Nhà đầu tư chứng khoán nên hành động thế nào trong bối cảnh VN-Index liên tục “thủng” ngưỡng hỗ trợ?
BÀI LIÊN QUAN
Chuyên gia chứng khoán: Xu hướng phục hồi có thể tiếp diễn khi KQKD quý 3 dần được công bốVNDirect đánh giá đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào kênh chứng khoánThị trường chứng khoán đã đến thời điểm “bắt đáy” đón sóng tăng mới?Theo Nhịp sống thị trường, thị trường chứng khoán trong nước nối dài chuỗi 5 tuần giảm điểm liên tiếp, “thủng” hàng loạt ngưỡng hỗ trợ. Chỉ số VN-Index đã ghi nhận mức chiết khấu hơn 150 điểm (~`2,5%) sau gần 1 tháng để về mốc 1.093 điểm. Đây cũng là chuỗi giảm điểm mạnh nhất của thị trường từ sau quãng biến động mạnh vào cuối năm 2022. Thanh khoản liên tục tụt áp 30 - 40% so với thời điểm trước cũng phản ánh tâm lý dè dặt của nhà đầu tư trước những diễn biến khó lường của thị trường.
Bình luận về diễn biến thị của thị trường chứng khoán, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS cho rằng, hiện đang có rất nhiều “cơn gió ngược” tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và chứng khoán thế giới nói chung.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng cao lên mức đỉnh trong 16 năm qua gây áp lực cho nền kinh tế khi đây là mức tham chiếu cho các khoản vay tiêu dùng cho đến thế chấp bất động sản. Sức hấp dẫn của cổ phiếu giảm đi khi lợi suất trái phiếu tại Mỹ tăng cao và bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ vẫn chưa thực sự khởi sắc.
Bên cạnh đó, lo ngại căng thẳng địa chính trị leo thang cũng khiến tâm lý của giới đầu tư thận trọng hơn. Đặc biệt là trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp Mỹ cũng có sự phân hóa khá mạnh. Đây là một lý do khiến thị trường chứng khoán liên tục chịu áp lực trong ngắn hạn.
Độ rộng thị trường suy yếu khi số mã nằm trên đường MA50 giảm xuống mức 20 - 22% trong khi số mã nằm trên MA200 thu hẹp từ mức 63% xuống còn 56% phát đi tín hiệu thận trọng. Chỉ số VN-Index nằm trong vùng biến động mạnh, rủi ro tiềm ẩn tăng cao khi chỉ báo Volatility (mức độ biến động của thị trường trong ngắn hạn) cao hơn mức trung bình trong hơn 6 năm trở lại đây. Tín hiệu này cho thấy rủi ro biến động mạnh của thị trường vẫn chưa dừng lại và nhà đầu tư cần duy trì trạng thái thận trọng.
Nếu xét về định giá, P/E của VN-Index đang giảm về 15 lần, thấp hơn mức trung vị 10 năm ở mức 16,4 lần do thị trường đang chiết khấu những yếu tố biến động rủi ro ngắn hạn từ diễn biến thị trường quốc tế cho đến áp lực tỷ giá trong nước. Định giá P/B hiện ở mức 1,68 lần - thấp hơn mức trung vị 10 năm ở mức 2,16 lần, điều này cho thấy nhiều cổ phiếu có giá trị thực cao hơn giá trị hiện tại đi kèm với đó là khả năng tăng trưởng tốt sẽ là sự lựa chọn phù hợp trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, so với mức tăng 60 - 80% kể từ đầu năm của nhiều nhóm ngành, mức điều chỉnh thời gian qua có thể vẫn chưa đủ hấp dẫn để kích thích dòng tiền. Hầu hết các nhóm ngành và cổ phiếu đang trong trạng thái downtrend. Dòng tiền bắt đáy vẫn đang chờ đợi cổ phiếu rẻ và hợp lý hơn nữa. Khi định giá về mức hợp lý, kết quả kinh doanh đang dần phục hồi từ quý 3 sẽ là cơ hội để lựa chọn cổ phiếu tốt có mức định giá hợp lý.
Đâu là vùng giá phù hợp để đầu tư?
Theo ông Trần Hoàng Sơn dự báo, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục trong pha giảm, tín hiệu hồi phục sẽ xuất hiện nhưng không mang tính chất bền vững. Thị trường được kỳ vọng tạo vùng cân bằng xoay quanh ngưỡng 1.080 - 1.090 điểm, nếu “thủng” vùng này áp lực giảm sâu có thể được kích hoạt với khả năng khiến chỉ số quay về kiểm nghiệm mức hỗ trợ thấp hơn của Fibonacci tương ứng với vùng 1.030 - 1.050 điểm.
Về chiến lược trong giai đoạn này, nhà đầu tư nên kích hoạt chiến lược phòng thủ, đồng thời thu hẹp danh mục và quan sát phản ứng của chỉ số quanh mốc 1.112 điểm. Nếu xuất hiện tín hiệu phục hồi kèm thanh khoản tăng trở lại có thể xem xét cơ cấu lại danh mục. Cùng với đó, chờ nhịp chỉnh sâu của thị trường để gom mua dần 20 - 30% tỷ trọng cho mục tiêu trung hạn với những cổ phiếu có kết quả kinh doanh dự kiến phục hồi trong quý 4 năm 2023 và năm 2024.
Tương tự, ông Bùi Nguyên Khoa - Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán BSC cho rằng, điều kiện tiên quyết để thị trường tạo đáy và hấp dẫn dòng tiền trở lại là thị trường cần phải rẻ hơn nữa, bên cạnh những rủi ro liên quan đến căng thẳng địa chính trị, chính sách Fed hạ nhiệt.
Vị chuyên gia cho rằng, chỉ số VN-Index về ngưỡng 1.010 - 1050 điểm như thời điểm đầu năm sẽ là vùng giá phù hợp để đầu tư. Dù các yếu tố kỳ vọng chưa đạt, nhưng các chỉ số vĩ mô đang cải thiện rõ rệt chứ không mơ hồ như thời điểm đầu năm 2023.
Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư, vị chuyên gia đến từ Chứng khoán BSC cho biết dù không khuyến khích việc bắt đáy nhưng đây đã là vùng giá có thể quan sát. Nhìn ở góc độ cơ bản, nếu lựa chọn được cổ phiếu tốt và ở vùng giá phù hợp thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể xuống tiền. Dù vậy, vẫn cần lưu ý chọn lọc kỹ cổ phiếu vì có nhiều mã dù điều chỉnh nhưng giá đã vượt xa giá trị thực.
Đáng chú ý, nhà đầu tư cần lưu ý nếu chiều lên mua càng nhanh thì chiều xuống cần mua chậm. Theo đó, nhà đầu tư có thể chia ra nhiều phần tại nhiều vùng giá để giải ngân và tránh “all-in” hay sử dụng margin trong giai đoạn này.
Trong bối cảnh thị trường trong nước diễn biến ảm đạm cũng như rủi ro suy thoái toàn cầu vẫn hiện hữu, các chuyên gia khuyến nghị khả quan đối với 2 nhóm ngành là đầu tư công và dầu khí. Nếu lạm phát từ nay đến cuối năm 2023 không gây quá nhiều áp lực lên nền kinh tế, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vẫn là động lực quan trọng để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay. Còn với nhóm dầu khí, kết quả kinh doanh của nhóm này trong năm 2023 được kỳ vọng sẽ duy trì mức tăng trưởng khả quan so với mặt bằng chung của thị trường khi mà các cuộc xung đột kéo dài vẫn đang gây áp lực đến nguồn cung dầu trên thế giới.