Phê duyệt quy hoạch đô thị sông Hồng quy mô 11.000 ha
BÀI LIÊN QUAN
Bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng có thể trở thành công viên văn hóa du lịchQuy hoạch đô thị sông Hồng, sông Đuống: Đề xuất làm du lịch, trang trại tại khu vực bãi bồiSẽ giữ lại các khu dân cư hiện có nằm trong Đồ án quy hoạch đô thị sông HồngPhân khu đô thị sông Hồng là không gian thoát lũ
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND về phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở).
Theo đó, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ thuộc địa giới hành chính của các quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.
Diện tích của phân khu quy hoạch là gần 11.000 ha, trong đó sông Hồng chiếm 3.600 ha (33%), đất bãi sông hơn 5.400 ha (50%). Diện tích còn lại là là khu vực đã xây dựng gồm làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá... Ngoài ra, còn có đất các công trình hạ tầng xã hội (công cộng, trường học), công trình hạ tầng kỹ thuật…
Đến năm 2030, dự báo quy mô dân số tối đa tại khu vực này là khoảng 300.000 người. Trong đó, 215.000 người là dân số hiện có giữ lại cải tạo chỉnh trang, 85.000 là dân số đất nhóm nhà ở mới.
Chức năng chính của phân khu đô thị sông Hồng là không gian thoát lũ cho sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm, được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Do đó, 3 nguyên tắc quy hoạch không gian thoát lũ. Một là không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới. Hai là không thu hẹp không gian thoát lũ, không đề xuất giải pháp đê mới trong đê cũ. Ba là không làm thay đổi mục tiêu và tiêu chuẩn phòng, chống lũ của hệ thống sông đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 257 năm 2016.
Bên cạnh đó, phân khu đô thị sông Hồng còn là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch giải trí biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch.
3 phân đoạn chính
Theo quy hoạch, phân khu đô thị sông Hồng sẽ phân đoạn quản lý phát triển gồm 3 phân đoạn chính:
Phân đoạn từ cầu Hồng Hà tới cầu Thăng Long (đoạn R1-R2) là khu vực phát triển không gian sinh thái, bảo tồn tính tự nhiên trên cơ sở các làng xóm ven đô dần đô thị hóa và đất bãi, đất nông nghiệp (trồng rau, hoa màu, cây cảnh...) của Mê Linh, Đông Anh, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm.
Khu vực này được thành phố định hướng phát triển công viên chuyên đề với mô hình trang trại sinh thái và nông nghiệp đô thị phục vụ du lịch và các khu đa chức năng gắn với hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển (cụm cảng Chèm).
Phân đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì (đoạn R3-R4) là khu vực trung tâm của phân khu đô thị sông Hồng. Phía Bắc gồm làng xóm đô thị hóa thuộc huyện Đông Anh, quận Long Biên và khu đất bãi được nghiên cứu xây dựng. Phía Nam thuộc các quận nội đô như Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai gồm đất ở đô thị với mật độ rất cao, đất bãi và khu vực bãi giữa.
Khu vực này được thành phố định hướng đa chức năng, với các công trình công cộng văn hóa, thương mại dịch vụ và không gian cảnh quan thúc đẩy tiện nghi giải trí của đô thị ở khu bãi giữa, trục không gian lịch sử liên kết khu vực hồ Tây - Cổ Loa.
Phân đoạn từ cầu Thanh Trì đến cầu Mễ Sở (đoạn R5) là không gian sinh thái trọng tâm của phân khu đô thị sông Hồng, với các khu nông nghiệp trồng rau màu, cây cảnh, nuôi trồng thủy sản cùng làng nông nghiệp truyền thống và công trình di tích lịch sử.
Khu vực này được thành phố định hướng bảo tồn và khôi phục các giá trị tự nhiên, văn hóa phục vụ du lịch và phát triển đa chức năng gắn với hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển (cảng Thanh Trì, Bát Tràng), làng nghề Bát Tràng.
Quy hoạch 8 bãi sông Hồng
Hà Nội đã nghiên cứu quy hoạch 8 bãi sông Hồng. Trong đó, 6 bãi sông Hồng sẽ xây dựng mới với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590 ha) gồm: Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức. Riêng khu vực Tàm Xá - Xuân Canh được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 15% (khoảng 408 ha).
Về hệ thống hạ tầng giao thông, trong kế hoạch quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng nêu rõ, Thành phố Hà Nội định hướng xây dựng mới 2 tuyến trục chính đô thị dọc sông Hồng. Một là trục bờ hữu Hồng từ cầu Hồng Hà tới cầu Thanh Trì quy hoạch với quy mô mặt cắt ngang tối thiểu 4 làn cơ giới và 2-4 làn hỗn hợp. Hai là trục bờ tả Hồng từ cầu Thượng Cát - đê Tả Hồng - cầu Vĩnh Tuy - cầu Thanh Trì quy hoạch với quy mô mặt cắt rộng 40 - 60 m (từ 6 đến 10 làn xe).
Đối với hệ thống đường sắt, sẽ dỡ bỏ các tuyến đường sắt quốc gia hiện có gồm tuyến xuyên tâm Yên Viên - Ngọc Hồi và tuyến vành đai Hà Đông - Bắc Hồng, thay thế mới bằng các tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 6.
Tuyến đường sắt đi dọc đường vành đai 4, cắt qua sông Hồng tại cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở được xây dựng mới theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt. Ngoài ra, trong phạm vi lập quy hoạch có 6 cầu đường sắt đô thị kết nối các khu vực Bắc với Nam sông Hồng.
Hệ thống đường thủy, sông Hồng là tuyến vận tải thủy cấp I, II. Do đó, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng bố trí 6 cảng đường thủy nội địa. Trong đó, hai cảng chính là cảng Hà Nội và cảng Khuyến Lương. Bốn cảng địa phương là cảng Chèm - Thượng Cát, cảng Bắc Hà Nội, cảng Thanh Trì, cảng Bát Tràng.
Xây dựng mới 6 cầu đường bộ qua sông Hồng. Cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở trên đường vành đai 4. Hai cầu này có quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn hỗn hợp. Cầu Thượng Cát và cầu Ngọc Hồi trên đường vành đai 3,5. Hai cầu này có quy mô 6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp. Cầu Tứ Liên kết nối các tuyến đường trục chính đô thị dọc hành lang hai bên sông Hồng. Cầu này có quy mô 6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp. Cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang khu vực quận Long Biên. Cầu này có quy mô 6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp.
Trong đồ án quy hoạch, thành phố Hà Nội xây dựng bổ sung giai đoạn 2 của cầu Vĩnh Tuy. Đồng thời, thực hiện nghiên cứu bổ sung, mở rộng cầu Thăng Long, cầu Bắc Cầu qua sông Đuống trên tuyến đường trục chính đô thị dọc sông Hồng.