PGS. TS. Phạm Thế Anh: Ngân hàng Nhà nước đang khá thận trọng với vấn đề lạm phát
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán Mỹ tăng điểm bất chấp việc nhà đầu tư lo Fed tăng lãi suất sau số liệu kinh tế tích cựcTại sao lãi suất vay mua bất động sản tăng chóng mặt?Các nhà băng đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy độngTheo Doanhnhan.vn, chiều 15/2 đã diễn ra buổi Tọa đàm “FiinGroup Invest Summit: Điểm sáng Đầu tư năm 2023” bàn luận về vấn đề lãi suất trong năm 2023. Trong buổi tọa đàm này, các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước chỉ có thể cân nhắc đến việc hạ lãi suất sớm nhất kể từ giữa năm nay khi những yếu tố tiêu cực bên ngoài đã không còn tác động mạnh mẽ như trước.
Liên quan đến vấn đề này, Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, hai yếu tố tác động nhiều nhất lên lãi suất là lạm phát của Việt Nam cùng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Lạm phát tại Mỹ đã qua đỉnh, quan trọng là nó sẽ giảm nhanh hay chậm. Vì thế, mức lãi suất của Fed đã lên đến gần 4,75%.
Ngân hàng Nhà nước đang khá thận trọng với vấn đề lạm phát
Chuyên gia này nhận định, trong năm 2023 lãi suất của Mỹ sẽ quay đầu giảm. Tuy nhiên, con đường giảm có thể sẽ gập ghềnh hoặc chậm lại một chút. Đến tháng 5/2023, lạm phát yoy của Mỹ có thể rơi xuống khoảng 3,5%, điều này làm giảm khả năng tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đối với kịch bản xấu nhất, nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 3 năm nay, mức tăng chỉ khoảng 0,25%. Đến kỳ họp tháng 5, Fed có thể sẽ dừng tăng lãi suất. Nhờ đó, sức ép lên tỷ giá của Việt Nam giảm mạnh, lãi suất của Việt Nam hiện đang ở mức đỉnh và sẽ theo đà đi xuống.
Đáng chú ý, vị chuyên gia này bổ sung, mức giảm nhanh hay chậm vẫn còn phụ thuộc vào quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, chờ đợi tín hiệu rõ ràng từ việc Fed dừng tăng lãi suất. Đến tháng 5, nhiều khả năng Việt Nam sẽ chuyển hướng sang hạ lãi suất. Ông Thế Anh cũng đánh giá, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang khá thận trọng với vấn đề lạm phát. Việc nới lỏng tiền tệ hay không chủ yếu phụ thuộc vào mục tiêu kiểm soát lạm phát cũng như xu hướng lạm phát của Việt Nam trong những tháng sắp tới.
Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên sử dụng giá lãi suất để chống lạm phát và điều chỉnh tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước với quan điểm thận trọng nên chỉ hành động khi có tín hiệu, cộng thêm nguy cơ tăng lãi suất từ bên ngoài giảm xuống mức thấp nhất. Chính vì thế, nếu lạm phát trong tháng 2 và tháng 3 giảm rõ rệt, chúng ta có thể kỳ vọng lãi suất sẽ có xu hướng giảm. Hiện nay, lãi suất của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều quốc gia trên thế giới. Ông Thế Anh đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc đến việc sớm hạ lãi suất nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Nếu tính đến khả năng hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, một xu hướng khác cần quan sát là dự trữ ngoại hối. Cơ quan quản lý sau hơn 1 năm tích cực bán ra để giữ giá VND hiện đang muốn tích trữ ngoại hối trở lại. Trong những tháng tới, khi Ngân hàng Nhà nước hoàn thành việc tích trữ ngoại hối, hoàn toàn có thể kỳ vọng điều kiện thị trường tiền tệ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Một khi dự trữ ngoại tệ dồi dào, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa để hạ lãi suất tiền đồng.
Một khi lãi suất được hạ, triển vọng của nền kinh tế cũng sẽ tích cực hơn trước. Với điều kiện tỷ giá như hiện tại, ông Thế Anh cho rằng lãi suất huy động của Việt Nam ở mức 7% đến 8% là phù hợp.
Vị chuyên gia này cũng cảnh báo, nếu mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức cao như hiện nay sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, sụp đổ. Đặc biệt, những doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiêu thụ những doanh nghiệp đầu ra, điển hình như doanh nghiệp bất động sản, tác động đến nhiều ngành nghề khác trong nền kinh tế. Vị chuyên gia này khẳng định: “Nếu lạm phát không hạ xuống thì lãi suất vẫn giữ ở mức cao. Điều này trở thành rủi ro lớn nhất trong năm nay”.
Lãi suất không tăng trong nửa năm tới
Nếu xét trong góc độ phân tích về ngành ngân hàng, bà Trần Kiều Oanh - Trưởng phòng, Khối Phân tích Định chế Tài chính, FiinGroup cho biết, trong nửa năm tới lãi suất sẽ không tăng, đến nửa đầu năm có thể sẽ giảm. Đồng thời, một cuộc đua về lãi suất huy động đã diễn ra vào giai đoạn nửa cuối năm 2022. Dù Hiệp hội Ngân hàng đã họp và thống nhất mức trần lãi suất huy động là 9,5%; thế nhưng theo quan sát, vẫn có những người gửi tiền gửi với mức trên 10%.
Thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động tăng cao đã khiến mặt bằng lãi suất cho vay cũng tăng lên đáng kể. Do đó, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân bị hạn chế, bao gồm cả người mua nhà để phục vụ cho nhu cầu ở thực. Điều đáng nói, mặt bằng lãi suất cao cũng khiến chi phí vốn ngân hàng bị đội lên đáng kể, tác động đến NIM của ngân hàng trong vòng một đến hai quý sắp tới.
Theo bà Trần Kiều Oanh, chi phí vốn tăng cao sẽ khiến cho NIM của ngân hàng nhiều khả năng sẽ bị thu hẹp trong nửa đầu năm 2023. Trong nửa cuối năm, chỉ số này có thể cải thiện nhẹ khi mặt bằng lãi suất giảm.