Quyết định này, tỉnh Bạc Liêu định hướng mời gọi các nhà đầu tư có chọn lọc. Cụ thể, các dự án phải có chất lượng, giá trị cao, đồng thời chú trọng tới môi trường, sử dụng công nghệ sinh học, công nghệ hiện đại. Tỉnh Bạc Liêu cũng chú trọng thu hút các dự án có sử dụng nguồn nhân lực tại địa phương.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến, tìm hiểu và mời gọi các nhà đầu tư uy tín, có khả năng và tiềm lực tài chính cao bên cạnh các nhà đầu tư vừa và nhỏ phù hợp với tiềm năng thế mạnh và điều kiện của tỉnh này.
Để có thể thực hiện việc thu hút, đón “đại bàng về làm tổ”, thời gian tới tỉnh Bạc Liêu sẽ nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, xu hướng và đối tác đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng truyền thông về hình ảnh, chính sách, các tiềm năng, cơ hội cho nhà đầu tư quan tâm tới tỉnh Bạc Liêu. Hỗ trợ nhà đầu tư trong thực hiện thủ tục; hỗ trợ tìm hiểu chính sách, pháp luật, kết nối và xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước…
Theo Chương trình được công bố, trong năm nay Bạc Liêu sẽ tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại Lào, Campuchia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, dự kiến vào quý I, II, III, IV khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.
Mục tiêu của Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh Bạc Liêu là tăng cường thu hút vốn trong và ngoài nước nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để công tác mời gọi đầu tư được thực hiện thành công, tỉnh Bạch Liêu đã đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, bao gồm:
Một là, tập trung đầu tư, xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm. Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có thể tận dụng lợi thế và phát huy hiệu quả tổng hợp trên địa bàn. Nâng cao đời sống của người lao động tại các khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút dự án đầu tư bằng việc đầu tư xây dựng hạ tầng văn hóa – xã hội. Thực hiện đồng bộ công tác giải phóng mặt bằng các khu tái định cư. Thực hiện dứt điểm, quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Công khai, minh bạch trong việc giải phóng mặt bằng.
Hai là, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức. Công khai các quy trình, thủ tục hành chính, quy trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị về hành vi nhũng nhiễu, chậm tiến độ mà cán bộ dưới quyền mình thực hiện ở mỗi công đoạn trong đầu tư để có biện pháp xử lý. Công khai xử lý cán bộ vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng… Thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông trong cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký mã số thuế, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong đăng ký doanh nghiệp, thủ tục về đất đai, xây dựng…
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; Tổ chức đối thoại ít nhất 2 lần trong năm giữa lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư…
Ba là, đẩy mạnh việc lập và bổ sung điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm và quy hoạch xây dựng. Tăng cường công tác quản lý, thực hiện quy hoạch, kiểm tra, giám sát của cộng đồng. Tổ chức lấy ý kiến của doanh nghiệp và người dân trong việc xây dựng quy hoạch.
Công bố, công khai các quy hoạch như: Xây dựng, đô thị, sử dụng đất… đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt tại nơi được quy hoạch, trụ sở chính quyền để nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như người dân được biết và thực hiện cũng như cùng kiểm tra, giám sát.
Bốn là phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để đầu tư đào tạo đội ngũ công nhân có trình độ cao phù hợp yêu cầu phát triển; nguồn nhân lực có khả năng tiếp cận khoa học hiện đại; Có chính sách thu hút người tài…
Năm là, thực hiện chính sách, cơ chế thích hợp để huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Các ngành, các cấp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án đầu tư hoạt động có hiệu quả, khuyến khích mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa mục tiêu đầu tư. Điều chỉnh giá thuê đất một cách linh hoạt cho từng thời kỳ để vừa tăng thêm nguồn thu, vừa thu hút các nhà đầu tư. Vận dụng và có cơ chế linh hoạt, thích hợp để thu hút các nguồn lực của địa phương trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng trong tỉnh Bạc Liêu.
Sáu là, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư. Bộ phận chuyên môn về xúc tiến đầu tư phải chuyên nghiệp, có năng lực, có khả năng về ngoại ngữ, giao tiếp… đáp ứng điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế…
Bảy là, tăng cường tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh, tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Bạc Liêu.
Tám là, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá.
Chín là, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự xã hội.
Theo số liệu thống kê, năm 2021, tỉnh Bạc Liêu đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án. Hiện tổng sản phẩm bình quân đầu người của tỉnh Bạc liêu đạt 58,67 triệu đồng một người/ một năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế là 5,05%, đứng đầu trong 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.