Người thu nhập thấp đang "khát" nhà ở
BÀI LIÊN QUAN
Giá bất động sản "tăng phi mã" không ngừng do những yếu tố nào?Liệu nhà phố, biệt thự có còn là kênh "giữ tiền" cho nhà đầu tư?Thị trường văn phòng cho thuê còn "ngổn ngang" nhiều thách thứcChen chúc ở trọ
Theo Tiền Phong, từ tỉnh Nghệ An vào Đồng Nai làm việc đã gần 10 năm, lập gia đình và có 1 con nhỏ nhưng gia đình anh Nguyễn Đức Phát vẫn đang phải ở nhà thuê. Vợ anh cùng quê, cùng vào làm công nhân; tổng thu nhập, kể cả tăng ca của cả 2 vợ chồng là khoảng 15 triệu đồng/tháng. Sau khi trả tiền thuê nhà trọ, tiền gửi trẻ, tiền ăn hàng tháng, hiếu hỉ, mua sắm..., mỗi tháng vợ chồng anh tằn tiện lắm cũng chỉ dành dụm được khoảng vài ba triệu đồng, cuối năm về quê một chuyến thì cũng coi như hết. Vì thế, việc mua nhà cửa, với vợ chồng anh là điều không tưởng. "Để mua được một lô đất tiền tỷ như hiện nay, quả là rất khó với người lao động như chúng tôi", anh Phát tâm sự.
Sống chen chúc trong phòng trọ ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, cả gia đình anh Thạch Danh (quê ở Sóc Trăng) cảm nhận hết sự khó khăn trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Anh Danh nói: "Bốn tháng dịch, bị phong tỏa, cả gia đình tôi phải ở trong phòng ngột ngạt, bức bí. Nếu có căn nhà thì điều kiện sống sẽ tốt hơn nhưng để mua được nhà ở đây thì quá tầm người lao động như chúng tôi".
Chị Hoàng Thị Yến, công nhân của công ty Hyosung (huyện Nhơn Trạch) cho biết, gần nơi chị ở đang có nhiều dự án nhà ở công nhân có giá bán trên 700 triệu đồng/căn rộng khoảng 50m2. "Nếu giá 300-400 triệu đồng cho một căn hộ nhỏ thì phù hợp với thu nhập của công nhân", chị Yến cho hay.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, tỉnh mới có 3 dự án nhà ở công nhân với quy mô 2.893 căn được hoàn thành. Qua khảo sát thấy được, gần như 100% công nhận ngoại tỉnh có nhu cầu về chỗ ở. Nhu cầu nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở như người thu nhập thấp vùng đô thị, cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân cũng còn nhiều.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - ông Cao Tiến Dũng cho biết, những năm qua, nhà ở xã hội phát triển chậm nên công nhân và người có thu nhập thấp đa số phải thuê phòng trọ của các hộ dân để ở. Vừa qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, phải giãn cách xã hội khiến cho nhiều công nhân, người lao động có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn. "Đây là hậu quả của việc chậm triển khai các dự án nhà ở xã hội nên thiếu nơi ở đàng hoàng cho người lao động", ông Dũng nói. Ông yêu cầu các địa phương có khu công nghiệp phát triển phải quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Doanh nghiệp, người mua đều "khát" vốn
Chủ tịch Liên đoàn Lao động Đồng Nai - Bà Nguyễn Thị Như Ý cho biết, trong giai đoạn từ 2021-2025, Đồng Nai sẽ xây dựng 2.500 căn nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho khoảng 10.000 người. Tuy nhiên, đây vẫn là con số còn thấp so với nhu cầu nhà ở của khoảng 400.000 lao động. "Tỉnh Đồng Nai cũng sẽ có quy định cụ thể, giao trách nhiệm cho từng địa phương, đặc biệt là các địa phương có đông công nhân lao động phải xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động", bà Như Ý cho hay.
Các sở, ngành liên quan đều cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Trước đây chưa có quy định doanh nghiệp được đầu tư khu công nghiệp và cũng chưa có hướng dẫn thực hiện, trong khi đó, địa phương lập quy hoạch thì chưa chú trọng dẫn tới tình trạng thiếu nhà ở công nhân, nhà ở xã hội như hiện nay. Tính đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành gần 3.500 căn nhà ở xã hội, trong đó có gần 1.600 căn dành cho công nhân.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Đồng Nai cho hay, hiện toàn tỉnh có 13 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích là 59,3 ha, khả năng đáp ứng gần 8.200 căn hộ đang được triển khai. Thêm vào đó, có 9 dự án khác với diện tích 25,8 ha, bố trí khoảng 6.000 căn hộ đang đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Theo ông Dũng nhận định, về lâu dài, khi lập quy hoạch, phải xác định rõ đất xây dựng nhà ở xã hội; doanh nghiệp khi đầu tư khu công nghiệp có trách nhiệm đầu tư khu nhà ở công nhân gắn với khu công nghiệp đó. Đối với các khu công nghiệp đã thành lập, rà soát các khu đất chưa sử dụng để bố trí nhà ở xã hội cho công nhân.
Theo quy hoạch về nhà ở xã hội giai đoạn năm 2021-2030, tỉnh Đồng Nai dành 924 ha đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, trong đó có khoảng 310 ha thực hiện các dự án nhà ở cho công nhân và 614 ha làm nhà ở xã hội cho những đối tượng còn lại. Có một số nhà đầu tư phản ánh, thủ tục đầu tư nhà ở xã hội phức tạp. Tuy vậy, khó khăn nhất vẫn là vốn đầu tư xây dựng và vốn hỗ trợ cho người mua nhà. Mặt khác, nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng, những khu đất được giao xây nhà ở xã hội thường ở xa khu dân cư, khu công nghiệp, chợ, bệnh viện, trường học, thiếu các dịch vụ tiện ích đi kèm nên nhiều doanh nghiệp chưa dám đầu tư.
Đại diện một doanh nghiệp cho biết, một dự án nhà ở xã hội kể từ khi bắt đầu thủ tục xin dự án đến khi kết thúc mất khoảng 5 năm, trong khi lợi nhuận chỉ có 10%, tính ra mỗi năm chỉ có 2%, thấp hơn cả lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng.
Nhiều giải pháp đã đưa ra để gỡ nút thắt cho nhà ở xã hội. Các hoạt động cải cách, rút ngắn thủ tục cũng được triển khai, thành lập nhiều tổ công tác tháo gỡ khó khăn của dự án nhà ở xã hội để đi sâu giải quyết cụ thể từng vấn đề. Công tác rà soát và bổ sung quỹ đất ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cũng được tập trung đẩy mạnh. Tuy nhiên, đến nay câu chuyện về phát triển nhà ở xã hội vẫn đang là đề tài được các ban, ngành mang ra bàn giải pháp, trong khi đó các doanh nghiệp bất động sản gần như không mấy mặn mà với loại hình bất động sản này.