Nhiều dự án bất động sản của FLC bị “treo”, có dấu hiệu bất khả thi
BÀI LIÊN QUAN
Khách hàng kêu khổ vì mua Condotel của FLCNhiều dự án bất động sản chậm tiến độ
Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC là một doanh nghiệp sở hữu khối lượng bất động sản lớn, trải dài khắp cả nước. Sau khi ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT của FLC bị bắt tạm giam để điều tra tội “thao túng thị trường chứng khoán”, công ty này vẫn còn khoảng gần 300 dự án đang được nghiên cứu, xúc tiến đầu tư tại 40 tỉnh thành khác nhau. Trong đó, có nhiều dự án được khởi công từ nhiều năm trước nhưng vẫn đang nằm “đắp chiếu”, chậm tiến độ nhiều tháng trời.
Điển hình, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng FLC giai đoạn 2 ở xã Hòa Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình bắt đầu thi công từ tháng 1/2021 và dự kiến sẽ được vận hành vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, dự án này vẫn là một bãi đất trống, có một vài phân khu shophouse, biệt thự mọc lên nhưng chỉ mới hoàn thiện được phần thô.
Và trong khi bất động sản trong nước tăng giá theo từng ngày, từng tháng thì dự án khu du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình vẫn chưa có sự đột biến về giá trong suốt thời gian qua. Hiện tại, 1 căn shophouse nghỉ dưỡng ven biển ở đây có giá khoảng 10-20 triệu đồng/m2, thấp hơn các dự án khác trong cùng khu vực khoảng 15-20 triệu đồng/m2.
Hay như dự án khu đô thị Hà Khánh ở Quảng Ninh được chính quyền chính thức phê duyệt vào năm 2018, với tổng diện tích 88 ha và vốn đầu tư ban đầu khoảng 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, dự án này vẫn đang thi công dang dở, liên tục bị chính quyền yêu cầu dừng bán nhà, đấu giá đất vì chủ đầu tư dính sai phạm.
Được biết, Khu đô thị Hà Khánh là một dự án vướng nhiều “lùm xùm” nhất của Tập đoàn FLC. Cụ thể, khi đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý để thi công giai đoạn 1 của dự án, FLC đã đăng tin rao bán đất nền. Tiếp đến, khi thi công giai đoạn 2 của dự án, FLC chậm nộp tiền sử dụng đất nên liên tục bị UBND TP. Hạ Long nhắc nhở.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2022, Tập đoàn FLC đã liên tục đề xuất đầu tư một loạt dự án bất động sản nghìn tỷ ở các tỉnh thành như: Quảng Ninh, Quảng Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Gia Lai,… Các dự án này hiện vẫn đang nằm trên giấy và rất khó có khả năng thực hiện được trong tình hình hiện tại. Bởi lẽ, đa số các khoản vay của doanh nghiệp này được thế chấp chủ yếu bằng các bất động sản và các dự án sắp hình thành trong tương lai. Với việc lãnh đạo của doanh nghiệp này bị bắt tạm giam, các ngân hàng cho vay sẽ phải rà soát lại các tài sản thế chấp này và yêu cầu phía công ty trích lập dự phòng cho các khoản vay liên quan.
Đặc biệt, đòn bẩy tài chính của FLC thông qua các hoạt động chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang bị Nhà nước kiểm soát gắt gao, việc xoay nguồn vốn đầu tư của công ty sẽ gặp nhiều khó khăn. Cho nên, nên các dự án đang xây dựng dang dở của FLC có nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ trong thời gian tới vì thiếu vốn.
Tương lai sẽ ra sao?
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam, nhiều nhà đầu tư đang đổ vốn vào các dự án bất động sản của FLC “đứng ngồi không yên” vì lo sợ bị lỗ vốn. Anh Trần Đình Quý (42 tuổi, Quảng Bình) cho biết, anh đã mua một căn shophouse nghỉ dưỡng ven biển trong khu dự án FLC ở Quảng Bình từ 4 năm trước. Đến nay, anh đã đóng tiền đầy đủ nhưng đợi mãi vẫn chưa ký được hợp đồng mua bán. Sau khi biết tin Chủ tịch FLC bị bắt tạm giam, anh đã liên lạc với phía công ty để hỏi về tình hình nhưng không có bộ phận nào trả lời, khiến anh vô cùng lo lắng.
Tương tự như anh Quý, nhiều chủ đầu tư từng ôm mộng sinh lời từ các dự án của FLC ở TP. HCM như tòa tháp Landmark 99 tầng ở Bình Chánh, dự án Công viên Sài Gòn Safari, Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn,... cũng đang tỏ ra quan ngại, không biết tương lai của những dự án này sẽ ra sao. Còn nhiều người đầu tư vào condotel của FLC thì lại lo ngại về tuyên bố cam kết lợi nhuận của công ty trước đây.
Giới chuyên gia cho rằng, ông Trịnh Văn Quyết bị bắt khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý bán tháo các sản phẩm bất động sản của FLC vì lo sợ thua lỗ. Tuy nhiên, khác với chứng khoán, bất động sản là kênh đầu tư bền vững, ít chịu tác động bởi biến động của các yếu tố khác nhau. Hơn nữa, ông Quyết cũng chỉ là một cổ đông của công ty, vẫn còn nhiều cổ đông khác có đủ năng lực để nắm quyền điều hành. Cho nên, việc FLC phá sản, các dự án bất động sản rớt giá rất khó có khả năng xảy ra.
Dự báo, trong thời gian tới, các dự án bất động sản do FLC làm chủ đầu tư sẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều trong bối cảnh công ty đang có nhiều biến động nhưng không đáng quan ngại. Nhiều nhà đầu tư sẽ tiếp tục “dè chừng” các dự án của FLC và có tâm lý bán tháo nếu như đã lỡ mua.
Mới đây, Tập đoàn FLC đã phát đi thông cáo báo chí khẳng định, vụ ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam không làm thay đổi kế hoạch phát triển của công ty. Đặc biệt, vụ việc này không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông và các đối tác đang hợp tác với tập đoạn.
Trước khi bị bắt, ông Trịnh Văn Quyết đã ủy quyền cho bà Vũ Đăng Hải Yến – Phó Tổng giám đốc FLC thay mặt ông quyết định mọi công việc của công ty. Đồng thời, Ban lãnh đạo của công ty cũng đã họp và đưa ra những biện pháp, kế hoạch mới để đảm bảo hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.