Chứng khoán Mỹ tăng điểm bất chấp việc nhà đầu tư lo Fed tăng lãi suất sau số liệu kinh tế tích cực
BÀI LIÊN QUAN
Dow Jones mất gần 250 điểm, chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuốngChứng khoán Mỹ lao dốc, Dow Jones và Nasdaq cùng "bốc hơi" hơn 200 điểmChứng khoán Mỹ đảo chiều bật tăng sau đánh giá của ông Powell về lạm phátTheo Doanh nghiệp và Kinh doanh, thị trường chứng khoán Mỹ phiên giao dịch ngày 15/2 đóng cửa trong sắc xanh khi nhà đầu tư đón nhận báo cáo doanh số bán lẻ tháng 1 cho thấy hoạt động tiêu dùng khả quan hơn so với dự kiến, qua đó làm tăng thêm lo ngại về việc Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát.
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng gần 39 điểm, tương đương 0,11%, dừng ở mức 34.128 điểm. So với mức đáy trong ngày, chỉ số gồm 30 cổ phiếu bluechips này đã tăng hơn 250 điểm. Trong khi đó, S&P 500 tăng 0,28% lên gần 4.148 điểm nhờ sự hỗ trợ của 2 cổ phiếu ngành điện là SolarEdge và Generac vọt lên lần lượt là 9% và 8%.
Còn chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite ghi nhận mức tăng 0,92% lên gần 12.071 điểm. Các cổ phiếu như Airbnb, Tesla, Rivian và Lucid đã đóng góp công lớn giúp chỉ số này tăng điểm.
CNBC cho biết, thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm đầu phiên sau khi báo cáo của Bộ thương mại Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ tháng 1 tăng 3%, vượt xa mức 1,9% mà các nhà kinh tế Dow Jones dự báo.
Thống kê mới nhất này cũng cho thấy rằng nền kinh tế Mỹ vẫn vận hành mạnh mẽ, bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất và giảm cung tiền. Bên cạnh đó, Fed sẽ có thêm lý do để tiếp tục thắt chặt tiền tệ trong chiến dịch chống lạm phát mà không phải lo về việc nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Ông Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance cho rằng, thị trường lao động vững mạnh là lý do chính khiến người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì lạm phát sẽ khó hạ xuống. Do đó, Fed cần nâng lãi suất lên cao hơn và giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn dự báo hiện tại. Khi đó, các thị trường sẽ chịu nhiều biến động lớn do cổ phiếu và trái phiến đang được định giá theo kịch bản tích cực.
Trước khi báo cáo doanh số bán lẻ được công bố 1 ngày, Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) đã cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2022 và 0,5% so với tháng liền trước, cao hơn mức 6,2% và 0,4% mà các nhà kinh tế dự báo.
Trong tuần này, các nhà đầu tư sẽ theo dõi bài phát biểu của các quan chức Fed để dự đoán bước đi tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Mỹ tại cuộc họp vào ngày 21-22/3 tới.
Mùa công bố kết quả kinh doanh quý 4 cũng sẽ tiếp tục trong tuần này với một số doanh nghiệp có thể kể đến như Shopify, DoorDash, Zillow. Đã có 3/4 doanh nghiệp trong S&P 500 công bố báo cáo tài chính. Trong số này có khoảng 69% có lợi nhuận vượt dự báo của giới phân tích, thấp hơn so với mức 79% bình quân trong 3 năm vừa qua.
Ngoài ra, thị trường sẽ tiếp tục đón nhận một loạt báo cáo kinh tế Mỹ vào ngày thứ Năm, bao gồm chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) - một thước đo lạm phát quan trọng khác. Một cuộc khảo sát của Dow Jones dự báo PPI tháng 1 của Mỹ đã tăng 0,4% so với tháng trước, sau khi giảm 0,5% trong tháng 12.
Giá dầu giảm, Bitcoin bất ngờ nhảy gần 10%
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,2 USD/thùng, tương đương với mức giảm hơn 0,2%, còn 85,38 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York giảm 0,47 USD/thùng, tương đương giảm 0,6%, còn 78,59 USD/thùng.
Giá dầu trong phiên này đối mặt với một loạt bất lợi bao gồm đồng USD tăng giá, nỗi lo tăng lãi suất và dữ liệu cho thấy lượng dầu thô tồn kho của Mỹ tăng mạnh. Mặt khác, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất gần 6 tuần do kỳ vọng Fed phải tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda cho biết, giá dầu đang phải chịu áp lực giảm vì đồng USD tăng giá mạnh sau số liệu kinh tế ấn tượng, mở đường cho Fed tăng lãi suất nhiều hơn.
Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đã cho thấy, lượng tồn kho dầu thô thương mại của nước này đã tăng 16,3 triệu thùng trong tuần trước, đạt 471,4 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 6/2021. Mức này vượt xa dự báo tăng 1,2 triệu thùng đã đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Tuy nhiên, IEA có trụ sở tại Paris, Pháp tỏ ra lạc quan về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm nay và nói rằng Trung QUốc sẽ chiếm gần một nửa mức cầu tăng thêm do mở cửa trở lại nền kinh tế. Đồng thời, IEA cũng nói đến việc cuối quý I năm nay, sản lượng dầu thô của Nga sẽ giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Vào ngày thứ Ba trước đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cũng nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu và cho biết thị trường dầu sẽ thắt chặt hơn trong năm 2023.
Sau nhiều ngày liên tiếp giảm về ngưỡng 21.000 USD, giá đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới Bitcoin đã bất ngờ tăng mạnh trở lại. Theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com, thời điểm gần 7h sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin ghi nhận tăng 9,4% so với cách đó 24 tiếng, đạt 24.309 USD/Bitcoin. Giá Bitcoin hiện tăng 5,9% so với 1 tuần trước đó.
Tương tự, nhiều tiền ảo lớn khác cũng tăng khá mạnh, chẳng hạn như Ether tăng 7,5%, XPR tăng 5%... qua đó đưa tổng vốn hóa của thị trường tiền ảo toàn cầu tăng gần 7% trong vòng 24 tiếng, đạt 1,1 nghìn tỷ USD.