"Nỗi đau" nghề môi giới (bài 8): Những khó khăn ít người biết
BÀI LIÊN QUAN
Mới mua nhà lại bị môi giới bất động sản gọi hỏi “có bán nhà hay không”?Thị trường trầm lắng, môi giới bất động sản có nguy cơ bỏ nghềTrước đây, môi giới bất động sản được nhận diện bằng tên gọi khá quen thuộc là “cò”. Mỗi khu vực dự án đều có rất đông “cò nhà đất” hoạt động. Với nhiều người, đây không hẳn là nghề tay trái mà thực chất là công việc mang lại thu nhập chính. Đứng ở vị trí trung gian, có nhiệm vụ kết nối người mua với người bán để thực hiện các hoạt động có thể là mua bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản,... người làm nghề này phải tìm kiếm đồng thời cả bên người bán và người mua. Bằng các kỹ năng nghề nghiệp, những người làm “cò” tư vấn, tiếp thị, quảng cáo, đưa sản phẩm của người bán đến những người có nhu cầu ở hoặc đầu tư. Từ đó, kết nối cung – cầu để đưa ra những thