Sự bùng nổ của công nghệ số đã mang đến diện mạo mới cho thị trường bất động sản những năm gần đây, đặc biệt là giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành.
Theo báo cáo triển vọng bất động sản thương mại 2021, 56% số doanh nghiệp được hỏi cho biết đại dịch COVID-19 giúp họ nhận ra thiếu sót trong số hóa quy trình kinh doanh. Theo đó, trung bình 45% số doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư vào chuyển đổi số trong 12 tháng tới, gồm tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), trí tuệ nhân tạo (AI) và các kênh kỹ thuật số.
Nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đều có chung nhận định rằng chuyển đổi số không còn là nhu cầu, là lựa chọn, mà là yếu tố bắt buộc để giúp doanh nghiệp bất động sản vượt qua những khó khăn trong bối cảnh hiện nay và phát triển bền vững trong tương lai.
Để làm rõ hơn những khó khăn, thách thức trong vấn đề chuyển đổi số ngành bất động sản, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam về vấn đề này.
Ông nhìn nhận gì về xu thế chuyển đổi số trong ngành bất động sản? Theo ông, việc doanh nghiệp bất động sản áp dụng công nghệ mang lại những lợi ích gì?
Theo tôi, xu hướng chuyển đổi số trong các ngành kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng là điều tất yếu. Xu thế này xuất phát từ nhu cầu khách quan của cuộc cách mạng 4.0, đồng thời cũng từ nhu cầu chủ quan của các doanh nghiệp.
Những lợi thế của việc chuyển đổi số trong ngành bất động sản có thể nhìn thấy ngay là cắt giảm chi phí vận hành so với mô hình kinh doanh truyền thống, đồng thời đơn giản hoá quy trình và quản lý dữ liệu khách hàng một cách trực quan và chính xác hơn. Ngoài ra, công nghệ cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận được các đối tượng khách hàng trên kênh số mà lâu nay doanh nghiệp truyền thống không thể tiếp cận đến…
Từ đó, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận khách hàng, lan tỏa thương hiệu, góp phần tăng khả năng tiêu thụ, doanh thu và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Như vậy, việc áp dụng công nghệ không chỉ đem lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp ngành bất động sản mà khách hàng cũng hưởng lợi?
Hiện nay, có hàng trăm doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ bất động sản, góp phần mang lại nhiều hơn các giá trị thực chất cho các bên tham gia trong thị trường bất động sản.
Với khách hàng, xu hướng tìm kiếm, thương lượng giá, trao đổi thông tin về sản phẩm bất động sản thông qua nền tảng online ngày một nhiều. Họ cần thông tin đầy đủ và nhanh chóng không chỉ với bất động sản họ dự tính mua mà còn cần thông tin của tất cả các bất động sản trong khu vực đó để so sánh. Do vậy, thông tin là tối quan trọng đối với ngành bất động sản và để dòng chảy thông tin minh bạch, chính xác đến được đúng đối tượng, đúng thời điểm thì việc áp dụng công nghệ gần như là bắt buộc.
Ngoài ra, khách hàng mong tiếp cận được nhiều thông tin nhưng họ cũng cần sự bảo mật về thông tin cá nhân. Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần bảo mật thông tin về dự án, giá cả, khách hàng… mình đã khảo sát và tích lũy. Do đó, các công nghệ như thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, hệ thống thông tin địa lý - bản đồ, chuỗi khối (blockchain)... được ra đời và áp dụng mang lại hiệu quả cao và trải nghiệm tốt cho khách hàng và có tính bảo mật cao.
Với văn hóa của người Việt Nam, sản phẩm bất động sản là giá trị lớn và lâu dài nên việc minh bạch để tạo được niềm tin sẽ tác động rất lớn tới việc ra quyết định mua bán của họ. Do vậy, chuyển đổi số đã, đang và sẽ trở thành nhu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp bất động sản, bởi việc áp dụng công nghệ đem lại lợi thế cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiệp bất động sản và ngược lại, nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể sẽ bị tụt hậu so với đối thủ.
Tôi lấy ví dụ về trải nghiệm khách hàng chẳng hạn, hiện nay nhiều doanh nghiệp triển khai phần mềm tự động trả lời khách hàng. Khi khách hàng thấy thông tin về sản phầm họ có thể nhắn tin trực tiếp cho doanh nghiệp thông qua ứng dụng và trí tuệ nhân tạo sẽ phản hồi gần như ngay lập tức. Điều này góp phần không nhỏ trong việc “giữ chân” khách hàng, khiến họ muốn tìm hiểu tiếp dự án thay vì tìm dự án khác hoặc đơn vị môi giới khác.
Đối với khách hàng, việc tìm hiểu thông tin ban đầu về dự án thông qua công nghệ số cũng rất hữu ích và họ có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc so với việc đi xem trực tiếp.
