Những nhóm cổ phiếu nào có triển vọng trong năm tới?
BÀI LIÊN QUAN
"Gió đảo chiều" trong nửa cuối năm 2023 nhờ xuất khẩu hồi phục, một cổ phiếu ngược dòng tăng tốt và neo tại vùng đỉnh 1 nămNhóm cổ phiếu xuất khẩu “rục rịch” tăng giá, có mã lập đỉnh lịch sửSức bật của xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm không quá mạnh vì áp lực cạnh tranh còn lớnTheo Doanhnhan.vn, mới đây đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Định vị chiến lược đầu tư trước ngưỡng cửa năm Rồng” (2024). Tại sự kiện này, ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu Khối nghiên cứu MBS đưa ra dự báo, tăng trưởng lợi nhuận của thị trường trong năm nay có thể đạt 3,6%. Đồng thời, điểm rơi lợi nhuận sẽ xuất hiện trong quý cuối năm. Tăng trưởng lợi nhuận của thị trường năm 2024 có thể đạt 16,8%, động lực chủ yếu đến từ nhóm bán lẻ, ngân hàng và điện.
Với kịch bản tăng trưởng lợi nhuận kết hợp cùng dự báo P/E năm 2024 đạt khoảng 12 – 12,5 lần, MBS đã đưa ra kịch bản cơ sở (với xác suất 70%) với VN-Index có thể đạt 1.300 – 1.340 điểm, đóng cửa năm 2023 ở mức 1.260 điểm. Ngoài ra, kịch bản kém khả quan hơn với xác suất 30% là VN-Index đạt 1.170 – 1.230 điểm.
Sau phần nhận định tổng quan về thị trường, đại diện của MBS còn đưa ra 3 chủ đề đầu tư được dự báo sẽ có nhiều triển vọng cho các nhà đầu tư trong năm tới.
Cổ phiếu dầu khí cùng kỳ vọng từ “đại dự án” Lô B - Ô Môn
Chủ đề đầu tiên là nhóm ngành dầu khí cùng câu chuyện chuyển đổi năng lượng xanh. Trong thời gian qua, một số dự án dầu khí vừa và nhỏ đã ghi nhận tín hiệu tích cực, điển hình là dự án Đại Hùng giai đoạn 3, dự án Kình Ngư Trắng hoặc dự án Lạc Đà Vàng.
Những dự án mới sẽ được hỗ trợ nhờ 2 yếu tố. Thứ nhất là trữ lượng dầu khí tại các mỏ dầu khí của Việt Nam hiện nay không còn nhiều, vì thế nhu cầu tìm kiếm và phát triển dự án mới càng quan trọng để đảm bảo cho việc phát triển kinh tế. Thứ hai là mặt bằng môi trường giá dầu cao, thế nên khả năng phát triển và đàm phán về dự án cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Hai yếu tố trên được nhà phân tích nhận định sẽ hỗ trợ thuận lợi cho những diễn biến tích cực của dự án tâm điểm của ngành dầu khí hiện nay, đó là dự án Lô B – Ô Môn.
Thời điểm hiện tại, ngoài diễn biến tích cực của dự án Lô B – Ô Môn, doanh nghiệp đầu ngành dầu khí còn có thêm nhiều yếu tố hỗ trợ khác như giá thuê giàn khoan đang ở mức cao, cước vận tải dầu khí tăng trong khi crack spread của các doanh nghiệp lọc hóa dầu cũng ở mức tương tự. Với những yếu tố này, ông Dũng đưa ra quan điểm: “Tôi cho rằng nhiều khả năng khi những yếu tố thuận lợi này hội tụ thì chúng ta sẽ có thể có một con sóng dầu khí mạnh mẽ trong năm 2024”.
Cổ phiếu ngành điện cùng câu chuyện dịch chuyển năng lượng
Chủ đề đầu tư thứ hai là ngành điện cùng câu chuyện dịch chuyển năng lượng. Hạ tầng điện gồm có xây dựng hệ thống truyền tải điện và xây dựng nguồn điện. Đây đều là những nhiệm vụ trọng yếu trong phát triển kinh tế.
Công suất truyền tải điện hiện nay vẫn chưa theo kịp công suất nguồn điện. Ngoài ra, công suất điện chưa phân bổ đồng đều giữa các khu vực. Vì thế, nhu cầu truyền tải điện từ vùng điện thừa sang vùng thiếu điện càng trở nên cấp thiết.
Đây cũng là nguyên nhân mà Chính phủ đặt mục tiêu đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện, cho đến năm 2025 là 210 tỷ đồng, tương ứng với mức đầu tư 42.000 tỷ đồng/năm. Hiện nay, có một dự án truyền tải điện siêu khủng đang được triển khai, đó chính là dự án 500kV mạch 3 giai đoạn 2, tổng mức đầu tư lên đến 1 tỷ USD. Dự án này nhận được nhiều cơ chế và chính sách đặc thù của Chính phủ, mục tiêu sẽ đi vào hoạt động trước tháng 7/2024 và giúp giải quyết bài toán thiếu điện ở khu vực miền Bắc.
Theo Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu Khối nghiên cứu MBS, những doanh nghiệp hạ tầng điện sẽ là những cái tên được hưởng lợi đầu tiên. Sau đó, một vài doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi ngay trước mắt nhờ dự án 500kV mạch 3 giai đoạn 2, bao gồm: TV2, PC1, CTR.
Nhóm ngành sẽ hưởng lợi khi xuất khẩu phục hồi
Chủ đề đầu tư cuối cùng, theo ông Dũng, trong thời gian tới sẽ xuất hiện những cơ hội đầu tư đối với nhóm ngành xuất khẩu bởi lĩnh vực này đang có những dấu hiệu phục hồi ban đầu. MBS Research cho biết, triển vọng phục hồi dựa trên các thị trường xuất khẩu và giá cả xuất khẩu hàng hóa cũng như tỷ giá.
Cụ thể, Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu Khối nghiên cứu MBS khẳng định: “Chúng tôi cho rằng, giá cả của mặt hàng hóa chất trong năm 2024 sẽ tăng vì trong năm này, dự báo El Nino sẽ tiếp tục khiến cho sản lượng thủy điện trên toàn cầu sụt giảm, dẫn tới khả năng thiếu điện trên toàn cầu. Những mặt hàng có tỷ trọng chi phí tiêu thụ điện trên chi phí đầu vào cao sẽ tăng giá vì nguồn cung thiếu hụt. Hóa chất là mặt hàng tiêu thụ điện rất nhiều, thế nên chúng tôi cho rằng hóa chất có thể tăng giá trong năm 2024”.
Ngoài ngành hóa chất, nhóm phân tích còn nhận định, nhiều ngành khác cũng được hưởng lợi nhờ xuất khẩu phục hồi trong năm tới, bao gồm phân bón, thủy sản, thép, gỗ, đá, dệt may, cảng biển, logistics… Vì thế, các nhà phân tích MBS khuyến nghị nhà đầu tư nên lựa chọn những doanh nghiệp đầu ngành của những lĩnh vực xuất khẩu để ‘xuống tiền’.