Một năm khó khăn khiến nhiều nhân viên bất động sản mất việc
Theo Cafeland, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) hồi đầu tháng 12/2023 đã được Quốc hội phê duyệt với nhiều nội dung được cho là sẽ khiến lực lượng môi giới sụt giảm đáng kể. Chẳng hạn như cá nhân hành nghề cần có chứng chỉ, hay phải làm việc cho một đơn vị kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản hay một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, thị trường lao động hiện nay đã chứng kiến lượng nhân viên bất động sản “rơi rụng” gần hết mà chưa cần chờ Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực chính thức.
Vào tháng 11, chị Y, trưởng phòng truyền thông của một công ty địa ốc trụ sở tại Bình Dương đã nộp đơn xin nghỉ việc. Chị đã quyết định chuyển sang làm trong mảng công nghệ sau 7 năm gắn bó với ngành.
Chị Y cho biết chưa khi nào nhận được đủ tiền lương trong 8 tháng qua. Doanh số không có, dự án không bán được và công ty phải cắt giảm 30% nhân viên bất động sản vào đầu năm, Những nhân viên còn lại thì phải đảm đương khối lượng công việc lớn hơn, song chỉ được nhận 50% lương và không có hoa hồng. Chị Y cho biết gia đình chị mỗi tháng vẫn phải trả ngân hàng khoản vay mua nhà gần 25 triệu đồng, chưa kể phí sinh hoạt. Do gồng gánh mãi mà không đi tới đâu nên chị đã quyết định đổi việc.
Anh D, giám đốc kinh doanh của một công ty bất động sản có quy mô nhân sự lớn tại TP HCM cũng vừa nghỉ việc trong ngành để chuyển sang mảng thương mại điện tử kể từ đầu tháng 12. D đã cố cầm cự trong hơn 1 năm nhưng thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, việc bám trụ lại cũng không có được thu nhập ổn định. Do đó, D không tính nhảy việc trong 3 năm tới và cũng không có dự định quay lại ngành bất động sản.
Trong khi đó, H, trưởng bộ phận kinh doanh ở sàn giao dịch trụ sở quận 3, TP HCM đã phải đi làm hồ sơ trợ cấp thất nghiệp kể từ tháng 7 dù không thuộc nhóm nhân viên bất động sản bị công ty cho nghỉ. Công ty nợ lương, bảo hiểm và hoa hồng cũng chưa thể thanh toán được. Từ giữa năm tới nay, H “sống” nhờ phí hoa hồng được trả bởi khách hàng khi sang tay dự án cũ. Thời gian gần đây, H đã chuyển hẳn sang mảng tư vấn sức khỏe và quyết định sẽ gắn bó lâu dài với lĩnh vực này.
Những trường hợp trên chỉ là số ít trong vô vàn nhân viên bất động sản rời khỏi thị trường trong năm 2023.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, có khoảng 70% môi giới tính đến đầu tháng 12 đã bỏ nghề, nghỉ việc. Từ con số 300.000 môi giới, mà hiện còn chưa tới 100.000 người đang hoạt động. Có gần 9% nhân viên bất động sản đã bị giảm thu nhập từ cuối năm 2022 đến nửa đầu năm 2023. Trong đó, có 14% có thu nhập sụt giảm từ 20-30%, hơn ½ sụt giảm 30-40%, và có khoảng 5% giảm trên 50% thu nhập.
Theo một khảo sát lương năm 2023 được công bố mới đây bởi Navigos Group, thu nhập nhân sự quản lý ngành xây dựng và bất động sản đã sụt giảm đáng kể, có nhiều vị trí ghi nhận mức giảm một nửa, thậm chí là giảm 2 lần so với thời điểm cách đây 2 năm, Với đội ngũ môi giới bất động sản, mức lương cơ bản 3,5-5 triệu đồng/ tháng, tính tiền phụ cấp, hoa hồng dao động từ 7-10 triệu đồng. Đối với những người làm lâu năm, mức thu nhập là 20-30 triệu đồng. Tuy nhiên, đa số đều rất ít môi giới được nhận đủ hoa hồng và lương thưởng trong năm 2023.
Sự sụt giảm mạnh của nhân viên bất động sản khiến thị trường này càng đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng trong những năm tới. Theo khảo sát thực hiện vào tháng 9 của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Đất Xanh Services với nhóm môi giới đã nghỉ việc, chỉ có khoảng 38% có dự định trở lại khi thị trường hồi phục. Và có 24% trong số họ phân vân, và 27% cho biết đã chuyển nghề thì sẽ không quay trở lại công việc cũ.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nhân lực là một trong 3 thách thức lớn mà thị trường bất động sản đang đối mặt năm 2023, cùng với dòng tiền và thị trường đầu ra. Nhân lực bất động sản trong năm 2023 đã biến động mạnh cả về chất và lượng. Sự biến đổi này đặt ra thách thức lớn đối với các công ty để duy trì bộ máy hoạt động và giữ chân người tài, kéo lực lượng nhân viên môi giới trở lại khi thị trường bất động sản trở lại đà hồi phục.
Ông Lực nhận xét, ngành này vốn đã rất thiếu nhân sự có năng lực và tay nghề. Quy định về hành nghề thời gian tới sẽ gắt gao hơn và nếu không tính tới việc xây dựng đội ngũ từ thời điểm này, thì bất động sản có nguy cơ sẽ “khát” lao động trong những năm tới.
Trong khi, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường năm 2024 sẽ mở ra nhiều cơ hội khi các vấn đề về cơ bản đã được xử lý. Với việc Quốc hội phê duyệt Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, sự góp mặt của Luật Đất đai sửa đổi trong tương lai sẽ là cơ sở để hoạt động của môi giới trở nên chất lượng hơn.
Việc một số môi giới bỏ nghề được xem là cơ chế sàng lọc tự nhiên, đem lại sự công bằng cho thị trường đối với những người trau dồi đủ kinh nghiệm và kỹ năng. Ngoài ra, trước khi luật có hiệu lực thì đây cũng là cơ hội tốt để môi giới bất động sản có thêm thời gian cải thiện kiến thức và năng lực của mình. Đối với doanh nghiệp, cách để khẳng định vị thế thương hiệu trên thị trường và uy tín với khách hàng chính là xây dựng bộ máy nhân viên bất động sản giỏi cả về chuyên môn, có tâm và có tầm.