Trong bối cảnh xã hội bình thường thì việc áp dụng công nghệ đã quan trọng, vậy trong những bối cảnh bất thường, “thiên nga đen” như đại dịch COVID-19 chẳng hạn, ứng dụng công nghệ đã giúp các doanh nghiệp bất động sản sống sót và phát triển qua đại dịch thế nào, thưa ông?
Đại dịch COVID-19 vừa qua nhiều hoạt động thương mai, dịch vụ cho đến các hoạt động của người dân bị hạn chế, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là các loại hình dịch vụ - thương mại truyền thống. Người dân bị phong tỏa, không thể di chuyển để tìm hiểu kỹ lưỡng bất động sản; doanh nghiệp cũng không thể tổ chức những đợt quảng bá dự án rầm rộ thì thương mại điện tử lại phát triển, nhiều ứng dụng công nghệ hỗ trợ người dân hiểu thông tin về bất động sản ra đời.
Khi đó, người dân có thể ngồi ở nhà vẫn xem được những thông tin về bất động sản phù hợp với mình, từ vị trí, giá bán, tình trạng pháp lý, tiến độ xây dựng, phối cảnh… đều được đưa lên mạng và áp dụng các công nghệ tiên tiến như VR để cung cấp tối đa thông tin cho khách hàng.
Thậm chí lúc đó nhiều đơn vị còn tổ chức những tour du lịch qua thực tế ảo (VR) thay vì trải nghiệm trực tiếp. Dù trải nghiệm trực tiếp có những ưu điểm, nhưng du lịch thực tế ảo có những tệp khách hàng riêng. Đó là những người gặp vấn đề sức khỏe, hoàn cảnh không có phép đi du lịch thì ứng dụng công nghệ thực tế ảo với một mức chi phí nhỏ, họ có thể tham quan được mọi nơi trên thế giới.
Như vậy, nhiều doanh nghiệp phá sản trong đại dịch nhưng đại dịch cũng buộc các doanh nghiệp phải chuyển mình và nhiều loại hình kinh tế mới ra đời. Nếu không có sự phát triển của công nghệ thì các doanh nghiệp không thể thực hiện được những điều này.
Vậy ông nhìn nhận thế nào về tốc độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam?
Nhiều người cho rằng tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam trong ngành bất động sản là chậm, nhưng tôi cho rằng tốc độ chuyển đổi số trong ngành bất động sản của Việt Nam ở mức trung bình so với thế giới. Chúng ta không thể so sánh với những quốc gia tiên tiến hàng đầu thế giới được, nhưng trong khu vực và châu lục thì chúng ta cũng không quá chậm.
Đó là trên phương diện quốc gia, còn ở trong nước so với các ngành khác, tốc độ chuyển đổi số của ngành bất động sản còn chậm một bước so với các ngành như du lịch, tài chính, ngân hàng… Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang tập trung phát triển các công nghệ liên quan đến bất động sản với số lượng tăng nhanh qua từng năm. Đồng thời, xu hướng tìm kiếm bất động sản dựa vào công nghệ của người dân cũng tăng nhanh là chất xúc tác mạnh mẽ cho việc áp dụng công nghệ của các doanh nghiệp bất động sản.
Theo một báo cáo của FPT Digital, hiện tại, khoảng 73% số người dùng Việt Nam tìm kiếm bất động sản trực tuyến qua những công nghệ cơ bản, trong khi những ứng dụng cao cấp hơn như công nghệ AR/VR (Ứng dụng trong triển lãm Bất động sản trực tuyến) và Blockchain (Ứng dụng trong ký kết hợp đồng trực tuyến) chưa thực sự được phổ biến với lần lượt 26% và 12%.
Tuy nhiên, với sự nổi lên của thế hệ trẻ và những trào lưu công nghệ mới trong những lĩnh vực thiết yếu khác thì xu hướng ứng dụng công nghệ cao trong ngành bất động sản sẽ tăng nhanh trong tương lai gần, đặc biệt là các công nghệ có ứng dụng hướng tới nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Như ông nói, tốc độ chuyển đổi số trong ngành bất động sản của Việt Nam không hề chậm chạp, vậy theo ông, những yếu tố nào tác động đến việc chuyển đổi số của ngành này?
Chuyển đổi số được đẩy mạnh do phương tiện đầu cuối phát triển, ngày một hiện đại hơn và trở nên phổ biến hơn với người dân. Ví dụ hiện nay người dân hầu như ai cũng sử dụng smarphone, giá internet rất rẻ so với nhiều quốc gia trên thế giới. Tỷ lệ người tiếp cận với internet của Việt Nam rất cao cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi số mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Ngoài ra, tỷ lệ đô thị hóa cao, tầng lớp trung lưu tăng nhanh chóng, thu nhập bình quân tăng lên… cũng là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản. Sự sôi động của thị trường này kéo theo nhu cầu tìm kiếm, giao dịch bất động sản tăng mạnh và như đã nói, sự phổ cập của công nghệ cũng khiến lượng khách hàng tìm kiếm bất động sản qua các ứng dụng công nghệ tăng lên.
