meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Nỗ lực ghìm đà tăng giá xăng

Thứ sáu, 24/06/2022-17:06
Hiện nay vấn đề giá xăng tăng cao đang trở nên “nóng” từ nghị trường tới đời sống xã hội. Trước nhu cầu cấp bách cần phải bình ổn, giảm giá hoặc không để xăng tiếp tục tăng giá, đã có nhiều giải pháp, đề xuất được cơ quan quản lý, doanh nghiệp đưa ra.

Nhu cầu xăng dầu trong nước rất lớn

Theo VnEconomy, hiện nay nguồn cung xăng, dầu trong nước đến từ nhập khẩu (60-65%), ngoài ra Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm 35-40% tổng nguồn cung còn lại. Tuy nhiên, trong thời gian qua nhà máy này đã giảm mạnh công suất hóa lọc từ 55-85%. Do đó, áp lực cung ứng xăng, dầu phụ thuộc lớn vào nguồn cung nước ngoài. Với các diễn biến khó lường trên thị trường quốc tế do ảnh hưởng địa chính trị từ cuộc xung đột Nga – Ukraine, giá xăng dầu đã liên tục tăng từ đầu năm tới nay. 

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu sử dụng xăng, dầu tại thị trường trong nước năm 2022 dự kiến vào khoảng hơn 20 triệu m3. Mỗi quý bình quân tiêu thụ hơn 5 triệu khối xăng, dầu. Trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào giai đoạn nửa sau của năm tài chính, nhu cầu về nguyên, nhiên liệu thậm chí sẽ còn tăng cao. 


Nhu cầu sử dụng xăng, dầu tại thị trường trong nước năm 2022 dự kiến vào khoảng hơn 20 triệu m3.
Nhu cầu sử dụng xăng, dầu tại thị trường trong nước năm 2022 dự kiến vào khoảng hơn 20 triệu m3.

Trong khi đó, tổng nguồn cung trong quý II dự kiến vào khoảng hơn 7 triệu m3. Nguồn cung trong nước đáp ứng được hơn 40% (khoảng hơn 3 triệu m3), còn lại là nhập khẩu và tồn kho từ trước chuyển sang (khoảng 4 triệu m3).

Cơ quan quản lý cho biết, với tổng nguồn cung như trên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong quý II và có thể gối đầu sang quý III 2 triệu m3.

Với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bộ Công Thương đang thúc giục Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam làm việc để đưa ra cam kết rõ ràng về nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước từ nay tới cuối năm 2022. Từ đó, Bộ sẽ có kịch bản điều tiết phù hợp, đảm bảo không gián đoạn nguồn cung phục vụ nhu cầu của nền kinh tế.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) mới đây cũng khẳng định, Bộ Công Thương đã lên các phương án chủ động nguồn hàng, bổ sung nguồn cung từ nhập khẩu khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vẫn chưa sản xuất ổn định.


Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, vấn đề nguồn cung là quan trọng nhất. Từ đầu năm tới nay, cơ quan quản lý đã điều tiết, đảm bảo nguồn cung xăng, dầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của người dân, đặc biệt trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và nguồn cung trong nước thiếu ổn định. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định, sẽ tập trung ưu tiên sử dụng nguồn cung xăng, dầu trong nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần có cam kết rõ ràng, khi không thực hiện được thì bắt buộc phải nhập khẩu.

Đối với nguồn xăng, dầu dự trữ, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Bộ Công Thương), bà Nguyễn Thúy Hiền cho biết, hiện nay chúng ta đang có 3 nguồn dự trữ. Thứ nhất là tại hai nhà máy lọc dầu (Dung Quất và Nghi Sơn); thứ hai là dự trữ thương mại tại các thương nhân kinh doanh xăng, dầu và cuối cùng là dự trữ quốc gia. Hiện nay, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của một số bộ, ngành liên quan để xây dựng Đề án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu lên và trình Chính phủ.

Nhiều giải pháp kiềm chế đà tăng

Trước những lo ngại giá xăng dầu trong nước tăng liên tiếp thời gian qua, đại diện Vụ thị trường trong nước cho rằng thực tế, giá bình quân mặt hàng xăng dầu thế giới để tính giá cơ sở điều hành từ đầu năm tăng cao nhất lên tới trên 84%. Tuy nhiên, giá trong nước chỉ tăng ở mức cao nhất là trên 62%, tức là đã sử dụng các biện pháp để “giảm sốc” giá xăng dầu tại thị trường trong nước.

Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.


Hiện tại, giá xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, lên mức là 31.300 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 500 đồng, lên mức 32.870 đồng/lít. 
Hiện tại, giá xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, lên mức là 31.300 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 500 đồng, lên mức 32.870 đồng/lít. 

Hơn nữa, nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã liên tục sử dụng chi từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại). Nhờ đó, giá xăng dầu trong nước tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 23/5/2022 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 42,90% đến 56,96% nhưng giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 23/5/2022 so với đầu năm 2022 chỉ tăng từ 25,89% - 42,40%.

