Những điều cần biết về bản đồ hiện trạng sử dụng đất
BÀI LIÊN QUAN
Đất ở tại đô thị là gì ? Các quy định về đất ở đô thị bạn nên biếtĐô thị sinh thái là gì? Các đô thị sinh thái điển hình ở Việt NamQuy hoạch khu công nghiệp là gì? Tìm hiểu quy hoạch KCN theo quy định pháp luật1. Khái niệm về bản đồ hiện trạng sử dụng đất
Bản đồ hiện trạng sử dụng đất (bản đồ HTSDĐ) là bản đồ thể hiện sự phân bổ các loại đất theo quy định về chỉ tiêu kiểm kê theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm kiểm kê đất đai và được lập theo đơn vị hành chính các cấp (bao gồm cấp xã, huyện, tỉnh ), các vùng địa lý tự nhiên - kinh tế và cả nước.
2. Mục đích, yêu cầu bản đồ hiện trạng sử dụng đất
2.1 Mục đích bản đồ hiện trạng sử dụng đất
Thống kê, kiểm kê toàn bộ quỹ đất đã giao cũng như chưa giao sử dụng theo định kỳ hàng năm và 5 năm được thể hiện theo đúng vị trí, đúng diện tích và đúng loại đất.
Xây dựng tài liệu cơ bản phục vụ những yêu cầu cấp bách của công tác quản lý đất đai.
Làm tài liệu phục vụ cho công tác quy hoạch sử dụng đất và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch và kế hoạch hàng năm đã được phê duyệt.
Làm tài liệu cơ bản, thống nhất để các ngành khác sử dụng những quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và định hướng phát triển của ngành mình, đặc biệt với những ngành sử dụng nhiều đất như nông nghiệp, lâm nghiệp,…
2.2 Yêu cầu bản đồ hiện trạng sử dụng đất
Bản đồ hiện trạng sử dụng đất thể hiện được hiện trạng sử dụng đất đến ngày 01/01 hàng năm.
Đạt được độ chính xác cao.
Xây dựng cho tất cả các cấp hành chính theo hệ thống từ dưới lên trên (gồm xã, huyện, tỉnh, cả nước), trong đó bản đồ HTSDĐ cấp xã, phường, thị trấn là tài liệu cơ bản để tổng hợp xây dựng bản đồ HTSDĐ của cấp huyện, cấp tỉnh, bản đồ HTSDĐ cấp tỉnh, các tài liệu ảnh viễn thám và bản đồ HTSDĐ của các năm trước là tài liệu để tổng hợp xây dựng bản đồ HTSDĐ cả nước.
Đáp ứng toàn bộ và hiệu quả những yêu cầu cấp bách của công tác kiểm kê đất đai và quy hoạch sử dụng đất.
3. Nội dung của bản đồ hiện trạng sử dụng đất
3.1 Bản đồ nền và tỷ lệ bản đồ hiện trạng sử dụng đất
(1) Bản đồ nền (nội dung cơ sở địa lý)
- Bản đồ nền dùng để xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất các cấp là tài liệu đo vẽ trực tiếp mặt đất (toàn đạc, bàn đạc/các tài liệu bản đồ xây dựng bằng phương pháp gián tiếp (ảnh hàng không, ảnh viễn thám,v.v…)
- Tài liệu dùng làm bản đồ nền cần phải đáp ứng yêu cầu chung về thể hiện các yếu tố địa lý:
- Lưới km (lưới kinh vĩ độ)
- Ranh giới hành chính 364
- Địa hình
- Thủy hệ
- Giao thông
- Các điểm địa vật quan trọng, các công trình kinh tế văn hóa & xã hội.
(2) Tỷ lệ bản đồ
Một số căn cứ để xác định tỷ lệ bản đồ hiện trạng sử dụng đất đó là:
- Mục đích và yêu cầu thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất;
- Quy mô diện tích tự nhiên và hình dạng của khu vực thành lập bản đồ;
- Mức độ phức tạp, khả năng khai thác sử dụng đất;
- Phù hợp với bản đồ quy hoạch phân bố sử dụng đất cùng cấp;
- Đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật để thể hiện đầy đủ nội dung bản đồ hiện trạng sử dụng đất;
- Không cồng kềnh, tiện lợi cho xây dựng, dễ dàng khi sử dụng.
