Bà Chủ Như Lan Là Ai: Thông Tin về Tiệm Bánh Như Lan
Từ một chiếc xe đẩy nhỏ trước cổng trường, sau 50 năm nữ tỷ phú bánh mì đã nhân giá trị tài sản lên gấp nghìn lần với loạt dãy nhà nối tiếp san sát trên 2 con đường đắt đỏ Hàm Nghi và Hai Bà Trưng.
Khởi nghiệp từ chiếc xe đẩy vô danh
Tiệm bánh mì Như Lan được sáng lập năm 1968. Người lên ý tưởng và dày công xây dựng chính là dì Gái, tên thật là bà Nguyễn Thị Dậu. Thuở mới kinh doanh, dì Gái đẩy chiếc xe bánh mì nhỏ bày bán trên đường Lý Chính Thắng. Sau khi gom được một số vốn nho nhỏ, dì đem toàn bộ tiền mở cửa hàng trên đường Hàm Nghi (quận 1). Những sản phẩm của cửa hàng như pate, dăm bông… đều do tay bà tự làm.
Thời điểm đó, bánh mì Pháp đang nổi tiếng khắp Sài Gòn. Tuy nhiên, chúng có mức giá đắt đỏ, lại không phù hợp với nhiều tầng lớp xã hội người Việt. Nắm được điều này, dì Gái nhanh trí sáng tạo ra loại bánh mì của riêng mình. Đó là bánh mì đặc ruột vỏ giòn, bên ngoài cứng cáp nhưng bên trong mềm xốp. Vì vậy, người Việt rất yêu thích và ngày càng ưa chuộng món ăn này.
Tiệm bánh mì Như Lan nằm trên con đường Hàm Nghi. Đây được xem là “địa thế vàng” vì sở hữu hai mặt tiền đắt đỏ. Bên cạnh đó, nữ tỷ phú bánh mì còn có một vài tiệm khác nằm trên đường Hai Bà Trưng (quận 1).
Từ khi ra đời đến nay, cửa hàng bánh mì Như Lan chỉ giữ nguyên một màu sắc cũ kỹ. Ngay cả đến bảng tên và cách bày trí đều không thay đổi. Có lẽ chính nét truyền thống ấy đã khiến cái tên Như Lan ngày càng nổi tiếng tại Sài Gòn. Hơn 50 năm trôi qua, bánh mì Như Lan đã tạo cho mình một nét riêng biệt. Đó là thương hiệu hiện đại, hội nhập nhưng vẫn mang đậm nét Việt.
Sở hữu gia tài khủng đầy bí ẩn
Bánh mì Như Lan nổi tiếng, được nhiều người biết đến cũng kéo theo nhiều tin đồn. Đặc biệt, doanh thu của cửa tiệm vẫn là điều bí ẩn. Nhiều người cho rằng, cửa hàng nằm trên cửa hàng đắt đỏ nhất Sài Thành sở hữu thu nhập khủng. Mỗi lần đóng thuế của tỷ phú bánh mì phải bằng gấp đôi gia tài của người khác.
Không ai biết chính xác khối tài sản của bà chủ bánh mì Như Lan là bao nhiêu. Tuy nhiên, có thể khẳng định đó là con số khủng nhiều người ao ước. Chỉ tính riêng loạt dãy nhà nối tiếp nhau trên 2 con đường đắt đỏ bậc nhất Sài Gòn là Hàm Nghi và Hai Bà Trưng đã ngót nghét cả trăm tỷ. Chưa kể, còn nhiều “của chìm nổi” mà nữ tỷ phú bánh mì không chịu tiết lộ.
Dù đã u80, dì Gái vẫn dành cả đời tận tụy cho công việc. Tuổi già không có nghĩa là nghỉ ngơi hưởng thụ. Bà chủ bánh mì Như Lan vẫn giữ thói quen cũ cùng thời gian biểu vô cùng khắt khe. Bà dậy từ 6 giờ sáng, theo dõi việc chế biến thịt nguội. Sau đó, từ 8 đến 10 giờ sáng là giờ đi bơi. Sau đó, bà sẽ về cửa tiệm trông coi cho tới 2 giờ chiều.
