Thị trường hàng hóa bị ảnh hưởng ra sao sau khi Fed nâng lãi suất?
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chuyên gia Phân tích của Công ty Đầu tư Hữu Nghị chia sẻ tại chương trình "Bí mật đồng tiền" rằng đối với thị trường hàng hóa thì thông tin này vui nhiều hơn buồn, bởi lẽ bản chất của thị trường hàng hóa là giao dịch cả mua bán và bán khống.
Bởi vậy, các nhà đầu tư đều có cơ hội dù các mặt hàng tăng hay giảm. Trên thực tế, không có gì là quá xấu hay quá tối với hàng hóa, điều quan trọng vẫn là chiến lược và phương pháp của nhà đầu tư.
Theo nhận xét của ông Tuấn, nếu nhìn lại thì mặt hàng dầu hay kim loại quý là hai loại bị ảnh hưởng nhiều vì những yếu tố liên quan đến chính trị và tiền tệ. Sau cuộc họp của Fed, rất có thể dầu sẽ có một nhịp điều chỉnh rồi mới tạo vùng giá cân bằng. Trong khi, khí đốt có thể là mặt hàng “miễn nhiễm” vì vốn đang bị ảnh hưởng bởi cung cầu và xung đột giữa Nga và Ukraine.
Đáng chú ý, thị trường hàng hóa có lúa mì dù đã tạo đỉnh và giảm nhiều nhưng đã có một phiên hồi lại đáng để vào hôm 21/9. Như vậy, những mặt hàng nông sản liên quan tới chiến tranh miễn nhiễm với thông tin về tiền tệ nhưng bị tác động bởi cung cầu và thông tin chính trị nhiều hơn.
Theo ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI, nhóm hàng hóa bị ảnh hưởng nhiều nhất từ câu chuyện nâng lãi suất của Fed là hàng hóa bị tài chính hóa.
Bên cạnh đó, với một số mặt hàng của Việt Nam như dầu, mọi người thường kết nối biến động giá dầu qua đêm trực tiếp với mức biến động giá của một số cổ phiếu trong ngành.
Thực tế cho thấy cần tính thêm câu chuyện đó vì xu hướng dài hạn của giá dầu mới tác động đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Bởi lẽ sẽ là câu chuyện không đúng khi xét ví dụ như biến động giá dầu 1 đêm lên tới 10% và cổ phiếu liên quan đến dầu hôm sau cũng phải tăng 10%.
Kinh tế trưởng của Chứng khoán SSI cho biết thị trường hàng hóa thực ra là đầu vào của nhiều doanh nghiệp và cũng có thể là đầu ra ở nhiều trường hợp. Bởi vậy, nhà đầu tư sẽ phân tích báo cáo tài chính và triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp dễ dàng hơn nếu có hiểu biết nhiều về xu hướng và thị trường hàng hóa. Rất khó để nói những thông tin đó là để phục vụ giao dịch hàng ngày.
Chuyên gia nhận định về sự khác nhau giữa thị trường hàng hóa và thị trường chứng khoán rằng giao dịch trên thị trường hàng hóa là phải thức đêm trong khi giao dịch thị trường chứng khoán thì được đi ngủ. Bởi lẽ, ban đêm là thời điểm biến động nhất của thị trường hàng hóa.