Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau số liệu lạm phát cao hơn dự kiến
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán Mỹ lao dốc, Dow Jones và Nasdaq cùng "bốc hơi" hơn 200 điểmChứng khoán Mỹ đảo chiều bật tăng sau đánh giá của ông Powell về lạm phátChứng khoán Mỹ đóng cửa trong sắc xanh sau quyết định nâng lãi suất của FedTheo Doanh nghiệp và Kinh doanh, thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 14/2 diễn biến phân hóa sau khi báo cáo CPI tháng 1 cho thấy tỷ lệ lạm phát cao hơn so với dự báo.
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm gần 157 điểm, tương đương 0,46%, qua đó đóng cửa ở mức 34.089 điểm. S&P 500 ghi nhận mức giảm nhẹ 0,03% và dừng ở 4.136 điểm.
Trong khi đó, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite có thời điểm lao dốc nhưng sau đó đã phục hồi và đóng cửa tăng 0,57% lên 11.960 điểm. Cổ phiếu Tesla và Nvidia đi lên tương ứng 7,51% và 5,43% đã hỗ trợ mạnh mẽ cho Nasdaq.
Trong phiên 14/2, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đã đi lên với kỳ hạn 6 tháng đạt 5,022%. Đây là lần đầu tiên lợi suất này vượt mốc 5% kể từ tháng 7/2007. Trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chiến dịch thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát hồi đầu năm 2022, lợi suất 6 tháng đã có thời gian dài ở gần 0%.
Sáng ngày 14/2, Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho thấy tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao. Cụ thể, CPI tháng đầu năm 2023 cao hơn 0,5% so với tháng trước và 6,4% so với cùng kỳ năm 2022, đều cao hơn so với dự báo mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó là 0,4% và 6,2%.
Nếu không tính giá lương thực và năng lượng, CPI lõi tháng 1 tăng 0,4% so với tháng trước, đồng thời tăng 5,6% so với một năm trước. Theo khảo sát các nhà kinh tế do Dow Jones thực hiện trước đó dự báo lần lượt là 0,3% và 5,5%.
Ban đầu, CPI tháng 12 được công bố giảm 0,1% so với tháng liền trước nhưng mới đây đã được điều chỉnh tăng 0,1%.
CNBC cho biết, con số lạm phát của tháng 1/2023 tiếp tục có xu hướng đi xuống nhưng nhiều khả năng vẫn chưa đủ để khiến Fed ngừng chiến dịch thắt chặt tiền tệ.
Lạm phát cao hơn dự báo đã củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải duy trì trạng thái chính sách tiền tệ thắt chặt lâu hơn. Điều này đã gây ra áp lực giảm giá lên nhiều tài sản và cổ phiếu không phải một ngoại lệ.
Trả lời hãng tin CNBC, ông Ed Yardeni, Chủ tịch Yardeni Research cho rằng, lạm phát ở Mỹ vẫn đang cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed, nhưng những con số vừa công bố không hoàn toàn gây bất ngờ.
Theo vị chuyên gia, lạm phát cao hơn kỳ vọng và ông cho rằng đó là lý do vì sao thị trường lùi lại. Đề cập đến sự tăng tốc của CPI tháng, ông Yardeni cho biết thêm rằng, thị trường có một con đường dài và gập ghềnh để đi. Nhưng nếu nhìn tổng thể thì quá trình giảm lạm phát mạnh mẽ đang diễn ra.
mặc dù kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ có một cuộc "hạ cánh mềm", nhưng ông Yardeni không cho rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Ngày thứ Ba vừa qua, các quan chức Fed đã đưa ra lập trường chính sách tiền tệ thiếu nhất quán, khiến nhà đầu tư có phần băn khoăn. Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia Patrick Harker nói rằng Fed chưa hoàn tất việc tăng lãi suất, nhưng "có thể đã đến gần" mức lãi suất cực đại. Còn theo Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams, dù lạm phát đang yếu đi, nhưng Fed vẫn còn một chặng đường dài phải đi và có thể phải mất nhiều năm nữa để lạm phát giảm về mức mục tiêu 2%.
Ông Mike Loewengart, Giám đốc xây dựng mô hình danh mục tại Morgan Stanley Global Investment Office, nhận định: “Không có bất ngờ lớn nào trong báo cáo CPI ngày hôm nay nhưng nó là lời nhắc nhở rằng mặc dù lạm phát đã đạt đỉnh nhưng vẫn cần thêm nhiều thời gian mới có thể quay về mức bình thường”. Ông nói thêm rằng, câu hỏi hiện tại vẫn là lạm phát có thể xuống mức mục tiêu của Fed mà thị trường lao động vẫn mạnh mẽ như hiện nay hay không?
Mặc dù thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm, nhưng chứng khoán thế giới lại có một phiên tăng điểm nhẹ. Theo đó, chỉ số MSCI toàn cầu chốt phiên ngày thứ Ba với mức tăng 0,1%. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu cũng ghi nhận mức tăng 0,08%.
Giá dầu giảm 1%
Ở diễn biến khác, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,96 USD/thùng, tương đương với mức giảm 1,1%, còn 85,65 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York giảm 0,87 USD/thùng, tương đương giảm 1,1%, còn 79,27 USD/thùng.
Giá dầu lao dốc sau khi Bộ Năng lượng Mỹ tuyên bố sẽ bán 26 triệu thùng dầu dự trữ dầu lửa chiến lược (SPR). Động thái này đã giúp giải tỏa nỗi lo thiếu cung dầu, dù cho lượng dầu trong dự trữ SPR đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1983.
Bên cạnh đó, giá dầu còn chịu áp lực giảm từ số liệu lạm phát cao hơn so với dự báo của Mỹ. Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết rằng thị trường tài chính đang cố gắng nghiền ngẫm báo cáo CPI. Các kỳ vọng về lãi suất đang không ngừng biến động, gây ảnh hưởng đến các tài sản rủi ro như giá dầu.
Tuy nhiên, giá dầu trong phiên này được hỗ trợ bởi một báo cáo của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Trong bản báo cáo hàng tháng của mình, OPEC đã nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2023 thêm 100.000 thùng/ngày, dựa trên cơ sở nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau khi dỡ bỏ chính sách Zero Covid.
Nhà phân tích Matt Smith của Kpler đánh giá, báo cáo hàng tháng về thị trường dầu của OPEC đã mang lại một vài sự lạc quan thận trọng, nhưng đồng thời ông cũng cho rằng giá dầu sẽ còn gặp trở ngại trong ngắn hạn do tâm lý lo ngại rủi ro đang chiếm ưu thế trên thị trường.