MoMo chuyển nhượng 4,41 triệu cổ phiếu của Chứng khoán CV, tương đương 49% vốn điều lệ
BÀI LIÊN QUAN
6 tháng đầu năm, doanh thu của Vinataba đạt hơn 12.838 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 94 triệu USDTwitter ngầm khẳng định doanh thu thậm tệ của công ty là vì Elon MuskDoanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Nhựa Tiền Phong 6 tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳNhư đã đưa tin, CTCP Dịch vụ di động trực tuyến (viết tắt: M_Service) vừa công bố việc hoàn tất nhận chuyển nhượng 4,41 triệu cổ phiếu, tương đương 49% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần (CTCP) Chứng khoán CV (CVS). Được biết, giao dịch đã được thực hiện vào ngày 9/6/2022.
M_Service được biết đến là công ty chuyên hoạt động về lĩnh vực thanh toán trên di động (mobile payment) dưới thương hiệu MoMo. Sau khi thâu tóm 49% vốn điều lệ của Chứng khoán CV, MoMo chính thức trở thành ty fintech tiếp theo tại Việt Nam thâu tóm một công ty chứng khoán, chỉ sau Finhay.
Trước đó, nhóm Finhay cũng đã tiến hành thâu tóm thành công CTCP Chứng khoán Vina (Vina Securities). Chỉ ít ngày sau khi Vina Securities được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đồng ý chấm dứt tình trạng đình chỉ hoạt động, thông tin Finhay thâu tóm Vina Securities được chính nhà sáng lập Finhay là ông Nghiêm Xuân Huy công bố trên trang cá nhân.
Điều đáng nói, CTCP Chứng khoán Thiên Việt (Mã CK: TVS) chính là công ty chứng khoán đứng phía sau sự phát triển của cả MoMo và Finhay. Tính đến cuối quý đầu năm nay, TVS ghi nhận giá gốc cho các khoản đầu tư vào M_Service là 27,8 tỷ đồng và Finhay Việt Nam là 62,4 tỷ đồng.
Sau khi M_Service - đơn vị sở hữu ví điện tử MoMo - từng được định giá lên tới 2,27 tỷ USD còn Finhay cũng là ứng dụng đầu tư, tích luỹ phổ biến tại Việt Nam, điều này càng khiến nhiều người tin rằng, các khoản đầu tư trên của TVS có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, CVS được thành lập vào năm 2009, có tiền thân là Công ty Chứng khoán Hồng Bàng, sau đó đổi tên thành CTCP Chứng khoán Hưng Thịnh. Đáng chú ý, ông Nguyễn Kim Hậu là đối tác chuyển nhượng cổ phần CVS cho M_Service, đồng thời cũng là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc của công ty chứng khoán này.
Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT CVS Jia Minghui nắm giữ 44,44% vốn điều lệ công ty. Được biết, số cổ phần này được chuyển nhượng từ Viet Ocean Securities (International) Financial Holdings Co., Ltd vào ngày 5/5/2022 vừa qua.
Năm 2021, CVS lần đầu tiên ghi nhận lãi trở lại sau nhiều năm chìm trong thua lỗ. Cụ thể, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế là 0,164 tỷ đồng. Thế nhưng tính đến cuối năm 2021, CVS vẫn ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên tới 79,8 tỷ đồng. Con số này tương đương với 88,67% vốn góp của chủ sở hữu.
Không chỉ có các nhà đầu tư trong nước, MoMo và Finhay phát triển còn có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Mới tháng 1 năm nay, M_Service đã tăng vốn điều lệ từ 153,7 tỷ đồng lên 170,6 tỷ đồng. M_Service có tới 20 cổ đông ngoại, chiếm 74,8% vốn điều lệ.
Bắt tay với siêu ứng dụng Gojek
Trước đó, MoMo cũng đã có màn hợp tác ấn tượng với “ông lớn” Gojek, trở thành ví điện tử đầu tiên được tích hợp trên ứng dụng Gojek tại Việt Nam. Sau màn hợp tác này, nền tảng thanh toán MoMo có thể tiếp cận một nhóm khách hàng mới, giúp hệ sinh thái mở rộng hơn. Bù lại, Gojek cũng có thể tiếp cận 31 triệu khách hàng của MoMo.