Cụ thể, mỗi lít xăng RON95 là 30.657 đồng/lít (1,32 USD/lít) bằng mức bình quân của thế giới (đứng thứ 86/170 quốc gia), thấp hơn một số nước trong khu vực như Trung Quốc (1,35 USD/lít), Thái Lan (1,43 USD/lít), Lào (1,74 USD/lít), Hàn Quốc (1,53 USD/lít), Campuchia (1,39 USD/lít).

Ngoài ra, nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, số dư Quỹ Bình ổn giá hạn chế và ở mức thấp, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường.

Hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn đã giảm 50% và giảm 70% đối với dầu hỏa từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.


Trong thời gian qua, giá xăng, dầu trong nước liên tục tăng đạt mức kỷ lục trong lịch sử.
Trong thời gian qua, giá xăng, dầu trong nước liên tục tăng đạt mức kỷ lục trong lịch sử.

Trong thời gian tới nếu giá xăng, dầu tiếp tục diễn biến tăng, Bộ Công Thương cho biết, sẽ cùng Bộ Tài chính sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá để điều tiết. Cùng với đó, sẽ điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Bên cạnh đó, sẽ sử dụng các công cụ thuế, phí… để giảm giá xăng dầu. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc giảm thuế, phí cũng cần cân nhắc kĩ lưỡng. “Cái gì giảm được nên giảm nhưng cũng phải tính, vì nếu giảm thuế nhập khẩu nhiều cũng không phải là tốt”, Thứ trưởng Hải lưu ý.

Vừa qua, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã nhấn mạnh, mặt hàng xăng, dầu đã có những biến động mạnh làm ảnh hưởng tới công tác điều hành, quản lý giá. Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương cần chủ động điều hành để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn, dựa trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu; theo dõi sát diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trong các kỳ điều hành có biến động lớn. 


Đã có nhiều biện pháp nhằm hạ giá xăng, dầu trong nước trong đó có giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu.
Đã có nhiều biện pháp nhằm hạ giá xăng, dầu trong nước trong đó có giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu.

Là một trong những cơ quan tham gia điều hành giá xăng, dầu, Bộ Tài chính cho biết đã tính toán tới việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường cho mặt hàng này.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho rằng, với việc giá cả mặt hàng này tăng cao đã ảnh hưởng tới mọi ngành nghề và hoạt động sản xuất kinh doanh. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh các giải pháp đồng bộ cần thực hiện để bình ổn giá xăng, dầu. Theo đó, đơn vị nhập khẩu cần tìm kiếm nguồn cung dồi dào, giá rẻ. Thứ hai, về thuế, việc giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu sẽ ảnh hưởng tới tài khóa vĩ mô nhưng tác động kích cầu và phát triển kinh tế. Hiện có 4 sắc thuế được áp dụng với xăng dầu gồm: Thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. Bộ đang đề xuất để tiếp tục giảm thuế môi trường thêm 1.000 đồng/ lít. Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải trình Quốc hội phê duyệt. Cuối cùng, Bộ trưởng chỉ ra bên cạnh việc giảm thuế, cơ quan chức năng cần ngăn chặn buôn lậu, giảm được thẩm lậu xăng dầu. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, phải đưa ra các biện pháp để chặn đứng tình trạng này.

Nhấn mạnh phải thực hiện đồng bộ các nội dung trên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ về các vấn đề này để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, ổn định đời sống nhân dân.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

TP. HCM: 6 khu "đất vàng" bị bỏ hoang tại Q. 1 được đề xuất làm bãi giữ xe

Hà Nội: Vì sao 150 hộ dân tại chung cư The Golden An Khánh chưa được cấp sổ hồng?

Nhà trọ, chung cư mini không cam kết về PCCC sẽ bị dừng hoạt động

Công an Hà Nội yêu cầu dừng giao dịch 77 lô đất dịch vụ tại La Khê, Hà Đông

Khu vực sẽ được đầu tư hơn 1.250 tỷ đồng xây dựng dự án công viên lớn thứ 2 Hà Nội: Gấp đôi công viên Thống Nhất, gấp 5 công viên Hòa Bình

Hà Nội quy định chung cư thương mại 70-100 m2 chỉ 3 người ở

Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có thể hiệu lực từ 1/8

Xây dựng chính sách mới về hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo

Tin mới cập nhật

Vì sao khó giảm lãi suất cho vay mua NOXH?

2 ngày trước

Khách hàng “ngậm đắng nuốt cay” vì dự án bất động sản vướng pháp lý

4 ngày trước

Người dân TP.HCM bức xúc về cách tính tiền sử dụng đất

5 ngày trước

Nghịch lý thị trường bất động sản: Giá cao, tỷ lệ hấp thụ tốt nhưng kết quả kinh doanh èo uột

5 ngày trước

Cơ hội tăng giá nhiều lần của đất nền phía Nam sẽ khó xuất hiện

5 ngày trước