Sáu triển vọng của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam hiện nay
Trong năm 2021, do chịu tác động tiêu cực cũng ngành du lịch, nên không nhiều dự án BĐSDL được mở bán, thậm chí nhiều dự án cũ chịu áp lực giảm giá và có tính thanh khoản thấp. Tuy nhiên trong dài hạn, thị trường BĐSDL vẫn được đánh giá có triển vọng khả quan như sau:
Thứ nhất, kinh tế đã và đang phục hồi từ quý IV/2021.
Riêng trong quý I/2022, nhờ việc Chính phủ nỗ lực, quyết liệt khôi phục, các hoạt động kinh tế - xã hội, kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều điểm sáng: Tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, quá trình bao phủ vaccine được đẩy nhanh; tăng trưởng GDP phục hồi tốt đạt 5,03%; xuất, nhập khẩu tăng trưởng tích cực 12-15%, cán cân thương mại thặng dư; giải ngân FDI tăng trưởng khá đạt 4,42 tỷ USD tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước; thu NSNN duy trì đà tích cực đại 359,9 ngàn tỷ đồng, tăng 12 % so với cùng kỳ năm 2021; lãi suất và tỷ giá cơ bản ổn định ; hoạt động doanh nghiệp khởi sắc hơn . 20
Tăng trưởng GDP: Năm 2022, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại đà phục hồi mạnh mẽ, nhờ độ bao phủ vaccine cao, thay đổi chiến lược phòng chống dịch phù hợp, khôi phục các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội trong điều kiện bình thường mới. Theo đó, tăng trưởng GDP có thể đạt khoảng 6 - 6,5 % nếu Việt Nam thực hiện tốt Chương trình phòng, chống dịch, chương trình phục hồi, phát triển KT - XH giai đoạn 2022 – 2023, và giảm thiểu rủi ro, tác động tiêu cực từ xung đột địa chính trị (kịch bản tích cực). Với KB cơ sở, tăng trưởng dự báo đạt 5,5 - 6 %. Nếu không, chỉ có thể đạt 4,5-5% (kịch bản tiêu cực).
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI: Năm 2022, vốn FDI đăng ký dự báo đạt 30 - 32 tỷ USD, tăng khoảng 5 %; vốn FDI thực hiện sẽ tăng trưởng tốt, ở mức 15 - 20 %, đạt mức 23 - 25 tỷ USD, nhờ trong nước dịch bệnh được kiểm soát, môi trường đầu tư - kinh doanh tiếp tục được cải thiện, các đối tác FDI chính của Việt Nam tiếp tục phục hồi.
Về tín dụng, năm 2022, dự báo tín dụng sẽ được mở rộng hơn, tăng 14 - 15 %. Định hướng phát triển tín dụng của NHNN trong năm 2022 sẽ tập trung vào việc phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế (gói hỗ trợ lãi suất); thúc đẩy tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có hiệu quả, chú trọng định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế.
Thứ hai, ngành du lịch được Đảng và Nhà Nước đặc biệt quan tâm
Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết xác định chính thức mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
Ngày 6/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW nêu trên.Ngày 22/1/2020, Thủ tướng CP ký Quyết định 147/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng thu du lịch 12-14 % / năm, đóng góp ngành du lịch lên đến 12-14% GDP năm 2025 và tăng 11-12%, đóng góp 15-17% GDP năm 2030.
Đồng thời, trên cơ sở Nghị quyết số:50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021–2025.
Thứ ba, ngành du lịch đã mở cửa trở lại và có tín hiệu phục hồi nhanh
Trong quý I,Việt Nam đã mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/03 trong điều kiện bình thường mới, khi Việt Nam dần chuyển đổi thích ứng sống chung an toàn với dịch bệnh. Hết quý I/2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng vọt đạt 91 ngàn lượt khách tăng 89,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ghi nhận trong dịp tết nguyên đán đã có 6,2 triệu lượt khách du lịch trên cả nước còn trong kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương vừa qua các địa điểm du lịch nổi tiếng cũng đều kin khách, bên cạnh đó nhiều địa phương tiềm năng du lịch mới cũng có kết quả khá tích cực như Bình Định ghi nhận hơn 77.800 lượt khách đến tham gia, nghỉ dưỡng tại địa phương tăng 45 % so với năm trước.
Hoạt động vận tải hành khách trong quý I/2022 cũng cho thấy dấu hiệu phục hồi đặc biệt là vận tải khách quốc tế đạt 146,7 ngàn khách tăng 703 % so với cùng kỳ. Theo phương thức vận tải, trong quý 1 vận tải hàng không đạt 8,9 triệu lượt khách tăng 18,8 % so cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp lưu trú và ăn uống thành lập mới trong quý 1 năm 2022 tăng tích cực, với 1.289 doanh nghiệp tăng 22,6 %, vốn đăng ký đạt 11.987 tỷ đồng tăng 40 % và số lao động đạt 5.742 người tăng 15,2 % so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp dịch vụ việc làm, du lịch, dịch vụ hỗ trợ khác thành lập mới đạt 1.535 doanh nghiệp tăng 6,1%, số lao động tăng 6,5 %.
Thứ tư, pháp lý đang dần được thảo gỡ
Những tồn tại, hạn chế trong hệ thống pháp lý BĐSDL đã được các cơ quan quản lý Nhà Nước quan tâm và từng bước thảo gỡ về công tác quản lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn và vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà.
Cụ thể Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BVHTTDL ngày 28/10/2019 về Quy chế quản lý, kinh doanh loại hình căn hộ du lịch và biệt thự du lịch. Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư với nội dung điều chỉnh cả đối với nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp dùng để ở và sử dụng vào các mục đích khác(bao gồm căn hộ dùng để ở, cơ sở lưu trú du lịch, công trình dịch vụ, thương mại, văn phòng và các công trình khác); Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 14/2/2020 hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở.
Thứ năm, cơ sở hạ tầng được quan tâm phát triển
Chính phủ luôn quan tâm thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và coi hạ tầng cơ sở là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có tổng quy mô 347 ngàn tỷ đồng, trong đó Quốc hội, Chính phủ dành 113,55 ngàn tỷ đồng tương đương 32,7 % quy mô Chương trình để phát triển kết cấu hạ tầng. Đồng thời, để đẩy nhanh tiến độ các dự án đường cao tốc Bắc - Nam, Quốc hội, Chính phủ cũng đã xem xét quyết định phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến cao tốc theo hình thức đầu tư công.
Việc tăng đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng cơ sở trọng điểm quốc gia sẽ tạo sức lan tỏa lớn cho phát triển kinh tế; trong đó chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch cũng như BĐSDL phát triển mạnh trong tương lai.
Thứ sáu, công tác quy hoạch được chủ trọng hơn
Quốc hội, Chính phủ cũng ngày càng quan tâm, chú trọng đến công tác quy hoạch, cụ thể ngày 19/4/2022, Thủ tướng cũng đã chủ trì họp Chính phủ để rà soát công việc liên quan đến Luật Quy hoạch nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác quy hoạch theo hướng rút gọn các thủ tục.
Theo đó, Chính phủ tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của quy hoạch và trinh Quốc hội đề xuất điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch; chọn một số hoạch ưu tiên, hoàn thành sớm phục vụ phát triển đất nước; cho phép lập đồng thời các quy hoạch; cho phép chọn tư vẫn quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng theo hình thức chỉ định thầu ...