Với những căn cứ trên, tỷ lệ bản đồ hiện trạng sử dụng đất được quy định cho các cấp như sau:
Đơn vị hành chính |
Diện tích tự nhiên (ha) | Tỷ lệ bản đồ |
Cấp xã | Dưới 120 | 1: 1000 |
Từ 120 đến 500 | 1: 2000 | |
Trên 500 đến 3.000 | 1: 5000 | |
Trên 3.000 | 1: 10000 | |
Cấp huyện | Dưới 3.000 | 1: 5000 |
Từ 3.000 đến 12.000 | 1: 10000 | |
Trên 12.000 | 1: 25000 | |
Cấp tỉnh |
Dưới 100.000 | 1: 25000 |
Từ 100.000 đến 350.000 | 1: 50000 | |
Trên 350.000 | 1: 100000 | |
Cấp vùng |
1: 250000 | |
Cả nước | 1: 1000000 |
3.2 Nội dung bản đồ hiện trạng sử dụng đất
Việc xác định nội dung bản đồ hiện trạng sử dụng đất cần phải đảm bảo được các mục đích, yêu cầu và tỷ lệ bản đồ đặt ra. Bản đồ phải thể hiện đầy đủ các tính chất sử dụng đất phù hợp với biểu mẫu thống kê để cung cấp cho người sử dụng các thông tin về hiện trạng sử dụng đất được thể hiện lên bản đồ về các mặt gồm: vị trí, số lượng, nội dung,v.v… của các loại đất. Nội dung của bản đồ hiện trạng sử dụng đất cụ thể như sau:
Ranh giới các loại đất:
Khoanh đất là yếu tố chính của bản đồ HTSDĐ được thể hiện bằng dạng đường viền khép kín. Khoanh đất là một/nhiều thửa đất có cùng loại đất nằm liền kề nhau. Thể hiện khoanh đất phải đảm bảo đúng vị trí, hình dạng và kích thước theo tỷ lệ cụ thể như sau:
- Bản đồ HTSDĐ cấp xã: các khoanh đất có diện tích >=10mm2 theo tỷ lệ bản đồ phải thể hiện chính xác theo tỷ lệ. Nếu diện tích khoanh đất <10mm2 nhưng có đặc tính đặc biệt thì có thể nới rộng, phóng đại lên nhưng không quá 1,5 lần và đảm bảo tính tương ứng về vị trí, hình dạng/sử dụng ký hiệu để thể hiện.
- Bản đồ HTSDĐ cấp huyện, tỉnh, cả nước: các khoanh đất có diện tích >= 4 mm2 theo tỷ lệ bản đồ phải thể hiện chính xác theo tỷ lệ. Nếu diện tích khoanh đất < 4 mm2 nhưng có đặc tính đặc biệt thì có thể nới rộng/phóng đại lên nhưng không quá 1,5 lần và phải đảm bảo tính tương ứng về vị trí, hình dạng/sử dụng ký hiệu để thể hiện.
- Mỗi một khoanh đất cần thể hiện các yếu tố: diện tích (làm tròn số đến 0,01ha), loại đất (thể hiện bằng màu sắc và ký hiệu).
Ranh giới hành chính các cấp:
- Thể hiện toàn bộ ranh giới hành chính các cấp: ranh giới quốc gia, ranh giới tỉnh, ranh giới huyện và ranh giới xã
- Khi ranh giới các cấp trùng nhau, thì thể hiện ranh giới của cấp cao nhất.
Ranh giới lãnh thổ sử dụng như: nông trường, lâm trường, nhà máy, xí nghiệp, doanh trại quân đội nhân dân,v.v…
Đường bờ biển
Mạng lưới thủy văn
– Hệ thống sông ngòi, kênh mương tưới tiêu, hồ ao, trạm bơm,v.v…(hướng dòng chảy và tên gọi).
Mạng lưới giao thông
- Đường sắt các loại;
- Các đường giao thông như: quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và tên đường;
- Các đường liên xã, đường đi lớn trong khu dân cư nông thôn và đường ngoài đồng ruộng;
- Các công trình liên quan với đường sá như cầu, cống, bến phà,v.v…
Dáng đất
- Thể hiện dáng đất trên bản đồ HTSDĐ bằng điểm độ cao đối với vùng đồng bằng và đường đồng mức với vùng đồi núi.
- Dáng đất được thể hiện phù hợp với yếu tố khác (thủy hệ, đường sá, thực vật,v.v…).
Ghi chú địa danh
- Ghi chú địa danh trên bản đồ gồm có tên sông suối chính, tên đường quốc lộ, tên tỉnh, thành phố, huyện, thị xã, tên xã, thị trấn, tên các hồ lớn,v.v…
Thể hiện vị trí trung tâm gồm: thủ đô, tỉnh lỵ, huyện lỵ, UBND xã, phường, thị trấn.
4. Phương pháp xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất
Về mặt phương pháp chung, bản đồ hiện trạng sử dụng đất được xây dựng theo các công đoạn chính sau:
Công tác chuẩn bị
- Nhiệm vụ chủ yếu của bước này là thu thập, kiểm tra, đánh giá các tài liệu, số liệu và điều tra khảo sát thực địa theo yêu cầu đặt ra về nội dung của bản đồ HTSDĐ.
Xử lý tài liệu, số liệu
- Lựa chọn và tổng hợp các nội dung cần thể hiện trên bản đồ HTSDĐ bằng các khoanh lấy bỏ tự nhiên/khoanh lấy bỏ tổng hợp
Tạo thành phẩm
- Tiến hành thu phóng tài liệu bản đồ, can ghép và chuyển vẽ những nội dung hiện trạng sử dụng đất lên tài liệu bản đồ nền. Xây dựng bản biên vẽ, kiểm tra chất lượng bản đồ, chỉnh sửa, nghiệm thu và sao nhân bản.
Bản đồ HTSDĐ có thể được xây dựng theo các phương pháp sau :
- Phương pháp đo vẽ trực tiếp (đo mới)
- Phương pháp sử dụng ảnh hàng không & ảnh viễn thám
- Phương pháp đo vẽ chỉnh lý tài liệu bản đồ hiện có
- Ứng dụng công nghệ bản đồ số
Lời kết
Trên đây là thông tin về bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Khi có nhu cầu cấp đổi giấy chứng nhận hoặc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất/xin giấy phép xây dựng, hồ sơ thủ tục thường yêu cầu người thực hiện cung cấp bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Vì vậy người dân cần phải hiểu bản đồ hiện trạng sử dụng đất là gì.