Nhà đầu tư BĐS liên tục rao bán xe ô tô lấy tiền gồng lãi chờ thị trường qua "cơn bĩ cực"
BÀI LIÊN QUAN
Có nên vội xuống tiền với hàng ngộp, hàng thanh lý bất động sản được rao bán khắp nơi?Dù rao bán cắt lỗ nhưng giá nhà liền kề, biệt thự vẫn vượt quá tài chính người muaRao bán "cắt lỗ" rầm rộ, làm thế nào để biết người bán đang "ngộp"?Nhà đầu tư bất động sản liên tục rao bán ô tô, xe máy
Theo Nhịp sống thị trường, trước thời điểm Tết Nguyên đán, hiện tượng nhà đầu tư bất động sản phải cầm cố hay rao bán ô tô, xe máy đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết, hiện tượng này đã tăng mạnh. Điều này cho thấy sức gồng tài chính của các nhà đầu tư đang yếu dần. Không ít người vay ngân hàng đầu tư bất động sản, hiện đã phải bán tài sản là ô tô để gồng lãi.
Anh Vĩnh (ngụ tại TP. Thủ Đức. TP. Hồ Chí Minh) mua chiếc xe ô tô từ năm 2018, đến nay phải rao bán với giá rẻ so với giá mua vào và giá thị trường. Trước đó, anh Vĩnh rao bán mảnh đất nông nghiệp tại Đồng Nai nhưng không tìm được người mua. Do đuối sức tài chính nên anh phải chấp nhận rao bán chiếc xe ô tô - phương tiện đi lại của cả gia đình để lấy tiền trang trải chi phí.
Là một nhà đầu tư bất động sản lâu năm, công việc chính của anh Vĩnh chủ yếu là đầu tư nhà phố và đất nền. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản chững lại, không có giao dịch, anh Vĩnh cũng rơi vào cảnh thất nghiệp. Dòng tiền chủ yếu năm trong đất đai hiện đã khựng lại khiến việc trang trải chi phí cuộc sống cũng như các khoản vay ngân hàng của anh gặp nhiều khó khăn.
Một môi giới bất động sản mới đây cũng liên tục đăng tải thông tin bán chiếc xe ô tô dòng kia còn mới với giá từ 400 - 500 triệu đồng. Được biết, mức giá này đã giảm khoảng 20% so với giá mua vào. Môi giới này cho biết, đây là con xe của một nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản rao bán do cần tiền gấp. Trước đó, một số nhà đầu tư cũng gửi bán xe máy SH hay xe ô tô mua từ thời điểm 2016 - 2019. Trong đó cũng có nhà đầu tư đổi xe nên bán lại xe cũ, có nhà đầu tư cần tiền để đáo hạn khoản vay ngân hàng nên bán xe. Theo môi giới này, cũng giống như bất động sản, xe không dễ chốt, tuy nhiên nếu so với các bất động sản giá vài tỷ đồng thì những chiếc xe giá vài trăm triệu đồng dạng hàng ngộp vẫn nhận được sự quan tâm.
Theo ghi nhận cho thấy, ngoài rao bán, thì việc cầm cố xe với lãi cao để lấy tiền trả ngân hàng cũng đã ghi nhận ở các nhà đầu tư bất động sản. Một nhà đầu tư bất động sản tại TP. Thủ Đức mới đây đã cầm cố chiến xe bán tải Ford với giá 200 triệu đồng, tính theo lãi ngày lên tới 5%. Trước đó, để có tiền đáo hạn khoản vay ngân hàng mua bất động sản, nhà đầu tư này đã phải cầm cố chiếc xe. Anh cho biết, rao bán xe có thể bị chậm thời gian nên anh chấp nhận cầm xe lãi cao. Đây cũng là điều bất đắc dĩ trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Khó khăn có thể xe kéo dài
Những chuyên gia trong ngành đều có chung nhận định rằng thị trường bất động sản năm 2023 vẫn sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, tỷ lệ nhà đầu tư đuối vốn có xu hướng tăng mạnh trong quý 2/2023. Các sản phẩm ngộp ở phân khúc đất nền có thể xuất hiện nhiều hơn so với thời điểm quý 4/2022.
Từng có chia sẻ về động thái của nhà đầu tư bất động sản, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho biết, mặc dù chính sách thắt chặt tín dụng đang dần được nới lỏng nhưng việc tiếp cận với nguồn vốn của nhà đầu tư vẫn đang gặp khó khăn. Theo đó, tất cả chủ đầu tư hoặc người mua nhà hiện nay đều đang rất lo lắng và e ngại thị trường trong thời gian tới. Nỗi lo lớn và ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường là nguồn vốn. Chua kể, nỗi lo của người vay mua nhà là họ cho rằng vay sau đó bán ra sẽ trả nợ nhưng thanh khoản hiện tại cũng giảm.
Bà Dung nhấn mạnh có ít nhất 50% nhà đầu tư đang mắc kẹt ở thời điểm này bởi họ định vay vốn tạm nhưng gặp thanh khoản kém. Tỷ lệ này thậm chí đang có xu hướng tăng lên ở giai đoạn hiện tại. Trong năm 2023, nếu Nhà nước không có chính sách gì mới để nới lỏng tiền tệ thì nhiều người sẽ gặp khó. Nếu nhà đầu tư không chịu đựng được, không thể tìm lối ra ra thì thị trường sẽ xáo trộn.
Nhận định về thị trường bất động sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản phụ thuộc vào những diễn biến thực tế về chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ. Do đó, nếu không có sự điều chỉnh về chính sách tín dụng, thị trường bất động sản trong năm 2023 sẽ tiếp tục kéo dài hiện trạng khó khăn hiện nay.
Còn theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, ít nhất phải đến hết năm 2023, thị trường bất động sản ở các phân khúc mới xuất hiện tín hiệu phục hồi. Thời điểm hiện tại, nhà đầu tư khá rụt rè trong các quyết định. Nguồn cung bán ra chủ yếu là các tài sản hàng ngộp. Tuy nhiên, tới cuối năm 2023, có thể thị trường sẽ xuất hiện làn sóng mua vào của nhà đầu tư, trong đó có nguồn hàng giá giảm sâu đã được rao bán từ cuối năm 2022.
Trong lịch sử gần 30 năm hình thành và phát triển, thị trường bất động sản đã chứng kiến nhiều đợt nóng sốt - đóng băng khác nhau, nhưng có một điểm chung là các chu kỳ diễn ra đều đặn khoảng 7-8 năm/1 lần.
Với những diễn biến khó khăn của thị trường bất động sản từ đầu năm 2022 đến nay, xuất hiện nhiều lo ngại về sự đóng băng của thị trường địa ốc sẽ lặp lại theo lịch sử. Tuy nhiên, giới chuyên gia bất động sản cho rằng, kịch bản đóng băng sẽ khó xảy ra khi thị trường hiện tại đã "trưởng thành" và thay đổi về quy mô cũng như tính chuyên nghiệp của các chủ thể tham gia vào thị trường.