Buổi chiều, bà chơi bóng bàn đến 8 giờ tối. Tiếp đến, bà về cửa hàng, gặp gỡ khách và điều hành nhân viên đến tận 2 giờ sáng mới đi ngủ. Từ khi mở tiệm và có nhân viên, nữ tỷ phú bánh mì đã duy trì lịch làm việc và sinh hoạt này trong suốt từng ấy năm, bao gồm cả mùng 1 Tết.
Không điện thoại, không internet, không thẻ ATM
Thời đại 4.0 khi công nghệ phát triển, hầu như ai cũng có quan niệm giống nhau. Họ cho rằng, muốn doanh nghiệp đi lên bền vững cần phải có cách tiếp cận khách hàng thật nhanh và hiệu quả. Do đó, đã mở cửa hàng, quán ăn dù lớn hay nhỏ cũng phải có ít nhất một page trên Facebook hay Insta. Đây sẽ là nơi đăng ảnh, quảng bá thương hiệu và giữ liên lạc với khách hàng.
Tuy nhiên, nữ tỷ phú bánh mì Như Lan lại khác. Nửa thế kỷ qua, dì Gái vẫn giữ nguyên nếp sống cũ. Bà nói không với Facebook, internet, email cá nhân và thẻ ATM. Thế nhưng, bà vẫn phát triển thành công thương hiệu của riêng mình. Từ một chiếc xe đẩy bánh mì nhỏ, sau 50 năm bà đã “nhân giá trị lên gấp trăm nghìn lần”. Hiện tại, bà có trong tay loạt dãy nhà san sát trên 2 con đường đắt đỏ Hàm Nghi và Hai Bà Trưng, vừa làm cơ sở sản xuất, vừa bày bán.
Thực tế, tiệm bánh Như Lan có email, có trang web, có lắp điện thoại bàn nhưng đó chỉ là công việc. Còn dì Gái - chủ nhân của nó lại tự tách mình khỏi những công nghệ phức tạp ấy. Bà tránh thế giới ảo phiền phức bằng cách chọn cho mình lối sống giản tiện. Ai muốn nói chuyện, gặp gỡ chỉ còn cách đến tận nơi để gặp bà. Cách thức này giống hệt những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Khi đó, việc gặp trực tiếp vẫn là trên hết.
Lý giải về cách thức kinh doanh, nữ tỷ phú bánh mì cho biết, không gì trân quý bằng lao động chân chính. Bà sẵn sàng dành cả ngày để gặp gỡ, trao đổi và lắng nghe phản hồi của khách hàng. Có những lúc, bà nghe xong nhưng chẳng biết trả lời sao. Tuy nhiên, dù là câu hỏi hay cách trả lời thế nào chăng nữa, chúng đều hữu ích với bà. Từ đó, bà có thể cập nhật, nâng cao và cải thiện món ăn mình làm ra.
Đây cũng là cách để một ổ bánh mì Như Lan từ 15k có thể len lỏi vào trái tim khách hàng. Chỉ cần ăn là nhớ, thử là mê. Một khi đã nếm rồi, hiếm ai có thể quên được hương vị độc nhất vô nhị mà người phụ nữ này làm ra.
Một mình tận hưởng thành công
Không chỉ có lối sống giản tiện, nữ tỷ phú bánh mì còn sống gần trọn một đời mà không có bóng dáng người đàn ông nào kề bên. Một mình nữ doanh nhân u80 chèo lái, tạo dựng sự nghiệp cũng như tận hưởng thành công của riêng mình.
Không ít người bao đồng, cảm thấy tiếc nuối khi sự nghiệp đồ sộ của bà không ai thừa kế. Tuy nhiên, đó là suy nghĩ của người đời. Dì Gái luôn cảm thấy hài lòng và kiên định với lựa chọn của mình.
Chủ tiệm bánh mì Như Lan từng chia sẻ: “Tôi đã tự nhủ rằng đàn ông vị kỷ, không đáng để cho mình lấy. Phụ nữ khi yêu thường không đòi hỏi người ta phải thế này thế nọ với mình. Nhưng đàn ông thì ngược lại. Tuy không có con, nhưng bù lại tôi có tình yêu thương của những chị em và các cháu giỏi giang trong nhà. Điều quan trọng là ở tuổi này, tôi vẫn được ngày ngày làm việc tôi thích”.
Có thể nói, chính sự tận tụy, hết lòng vì công việc cùng đam mê giữ gìn hương vị bánh mì truyền thống khiến nhiều người nể phục người phụ nữ này.