Nhà đầu tư BĐS kể chuyện đi "săn hàng ngộp": Mua căn nhà 8 tỷ thời sốt đất nay giảm giá còn 5,5 tỷ đồng
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường bất động sản lao dốc, nhiều nhà đầu tư rơi vào tình trạng “không có gì để làm”Một phân khúc từng bị "ngó lơ" khi thị trường sốt nóng, đến nay trở thành kênh "hốt bạc" cho nhà đầu tưHết thời "nhặt" tiền tỷ từ bất động sản, nhà đầu tư "giải nghệ" mở chuỗi nhà hàng, quán cà phê, xưởng sản xuất…"Mùa đi săn" của những nhà đầu tư nắm trong tay tiền mặt lớn
Những ngày cuối tháng 11, theo chân một nhóm nhà đầu tư bất động sản đi "săn hàng ngộp" tại thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Khi thắc mắc với nhóm đầu tư "hàng ngộp" là như thế nào? Một nhà đầu tư trong nhóm chia sẻ đây là cách giới đầu tư nói về những bất động sản bị bán tháo mỗi khi thị trường gặp khó khăn.
Trong khoảng 2-3 tháng trở lại đây, đặc biệt là 2-3 tuần gần đây, số lượng "hàng ngộp" rao bán ngày càng tăng rõ rệt. Trên thực tế, thời điểm này có rất nhiều nhà đầu tư nợ ngân hàng và không trông chờ được vào khoản nào nên đành phải bán nhà, bán đất với giá "mềm" hơn hẳn so với thị trường. Chính vì thế, với những nhà đầu tư nắm trong tay tiền mặt lớn thì đây là "mùa đi săn" lý tưởng để có những sản phẩm tốt với giá cả hợp lý. Tuy nhiên, nhóm nhà đầu tư này khẳng định rằng, để "săn" được "hàng ngộp" không phải điều dễ dàng.
Bởi trên thực tế, số lượng hàng này rất ít, chỉ những người thực sự kẹt tiền, không thể xoay sở hay vay mượn nguồn nào nên họ mới chấp nhận bán với giá thấp hơn sơ với thị trường từ 5-10%. Nếu gặp được hàng như vậy thì phải mua nhanh không sẽ có người khác nhảy vào ngay.
Anh Nguyễn Văn Lộc, một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ về một ví dụ "săn hàng ngộp" của mình. Cụ thể, hồi giữa tháng 10, chủ một căn nhà diện tích 37m2 trên đường Cầu Giấy (phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) do làm ăn khó khăn, cần tiền nên phải bán gấp căn nhà. Lúc đầu, chủ nhà đưa ra giá là 160 triệu đồng/m2, tổng giá trị căn nhà gần 6 tỷ đồng nhưng rao bán mãi không có ai mua. Sau đó, chủ nhà đành giảm 10 giá xuống còn 150 triệu đồng/m2 thì bán được luôn.
Anh Lộc chia sẻ, căn nhà này không phải do anh mua mà một người bạn trong nhóm mua được. Sau khi mua xong, tìm hiểu ra mới biết, chủ nhà mua căn nhà này từ năm 2008 - đúng thời điểm sốt đất với giá 8 tỷ đồng. Sau đó thị trường đóng băng, người chủ cho thuê nhiều năm nay chờ ngày thị trường lên để bán. Thế nhưng, khi cơn sốt nhà đất quay trở lại, người chủ vẫn không tìm được khách mua với mức giá mua vào đỉnh điểm của cơn sốt trước. Đến nay vì quá kẹt tiền nên họ chấp nhận bán với mức giá đó. Hiếm lắm mới có "hàng ngộp" như vậy.
Đúng là những trường hợp giảm sâu như trên khá hiếm nhưng số lượng hàng với mức giá giảm từ 5-10% so với giá trị trường thì đang ngày càng gia tăng. Mới đây nhất, một căn nhà ở Tây Mỗ ban đầu được rao bán với giá 3,5 tỷ đồng không có người mua, nhưng sau khi giảm 300 triệu đồng xuống còn 3,2 tỷ đồng thì ngay lập tức có người xuống tiền đặt cọc.
Cũng theo chia sẻ của một môi giới nhà thổ cư Hà Nội cho hay, từ khi đất nền tỉnh trầm lắng, nhà đầu tư đã đổ về trung tâm. Theo đó, phân khúc nhà liền thổ được cả người mua ở thực lẫn nhà đầu tư quan tâm. Giữ thời điểm thị trường khó khăn, trong khi có những nhà đầu tư kẹt vốn phải tái cơ cấu danh mục đầu tư thì đây lại là cơ hội của những người có nguồn tài chính dư dả. Thậm chí, nhiều người xem đây là thời điểm đi gom hàng tốt giá rẻ.
Bất động sản mang tính chu kỳ và mỗi chu kỳ đều có sóng
Theo các chuyên gia, tâm lý nhà đầu tư hiện nay đã có sự thay đổi, không còn mạo hiểm chạy theo những cuộc đua lướt sóng đầu cơ, dòng tiền giờ đây đã trở về bất động sản phòng thủ, có tính an toàn cao. Giới chuyên gia cũng đồng tình rằng, nhà đầu tư nào hiện tại có tài chính tốt thì đây là cơ hội sở hữu bất động sản giá tốt, đi "săn hàng ngộp". Tuy nhiên, trước khi xuống tiền cần đánh giá nhu cầu, lựa chọn sản phẩm thực sự phù hợp với khả năng tài chính cũng như tập trung vào giá trị gia tăng của tài sản thay vì tốc độ tăng giá.
Hiện nay, thị trường bất động sản đang rơi vào trạng thái trầm lắng, thanh khoản theo đó bị sụt giảm nhanh chóng. Kéo theo nhiều chủ đầu tư hụt hơi, thiếu vốn phải đưa ra những chính sách chiết khấu cao để kích cầu thanh khoản trên thị trường.
Trên thị trường thứ cấp, nhiều nhà đầu tư lâm vào tình cảnh áp lực khi dùng đòn bẩy tài chính cũng đang phải giảm giá sâu để thoát hàng.
Nhận định về thị trường bất động sản, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, thị trường trong những năm qua có sự tăng trưởng sốt nóng và hiện đang có dấu hiệu chậm lại. Nhưng cũng có thể nói rằng thị trường đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn.
Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, bất động sản mang tính chu kỳ và mỗi chu kỳ đều có sóng. Nếu nắm bắt được chu kỳ thị trường sẽ giúp nhà đầu tư nắm bắt cơ hội. "Giống như sự lặp đi lặp lại của các mùa, bất động sản sẽ dịch chuyển theo những biểu đồ mà bạn có thể quan sát và dự đoán”, bà Trang Bùi nói.
Tuy nhiên, bà Trang cũng nhấn mạnh chu kỳ bất động sản thường không ổn định cũng như chịu ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới. Vì vậy, thị trường bất động sản chuyển động theo tốc độ riêng và đây chính là thách thức thực sự đối với nhà đầu tư.
Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư thời điểm này, ông Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (FERI) cho rằng, thị trường bất động sản trong quá khứ khi gặp khủng hoảng, những chủ đầu tư lớn hiện nay đều đã vượt qua và phát triển mạnh mẽ sau giai đoạn thanh lọc.