“Nốt trầm” của ngành marketing bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
Trần Thanh Phương – Marketing bất động sản luôn thách thức sự sáng tạoChiến lược marketing bất động sản của các chủ đầu tư-[Khóa học: Quy Trình Và Kỹ Năng Môi Giới BĐS] - Phần 17Chuyện nghề Bất động sản: Marketing Bất động sản trong thời kỳ Chuyển đổi sốNỗi trăn trở của dân marketing thời khủng hoảng
Theo baodautu.vn, có thể nói, đây là thời điểm khó khăn, căng thẳng nhất của nhân viên hoạt động trong lĩnh vực marketing, đặc biệt là dân marketing bất động sản, thậm chí còn khó khăn, vất vả hơn nhiều so với thời điểm 2020 - 2021 khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Thị trường mất tính thanh khoản, dự án bế tắc ngừng triển khai, phải lùi kế hoạch ra hàng mới khiến cho các hoạt động truyền thông đành tạm dừng lại.
Kế hoạch "ngủ đông tạm thời" là một giải pháp được nhiều đơn vị doanh nghiệp đưa ra trong bối cảnh gặp phải nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, về nguồn vốn, lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng tăng cao và vướng mắc về những vấn đề thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án…, nhưng ở một góc độ khác, có thể nói, doanh nghiệp lúc này gần như là bất lực bởi rất khó kiểm soát và ứng phó với những biến cố xảy ra liên tiếp của thị trường.
Ở những đơn vị công ty tư vấn marketing, mọi chuyện còn trở nên căng thẳng, khó khăn hơn, bởi phần lớn các khoản chi phí hoạt động đều phụ thuộc vào tiến độ bán hàng của dự án bất động sản. Trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị chủ đầu tư, các nhà phát triển dự án phải ưu tiên việc đảm bảo sự ổn định, vững vàng của dòng tiền nội bộ, nhất là khi nhiều chủ đầu tư giờ đây phải mua lại trái phiếu trước hạn, nên gần như không có chương trình hay có vốn để làm các chương trình marketing. Tình hình chậm thanh toán là điều có thể dễ dàng nhận thấy nhất ở các công ty thực hiện tư vấn thương hiệu, PR marketing hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Là một đơn vị tư vấn thương hiệu và thực thi triển khai chiến dịch marketing chuyên sâu trong lĩnh vực bất động sản, chuyên gia Huế Nguyễn, CEO của Sahi Agency thừa nhận, chưa bao giờ chứng kiến thị trường marketing phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như thời điểm hiện nay. Điểm dễ nhận thấy nhất là tần suất giảm dần của các chiến dịch marketing chi tiền khủng và có tính chất độc đáo. Điều này khiến cho thị trường vốn đã buồn bã, ảm đạm nay lại càng trở nên ảm đạm hơn, bởi một phần niềm tin của những khách hàng mua nhà đến từ uy tín doanh nghiệp, thể hiện qua tần suất xuất hiện của các đơn vị doanh nghiệp trên những phương tiện truyền thông khác nhau.
Theo báo cáo số liệu thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, trong vài năm trước, thị trường có bước tăng trưởng nhảy vọt về nguồn cung, cũng như lượng giao dịch thành công với hàng trăm nghìn các loại hình sản phẩm khác nhau, trải đều trên nhiều phân khúc thị trường khác nhau, từ căn hộ chung cư cao cấp, đất nền, cho đến bất động sản nghỉ dưỡng và văn phòng, mặt bằng kinh doanh cho thuê. Trong số sản phẩm được giao dịch thành công đó, có sự đóng góp rất lớn từ các đơn vị dự án có độ phủ mạnh về truyền thông hoặc gắn liền với tên tuổi của các đơn vị doanh nghiệp chủ đầu tư uy tín. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, cùng với việc các doanh nghiệp suy giảm mạnh về độ phủ truyền thông, lượng thanh khoản cũng bị sụt giảm.
Lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, lý do phải chấp nhận cắt giảm truyền thông, PR marketing là vì chủ trương thực hiện tái cơ cấu lại hoạt động tài chính khi mà doanh nghiệp hiện phải dành phần lớn nguồn tiền của mình cho việc tất toán các hoạt động trái phiếu. Thế nhưng, vị lãnh đạo này cũng bày tỏ sự lo lắng, bởi điều này có thể sẽ khiến cho doanh nghiệp chấp nhận “tạm biến mất” về mặt hình ảnh truyền thông và trong tương lai sẽ không dễ để xây dựng lại mối quan hệ với những đối tác, khách hàng thân thiết, trung thành. Ngoài ra, có thể chi phí gây dựng marketing sau khi thị trường trở lại sẽ nhiều hơn so với tưởng tượng.
