Ông Trương Gia Bình: Giải thưởng Sao Khuê là bảo chứng cho chất lượng và uy tín của các sản phẩm công nghệ
BÀI LIÊN QUAN
Những điểm mới của giải thưởng Sao Khuê 202320 năm giải thưởng Sao Khuê phát triển như thế nào?TS Lê Quang Minh: Giải thưởng Sao Khuê - Ngôi sao sáng nhất trên bầu trời20 năm ấy...
Sáng 28/4 tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức Lễ công bố và trao giải thưởng Sao Khuê 2023. Giải thưởng năm nay vinh danh 182 sản phẩm từ 128 doanh nghiệp, trong đó 11 giải thưởng được xếp hạng 5 sao và 10 đề cử được trao Top 10 Giải thưởng Sao Khuê 2023.
Chúc mừng những chủ nhân của 182 ngôi Sao Khuê 2023 - những đại diện xuất sắc của ngành CNTT Việt Nam sẽ được tôn vinh tại buổi lễ hôm nay, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA Trương Gia Bình chia sẻ ông nhớ lại những ngày đầu của Giải thưởng Sao Khuê.
“Năm 2003, VINASA mới thành lập được mấy tháng, chúng tôi khi đó nghĩ đến việc cần phải có một cái gì đó để lựa chọn, vinh danh những sản phẩm công nghệ, trí tuệ, chất lượng của Việt Nam và nhanh chóng phổ biến đến thị trường và cộng đồng. Ngành CNTT cần một giải thưởng”, ông Bình nói và chia sẻ, khi đó ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký VINASA lúc đó đưa ra sáng kiến về giải thưởng cho ngành với tên gọi Sao Khuê.
“Tên gọi này được lấy cảm hứng từ một trong những biểu tượng trí tuệ Việt Nam – danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi, người gắn liền với danh hiệu: Tâm thượng quang Khuê tảo”, con người trí tuệ, tâm sáng. Khi ấy, Giải thưởng Sao Khuê – Vinh danh những con người, những doanh nghiệp, những tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng CNTT và đặc biệt là các sản phẩm phần mềm, dịch vụ CNTT xuất sắc”, ông Bình nói.
Theo ông Trương Gia Bình, giải thưởng Sao Khuê lần đầu tiên được tổ chức chỉ có 10 giải thưởng. Cá nhân đầu tiên được trao Giải thưởng Sao Khuê là Giáo sư Đặng Hữu, người đặt nền móng trong việc xây dựng và đề xuất Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa VIII ban hành Chỉ thị 58/CT-TW vào ngày 17.10.2000 với nội dung đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam.
“Năm ấy, khi giải thưởng Sao Khuê lần đầu được trao, ngành CNTT có doanh thu chỉ vỏn vẹn khoảng 60 triệu USD với khoảng 5.000 người”, ông Bình chia sẻ.
Theo ông Trương Gia Bình, qua 20 năm với sự miệt mài, nỗ lực, đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ của những kỹ sư, lập trình viên, lãnh đạo, nhân viên trong các tổ chức, doanh nghiệp, các sản phẩm, ứng dụng, giải pháp, dịch vụ CNTT của Việt Nam giờ đây có chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu, giải quyết các bài toán của đất nước và con người Việt Nam.
“Từ không có tên trên bản đồ CNTT thế giới, giờ đây thứ hạng của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực đã được nâng lên những tầm cao mới. Từ 10 giải thưởng trong năm đầu tiên, chặng đường 20 năm, Sao Khuê luôn sáng tạo, đổi mới không ngừng, với sự công tâm, cống hiến của những giám khảo, chuyên gia, Sao Khuê luôn phản ánh hơi thở của ngành CNTT, định hướng thị trường, định hướng ứng dụng CNTT, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”, ông Bình nói.
Ngành CNTT tăng trưởng vượt bậc
Ông Trương Gia Bình cũng nhấn mạnh rằng, 20 năm giải thưởng Sao Khuê, 1.625 lượt giải thưởng, danh hiệu được trao, Sao Khuê đã trở thành bệ phóng hiệu quả cho các thương hiệu CNTT Việt Nam, một giải thưởng bảo chứng cho chất lượng và uy tín của các sản phẩm, dịch vụ CNTT.
Giải thưởng Sao Khuê năm nay vinh danh 182 giải thưởng từ 128 doanh nghiệp, trong đó 11 giải thưởng được xếp hạng 5 sao và 10 đề cử được trao Top 10 Giải thưởng Sao Khuê 2023.
Ông Trương Gia Bình cho hay, ngành CNTT Việt Nam cũng đã tăng trưởng vượt bậc với doanh thu 2022 đạt trên 136 tỉ USD, nhân sự trên 1,2 triệu người. Ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam đã trưởng thành, các sản phẩm dịch vụ đủ chất lượng, đủ số lượng để phục vụ thị trường.
“Không ai giao, không ai chỉ đạo, thì chúng ta đã và đang nhận sứ mệnh tiên phong trong chuyển đổi số. Nhưng câu chuyện chuyển đổi số bây giờ không chỉ hỗ trợ khách hàng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi công nghệ; mà phải là hợp tác, kết nối với nhau. Hình thành các liên kết, liên minh trong chuyển đổi số giữa doanh nghiệp CNTT với tổ chức, doanh nghiệp ở các ngành khác, dữ liệu lớn được hình thành”, ông Bình nói và nhấn mạnh khi đó, “bài toán lớn được xác định và giải quyết, như vậy ta mới nhanh chóng có được những mô hình kinh tế số, doanh nghiệp số mới, những mô hình quản trị số, tổ chức số mới. Đây mới là động lực mới cho sự phát triển của đất nước”.
Theo ông Bình, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cũng đã đủ trưởng thành, cả về số lượng, và chất lượng, để vươn ra quốc tế, để Go Global.
Ông Bình cũng dẫn lời của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng: “Đi ra nước ngoài là cạnh tranh với những người xuất sắc nhất. Đây là cách để chúng ta trở nên xuất sắc. Đi ra nước ngoài là mở rộng không gian, là mở rộng thách thức, cũng là mở rộng hệ tri thức, là học hỏi để xây dựng Việt Nam. Tất cả những cái này là để Việt Nam giỏi lên. Không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao được”.
Đánh giá về sản phẩm Meey CRM vừa đạt giải Sao Khuê 2023, ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Meey Land nhấn mạnh: “Meey CRM chính là công cụ giúp nhà môi giới giảm được chi phí, tăng hiệu quả giao dịch trong tư vấn khách hàng và kết nối với các nhà môi giới khác nhau để cùng nhau chia sẻ thông tin thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, tăng được lượng giao dịch. Từ đó, một nhà môi giới có thể tăng 2-3 lần số lượng giao dịch hàng tháng, đạt mức thu nhập tăng 2-3 lần. Và đây cũng là cách để thị trường tăng được tính thanh khoản”.