Nga đẩy mạnh xuất khẩu thép tới Châu Á để tránh lệnh trừng phạt từ phương Tây
Số liệu thống kê cho thấy, Nga đang chiếm khoảng 10% thương mại thép toàn toàn cầu, còn Ukraine chiếm khoảng 4%. Vì vậy, khi khu vực này bị gián đoạn nguồn cung thép sẽ gây ra sự xáo trộn thị trường toàn cầu. Ngày 26/2 vừa qua, các nước Mỹ, Uỷ ban Châu Âu, Pháp, Đức, Anh, Italia, Canada đã thống nhất tuyên bố chung về việc loại Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu SWIFT. Việc này đã khiến nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo theo nền kinh tế thế giới cũng bị tác động xấu, bao gồm cả các quốc gia đưa ra lệnh trừng phạt.
Nga không phải quốc gia đầu tiên bị loại khỏi SWIFT. Trước đó, các ngân hàng của Iran và CHDCND Triều Tiên cũng bị phương Tây loại khỏi hệ thống này khi EU ra lệnh trừng phạt vì chương trình hạt nhân. Theo đó, Iran đã mất gần một nửa doanh thu xuất khẩu dầu và 30% giá trị thương mại quốc tế. Đến năm 2017, phương Tây mới gỡ bỏ lệnh cấm và đưa Iran trở lại hệ thống SWIFT.
Theo Sputnik đưa tin, có khoảng 300 ngân hàng và tổ chức hàng đầu của Nga đang tham gia hệ thống SWIFT. Trong đó hơn một nửa tổ chức tín dụng Nga có đại diện trong hệ thống và số lượng người dùng nền tảng này đang xếp thứ 2. Biện pháp trừng phạt của Mỹ đã bước đầu tàn phá nền kinh tế và thị trường Nga, ảnh hưởng dễ thấy nhất là đồng Rúp mất giá.
Bên cạnh đó, tại Trung Quốc, các nhà xuất khẩu thép đang rất lo ngại giá thép bị đẩy quá cao, dự đoán xuất khẩu từ Nga bị giảm đi khi các ngân hàng nước này không còn hoạt động trong Swift. Khi xuất khẩu của Nga giảm sẽ dẫn đến nguồn cung thép toàn cầu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Một nhà xuất khẩu thép Trung Quốc cho biết, thời điểm này Nga không cung cấp hàng giao ngay và không có bên nào định mua sản phẩm của Nga. Một nhà kinh doanh khác tại khu vực miền Đông Trung Quốc chia sẻ, việc loại bỏ Nga khỏi Swift đã khiến hàng hóa tăng giá mạnh, bao gồm ngành thép và gây nên lạm phát.
Theo số liệu, hiện giá thép HCR kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải phiên 4/3 ở mức 5.210 CNY/tấn; so với phiên 27/2 đã tăng gần 6%, đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2021. Thép xây dựng cũng tăng mức 5.100 CNY/tấn và thép không gỉ tăng 18.775 CNY/tấn. Việc tăng trưởng này ảnh hưởng từ sự gián đoạn xuất khẩu thép của Nga và Ukraine, khách hàng trên thế giới đã phải tìm đến những nguồn cung thay thế, nổi bật là Trung Quốc - nước sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Vì giá xuất khẩu thép sang khu vực Châu Á trong những tháng qua không cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực nên Nga không phải nước bán nhiều thép nhất vào thị trường Châu Á. Được biết, năm 2021, xuất khẩu thép cây của Nga sang HongKong đã giảm còn 55.000 tấn sau khi đã tăng mức 220.000 tấn trong năm 2020. Thị trường Singapore không ghi nhận doanh số nhập thép cây từ Nga trong năm ngoái.
Các nhà phân tích quốc tế cho rằng, nhà máy Hòa Phát của Việt Nam đã tăng sản lượng thép và bắt đầu cung cấp thép cây sang HongKong và Singapore từ năm ngoái. Đây là yếu tố hỗ trợ thị trường Châu Á trước những sự gián đoạn về nguồn cung thép ngay lập tức từ Nga. Tháng 1/2021, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất được 707.000 tấn thép thô, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng một doanh nghiệp này ghi nhận sản lượng tiêu thụ đạt 631.000 tấn; thép xây dựng chiếm 382.000 tấn, gấp 50% so với tháng 1/2020.
Nguồn cung thép Nga chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong thương mại HRC tại thị trường Châu Á. Việt Nam nhập khẩu khoảng 30.000 tấn thép HRC của Nga mỗi tháng. Khối lượng xuất khẩu thép Nga sang Việt Nam bị hạn chế kể từ tháng 10/2021 vì Việt Nam có thể tự cung cấp đủ nguồn cung trong nước, đáp ứng nhu cầu của mình. Theo thống kê trong tháng 1/2022, Việt Nam nhập khẩu 117.549 tấn sắt thép Nga, trị giá 96 triệu USD. So với tháng 12/2021 đã tăng gần 70%, nhưng giảm 8% so với tháng 12/2020. Nga chỉ đứng ở vị trí thứ 5 trong số những thị trường cung cấp thép lớn nhất vào Việt Nam, chiếm tỷ trọng 11,5% về khối lượng.
Các chuyên gia quốc tế nhận thấy rằng, trong bối cảnh Nga đang sụt giảm xuất khẩu thép HRC sang Châu Âu thì nhiều nhà sản xuất thép Ấn Độ sẽ rời thị trường Châu Á và chuyển sang bán cho các khách hàng phương Tây. Trong năm 2020, Nga đã xuất khẩu 13 triệu tấn thép bán thành phẩm; thị trường Trung Quốc chiếm 6,7% tổng lượng xuất khẩu thép của Nga. Năm 2021, Nga đã xuất khẩu 14,9 triệu tấn thép bán thành phẩm; thị trường Trung Quốc chiếm 5% tổng lượng xuất khẩu thép của Nga.
Có thể thấy, Nga đang tập trung xuất khẩu sang thị trường Châu Á. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa khẳng định các quốc gia đến từ Châu Á bao gồm Trung Quốc có chấp nhận mua sản phẩm từ Nga và giao dịch với các ngân hàng Nga hay không. Một số doanh nghiệp nhập khẩu than luyện cốc ở Trung Quốc vào tuần trước đang quan ngại về việc mua than của Nga trong bối cảnh nền kinh tế nước này không ổn định, dù Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc vào than đá của Nga.
Hoạt động trên thị trường thép Biển Đen đã gần như đứng im từ cuối tháng 2 vừa qua. Nguyên nhân từ các nhà sản xuất phôi thép Ukraine đang hạn chế sản xuất vì các cảng chính bị ngưng hoạt động. Trong khi đó, khách hàng cũng ngần ngại khi giao dịch với các nhà máy Nga vì lo sợ các lệnh trừng phạt sắp tới. Một số khách hàng đã chuyển sang nhập khẩu hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ.