Ngày mai (1/6), giá xăng có thể vượt mốc 31.000 đồng/lít
BÀI LIÊN QUAN
Soi tồn kho của doanh nghiệp xăng dầu cuối quý I khi giá xăng lập đỉnh mớiGiá xăng đắt chưa từng có, nhiều shipper buộc phải tắt app nghỉ chạyGiá xăng tiếp tục xác lập kỷ lục mới, cao nhất từ trước đến nayTheo laodong.vn, giá xăng ở thị trường Singapore đang là 149,75 USD/ thùng đối với xăng RON 92 và 147,93 USD/ thùng đối với xăng RON 95. Mức giá này đã tăng so với chu kỳ trước. Đây cũng là xu hướng chung của giá xăng dầu thế giới trong thời gian qua. Tính trong tuần cuối tháng 5, giá dầu thô Brent tăng cao nhất trong vòng 2 tháng qua, đạt mức 6%. Do đó, theo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, ở kỳ điều chỉnh giá ngày 1/6, giá xăng sẽ tăng lên 31.000 đồng, thậm chí cao hơn, dao động từ 200 -700 đồng/ lít, còn giá dầu ở mức 400 đồng/ lít nếu không trích quỹ bình ổn. Như vậy, nếu tăng 200 đồng, giá xăng RON 95 sẽ đạt 30.850 đồng/ lít, còn ở mức 700 đồng, giá xăng RON 95 sẽ lên tới 31.350 đồng/ lít. Đối với xăng RON 92 sẽ lần lượt là 29.830 và 30.330 đồng/ lít. Đây sẽ là mức giá kỷ lục từ trước tới nay của mặt hàng này.
Nếu cơ quan điều hành sử dụng quỹ bình ổn, mức tăng sẽ dao động từ 300-400 đồng/ lít.
Theo dự báo, giá dầu trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do một loạt nguyên nhân khách quan, ví dụ như dự trữ của Mỹ giảm, tình hình chiến sự tại Ukraine vẫn dai dẳng. Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) cho rằng vẫn giữ nguyên tăng mục tiêu sản lượng của tháng 7 lên 432.000 thùng một ngày. Họ không thể nâng sản lượng bất chấp lời kêu gọi tăng thêm từ phương Tây để "hạ nhiệt" giá dầu.
Ở lần điều hành giá xăng, dầu hôm 23/5, liên bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định tăng giá xăng và giảm giá dầu. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 lên mức 29.630 đồng một lít, RON 95 30.650 đồng một lít. Còn dầu diesel giảm 1.100 đồng một lít, giá bán là 25.550 đồng một lít; dầu DO giảm 970 đồng một lít, giá bán là 20.590 đồng một lít.
Liên quan tới hoạt động điều hành giá xăng, dầu, mới đây Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định, lúc nào cũng có công cụ để hạ nhiệt giá xăng dầu. Theo Bộ trưởng, giá xăng, dầu trong nước phụ thuộc vào giá thế giới. Do đó, phải theo sát diễn biến giá của thế giới. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng khẳng định không bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu trong nước.
Để góp phần hạ nhiệt giá nhiên liệu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Cụ thể, từ ngày 1/4 đến hết năm 2022, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng một lít; dầu diesel, dầu mazut, mỡ nhờn là 1.000 đồng một lít, kg. Riêng mức giảm thuế với dầu hoả là 70% so với mức thuế hiện hành, về còn 300 đồng một lít. Thời gian giảm loại thuế này bắt đầu từ 1/4/2022 đến 31/12/2022. Sau thời điểm này, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu sẽ quay về mức đang áp dụng (là 3.800 - 4.000 đồng với xăng, 2.000 đồng một lít với dầu).
Đánh giá tác động của dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, tác động đến giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất sẽ góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) tương ứng là 2.200 đồng/lít đối với xăng; 1.100 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn; 1.100 đồng/kg đối với mỡ nhờn; 770 đồng/lít đối với dầu hỏa.
Tính từ đầu năm tới kỳ điều hành gần nhất 23/5, qua 13 lần điều chỉnh, giá xăng RON 95 đã tăng 6.780 đồng/ lít (từ mức 23.870 đồng/ lít ở kỳ điều hành ngày 11/1. Đối với xăng E5 RON 95 mức tăng là 6.480 đồng.
Giá xăng tăng cao đã góp phần đưa chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 5 tháng đầu năm tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước. CPI tháng 5/2022 tăng 0,38%; trong đó, khu vực thành thị tăng 0,34%; khu vực nông thôn tăng 0,42%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 1 nhóm hàng giảm giá.