Theo dữ liệu được Nielsen mới công bố, hầu hết các thương hiệu đều đang thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” cho các chiến dịch quảng cáo marketing, thay vì tối ưu hóa lợi nhuận lại dẫn đến tình trạng giảm sút tỷ lệ lợi nhuận trên tổng chi phí đầu tư (ROI) trung bình chỉ khoảng 50%.
“Việc ‘thu mình’ chờ cơn khủng hoảng đi qua là điều rất dễ hiểu trong suy nghĩ của các doanh nghiệp vào thời điểm hiện tại, nhưng nó có thể sẽ khiến cho các đơn vị doanh nghiệp mất đi lợi thế cạnh tranh vốn có từ thương hiệu, mà đơn vị đã mất rất nhiều công sức, thời gian để có được, chưa kể có thể bị các đối thủ khác có tiềm lực tài chính tốt hơn vượt lên”, Huế Nguyễn - CEO của Sahi Agency chia sẻ.
Trong thời gian gần đây, một số đơn vị doanh nghiệp đã đẩy mạnh gia tăng chiến lược chiết khấu sâu thay vì lựa chọn phương án chạy chiến dịch truyền thông, nhưng khi có quá nhiều các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, người tiêu dùng sẽ hình thành nên thói quen chỉ mua sản phẩm khi có ưu đãi, khuyến mãi. Điều này có xu hướng tác động rất tiêu cực đến doanh số bán hàng sau này nếu doanh nghiệp dừng chiết khấu sâu và người mua nhà có thể sẽ không còn hứng thú với doanh nghiệp đó, dù bất động sản là mặt hàng tương đối đặc thù.
Các đơn vị marketing cần làm gì trong giai đoạn này?
Thực tế, trong khi hàng loạt các đơn vị doanh nghiệp khác phải tính toán cắt giảm chi phí cho những kế hoạch quảng cáo, truyền thông, thì một số các tổ chức doanh nghiệp khác vẫn có thể tìm được cho mình một lối đi riêng trong thời điểm khó khăn. Họ tiếp tục duy trì và thúc đẩy những kế hoạch truyền thông, xây dựng thương hiệu của mình thông qua việc hợp tác với các công ty chuyên cung cấp các loại hình dịch vụ có liên quan đến các chiến lược truyền thông, quảng cáo, marketing (agency).
“Đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm tại các công ty cung cấp các loại hình dịch vụ này cùng kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực quản lý dự án góp phần mang lại hiệu quả tốt nhất cho các chiến dịch truyền thông. Họ sẵn sàng đem đến những dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và thực hiện hoàn chỉnh, có được các kết quả tương đối tốt và thích ứng một cách nhanh nhạy với nhiều thời điểm khác nhau”, bà Thùy Dung, Giám đốc phụ trách kinh doanh và marketing cho một dự án bất động sản tại tỉnh Hòa Bình chia sẻ.
Cùng quan điểm nêu trên, ông Hoàng Tường, đại diện chủ đầu tư của một dự án đất nền đang triển khai tại Hà Nam nhấn mạnh: “Điều quan trọng khi làm việc tương tác với các agency là góp phần vào việc gia tăng sự linh hoạt và sẵn sàng có thể đáp ứng được các loại hình dịch vụ đa dạng, quy trình công việc cũng cần triển khai nhanh gọn. Sự liên kết của các công ty với nhau cũng sẽ cung cấp một hệ sinh thái dịch vụ hoàn chỉnh cho các đơn vị doanh nghiệp”.
Một điểm đáng lưu ý là các hoạt động tổ chức truyền thông và marketing hiện nay có sự khác biệt rất nhiều so với thời gian cách đây 10 năm do yếu tố sản phẩm giờ đây gắn liền với cảm xúc, tâm lý của khách hàng. Vì vậy, doanh nghiệp không thể cân nhắc lựa chọn một giải pháp quảng cáo “marketing tạm thời” mà cần phải là xây dựng một chiến lược “dài hạn” để từ đó có thể duy trì trải nghiệm của khách hàng với thương hiệu sản phẩm. Khi có niềm tin với doanh nghiệp, khách hàng mới có thể cân nhắc đến việc có mua hàng hay không.
Với dân marketer, điều này cũng có nghĩa phải nghĩ nhiều hơn, thay đổi nhiều hơn và bổ sung thêm nhiều sản phẩm và dịch vụ sáng tạo và độc đáo hơn để thuyết phục nhà phát triển sẵn sàng chi tiền cho mình và giúp doanh nghiệp có nhiều giá trị hơn. Ngay khi thị trường “nóng" trở lại, sự bùng nổ của các chiến dịch marketing độc đáo, mới lạ, đánh đúng tâm lý khách hàng sẽ góp phần đưa bất động sản trở về đúng vị trí vốn có trong nền kinh tế. Điều quan trọng là dân marketing cần tung ra những dịch vụ phù hợp với chi phí phải chăng để duy trì hoạt động trong giai đoạn thị trường khó khăn kéo dài. Đây là giải pháp giúp đơn vị marketing vượt qua khủng hoảng.