Nhận thấy nhu cầu này, các doanh nghiệp đã tập trung phát triển các ứng dụng công nghệ cho ngành bất động sản để đưa doanh nghiệp - khách hàng – sản phẩm lại gần nhau hơn, tiết kiệm được công sức và thời gian hơn.
Ông đánh giá tốc độc chuyển đổi số trong ngành bất động sản không chậm nhưng cũng chưa thể nói là nhanh. Vậy theo ông, những thách thức, rào cản nào mà doanh nghiệp bất động sản và doanh nghiệp công nghệ cho bất động sản đang gặp phải?
Thách thức đầu tiên là hành lang pháp lý về nhiều công nghệ, loại hình mới chưa được hoàn thiện; quy chuẩn về dữ liệu chưa đẩy đủ. Dữ liệu được ví là “tế bào” của cơ thể sống nhưng với các doanh nghiệp hoặc cơ quan Nhà nước, hiện cũng chưa thể thống nhất được hệ thống dữ liệu. Đơn cử vấn đề bản đồ mà Sở Xây dựng, Sở TN-MT, Sở GTVT… mỗi nơi sử dụng một hệ quy chiếu, dữ liệu không đồng bộ với nhau.
Một trở ngại nữa là thông tin quy hoạch chi tiết chưa được công khai đầy đủ. Trước đến nay rất khó tiếp cận, thậm chí nhiều khi còn bị bưng bít. Việc Meeyland đưa ra phần mềm kiểm tra quy hoạch rất ý nghĩa, dù có thể ứng dụng này chưa thể phủ kín được tất cả mọi bất động sản trên cả nước, nhưng điều này tôi tin sẽ sớm được hoàn thiện.
Ngoài ra, người dân rất quan tâm đến thông tin quy hoạch và giá cả của bất động sản và khi mua họ đều kiểm tra xem có dính quy hoạch hay không, mua có bị “hớ” hay không. Bất động sản cũng là độc bản nên không thể có chuyện đất từ nơi này lại mang đi nơi khác cho khách hàng xem được. Do đó, với khách hàng ở khoảng cách xa thì việc áp dụng công nghệ để sản phẩm tiếp cận gần hơn với khách hàng sẽ được thúc đẩy được tốc độ chuyển đổi số trong ngành này.
Nhiều ý kiến cho rằng chuyển đổi số thì công nghệ là chưa đủ, yếu tố con người cũng cần phải được nâng cao? Ông nghĩ sao về điều này?
Nhiều người cũng cho rằng yếu tố nhân sự là một trở lại lớn đối với doanh nghiệp, nhưng tôi cho rằng yếu tố này không phải rào cản lớn. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp công nghệ chuyên môn hóa về từng khâu, từng giải pháp trong ngành bất động sản, từ đăng tin, môi giới, quản lý nguồn hàng, kiểm tra quy hoạch.... Do đó, theo tôi, cần sự kết nối tốt giữa doanh nghiệp bất động sản và doanh nghiệp công nghệ.
Về yếu tố con người thì tôi cho rằng người đứng đầu doanh nghiệp có vai trò quan trọng. Anh có nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và quyết tâm đầu tư, thực hiện chuyển đổi số hay không nhiều khi quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp. Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng mô hình truyền thống vẫn bán được hàng thì tại sao phải đầu tư công nghệ cho tốn kém, nhưng tôi cho rằng nếu lãnh đạo doanh nghiệp không có tầm nhìn dài hạn để áp dụng công nghệ thì sẽ sớm tụt hậu.
Theo ông, làm thế nào để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành bất động sản?
Để đẩy mạnh chuyển đổi số, vai trò tiên phong của nhà cung cấp (nền tảng, dịch vụ công nghệ bất động sản) là vô cùng quan trọng. Trước hết, nhà tiên phong cung cấp công nghệ bất động sản phải cho khách hàng hiểu rõ được các sản phẩm của mình. Đồng thời phải đóng vai trò dẫn dắt thị trường, đảm bảo quan hệ giữa nhà cung cấp và các doanh nghiệp bất động sản, các sàn môi giới.
Ngoài ra, Nhà nước cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý, quy định phải theo kịp nhu cầu khách quan của thực tế. Ví dụ quy định giao dịch bất động sản qua ngân hàng thì khách hàng lẫn chủ đầu tư, người mua lẫn người bán đều phải giao dịch qua ngân hàng, có tài khoản ngân hàng, điều này cũng thúc đẩy việc chuyển đổi số.
Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ. Bởi sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ sẽ kéo theo sự phát triển của rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác và thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững cho đất nước.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!