Ngân hàng nào tăng mạnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng?
BÀI LIÊN QUAN
VNDirect: Khả năng có thêm đợt tăng lãi suất điều hành tiếp theo trong năm nay là không caoDự báo lãi suất tiền gửi tăng 30 - 50 điểm cơ bản sau khi tăng lãi suất điều hành Thị trường hàng hóa bị ảnh hưởng ra sao sau khi Fed nâng lãi suất?Lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng tăng mạnh
Theo thanhnien.vn, ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1606 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Quyết định số 1606 quy định mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,0%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 23/9/2022.
Do đó, ngay trong sáng ngày 23/9, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là một trong những ngân hàng tư nhân đầu tiên công bố mức lãi suất huy động mới, tăng lãi suất huy động thêm 0,3 - 1%/năm ở một số kỳ hạn. Đối với kỳ hạn gửi dưới 6 tháng, mức lãi suất tăng từ 4%/năm lên 5%/năm áp dụng cho gói ‘’Tài Lộc’’, lĩnh lãi cuối kỳ. Đối với kỳ hạn gửi trên 6 tháng, ACB cũng điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,3 - 0,5 điểm phần trăm. Đối với sản phẩm tiết kiệm “Chọn sống mới, chọn chất tôi”, lãi cuối kỳ, lãi suất 6 tháng lên 6,4 - 6,7%/năm, 9 tháng lên 6,6 - 6,9%/năm, 12 tháng lên 6,5 - 6,8%/năm và mức lãi suất cao nhất là 7,3%/năm ở kỳ hạn 15 - 16 tháng…
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng thực hiện tăng lãi suất huy động từ 0,5 - 1,1%/năm ở các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tăng lên 4,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng lên 4,7%/năm, kỳ hạn 6 tháng lên 6%/năm, kỳ hạn 9 tháng lên 6,1%/năm, kỳ hạn 12 tháng lên 6,3%/năm. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất của nhà băng này ở mức 6,7%/năm.
Từ ngày 23/9, ngân hàng SHB công bố biểu lãi suất mới, theo đó lãi suất tiền gửi đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng được điều chỉnh lên mức tối đa 0,5%/năm. Kỳ hạn gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, tăng lãi suất thêm 0,8 - 0,9 điểm phần trăm so với trước đó, đưa mức lãi suất lên dao động từ 4,4 - 4,8%. Đối với các kỳ hạn gửi dài hơn, mức lãi suất huy động đồng loạt tăng thêm 0,4 - 0,5 điểm phần trăm so với trước đó.
Tại ngân hàng KienlongBank, cũng áp dụng mức lãi suất huy động tiền gửi mới đối với khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Theo đó, nhà băng này đã tăng lãi suất từ 0,3 - 1%/năm tùy từng kỳ hạn gửi. Đối với những kỳ hạn gửi ngắn dưới 6 tháng (từ 1 tháng đến 5 tháng), lãi suất tiền gửi cao nhất tại ngân hàng này tăng từ 4% lên 5%/năm.
Đặc biệt, các khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng ngân hàng KienlongBank điều chỉnh lãi suất tăng 0,3% lên 0,5%/năm. So với mặt bằng chung trên thị trường, lãi suất tiền gửi tại ngân hàng KienlongBank ghi nhận ở mức cao. Với mức lãi suất này, KienlongBank lọt top các ngân hàng có mức lãi suất hấp dẫn nhất trong tháng 9 này.
Một ngân hàng khác cũng nhanh chóng thực hiện tăng lãi suất huy động sau động thái mới của Ngân hàng Nhà nước là Ngân hàng Bắc Á. Đối với kỳ hạn dưới 1 tháng, lãi suất tiết kiệm của nhà băng này tăng lên cao nhất là 0,5%/năm. Các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, lãi suất tăng thêm từ 0,5 - 0,8 điểm phần trăm, mức lãi suất mới dao động từ 4,5 - 4,8%/năm. Đối với các kỳ hạn trên 6 tháng, mức lãi suất tăng thêm 0,2 - 0,3 điểm phần trăm.
Hiện mức lãi suất tiền gửi cao nhất của Ngân hàng Bắc Á là 7,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn gửi 13, 15, 18, 24 và 36 tháng, lãi lĩnh cuối kỳ.
Cách tính lãi suất khoản tiền gửi trước 23/9
Quyết định số 1606 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực áp dụng từ ngày 23/9, do đó không ít người dân có thắc mắc về khoản tiết kiệm đã gửi tại ngân hàng trước thời điểm này sẽ tính lãi suất như nào.
Anh Hà vừa gửi tiết kiệm 500 triệu tại ngân hàng, với mức lãi suất 4%, đối với kỳ hạn 1 tháng. Số tiền lãi bạn nhận được khoảng 1,67 triệu VNĐ. Anh băn khoăn trường hợp, nếu không thể đến ngân hàng tất toán tiền đúng thời hạn và mở gói tiết kiệm tiếp, thì lãi suất sẽ tính 4% hay 5%/năm hay là một mức lãi suất khác cao hơn lãi cũ?
Đối với vấn đề này, nội dung tại Quyết định 1607 của Ngân hàng Nhà nước lưu ý, nếu gửi tiền trước thời điểm quyết định có hiệu lực, thì lãi suất vẫn áp dụng mức cũ.
Trường hợp, nếu hợp đồng gửi tiền tiết kiệm đã hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại Quyết định này.
“Đối với lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, được thực hiện cho đến hết thời hạn; trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại quyết định này”, Điều 2, Quyết định 1607/QĐ-NHNN nêu rõ.
Như vậy, anh Hà và các khách hàng có băn khoăn tương tự có thể yên tâm nếu khoản tiền gửi đến hạn không tất toán thì sẽ được tái tục kỳ hạn mới với lãi suất theo quy định mới.