Cụ thể, MoMo và ứng dụng gọi xe Gojek đã chính thức có màn hợp tác vào ngày 14/3 vừa qua. Từ đây, người dùng sử dụng Gojek dễ dàng trả cuốc xe chỉ bằng một vài thao tác liên kết ví đơn giản. Họ cũng có thể thanh toán sử dụng các dịch vụ gọi xe công nghệ trực tuyến GoRide (xe máy), GoCar (ô tô), giao đồ ăn trực tuyến GoFood và giao hàng GoSend.
Cú bắt tay giữa 2 ông lớn này mang đến nhiều ý nghĩa chiến lược cho cả đôi bên. MoMo có thể tiếp cận một nhóm khách hàng mới, bởi Gojek Việt Nam hiện đang có khoảng 200 nghìn đối tác tài xế cùng với hàng chục nghìn nhà hàng.
Nhiều năm qua, MoMo không ngừng mở rộng mạng lưới các nhà bán hàng và người dùng thông qua việc chiết khấu và marketing. Đồng thời, ví điện tử này cũng hợp tác với các ông lớn khác như Lazada, Tiki, Apple hay Google để có thể mở rộng tập người dùng một cách nhanh chóng nhanh chóng.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu MoMo hợp tác với các nền tảng vận chuyển. Được biết, ví điện tử này đang là một trong những kênh thanh toán của Be. Trước đây, MoMo cũng từng “bắt tay” với nhiều hãng taxi như Vinasun, Mai Linh. Có thể thấy, MoMo đang khắc phục những hạn chế của mình khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh trong ngành thông qua việc mở rộng và hợp tác với nhiều đối tác lớn.
“Kỳ lân” tỷ USD
Theo thông tin từ tờ Bloomberg, M-Service đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng chóng mặt ở những khu vực nông thôn trên cả nước. Ông Nguyễn Mạnh Tường - đồng sáng lập ví điện tử MoMo cho biết, tới thời điểm hiện tại họ vẫn chưa có kế hoạch nào về việc mở rộng ra thị trường quốc tế.
Thực tế, rất nhiều người dân ở các vùng nông thôn phải đi tới vài chục cây số để có thể thanh toán các hóa đơn. Chính điều này đã khiến dịch vụ thanh toán của MoMo ngày càng trở nên hấp dẫn vì độ tiện lợi hiếm có. Nhiều số liệu chỉ ra, có tới 40% người dùng của MoMo hiện đang sinh sống bên ngoài các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Hiện tại, công ty vẫn đang tập trung vào việc mở rộng các dịch vụ, chú trọng thị trường trong nước và chưa có bất kỳ kế hoạch IPO nào, cũng không có tham vọng vươn ra thị trường quốc tế.
MoMo là viết tắt của Mobile Money, được thành lập vào năm 2007 như một nhà phân phối thẻ nạp điện thoại di động. Sau khi nhận ra cơ hội có thể tận dụng lợi thế của việc điện thoại di động ngày càng ăn sâu vào cuộc sống, công ty đã cho ra mắt ứng dụng chuyển tiền cho điện thoại phổ thông, đồng thời sắp xếp lại một phần mạng lưới đại lý - những nơi trước đây bán thẻ nạp điện thoại vào mảng kinh doanh thanh toán. Ứng dụng ngày càng trở nên phổ biến đối với người tiêu dùng khi nhiều người đã thay thế những chiếc điện thoại phổ thông bằng điện thoại thông minh.
Năm 2014, công ty này bắt đầu triển khai ví điện tử cho điện thoại thông minh; sau đó tiếp tục mở rộng thành một siêu ứng dụng với nhiều dịch vụ như mua vé xem phim, mua bảo hiểm, vé máy bay, rồi đi chợ online… Sau khi huy động được 200 triệu USD từ nhiều nhà đầu tư khác nhau, MoMo trở thành startup được định giá vượt 2 tỷ USD.
Với lợi thế là người tiên phong, MoMo có đủ thời gian để có thể xây dựng mối quan hệ với hàng chục nghìn cửa hàng offline, đồng thời kết nối chúng với công nghệ chuyển tiền giữa các tài khoản ngân hàng. Thời điểm hiện tại, MoMo chiếm 60% thị phần thanh toán di động của Việt Nam và xử lý 14 tỷ USD giao dịch mỗi năm cho hơn 25 triệu người dùng.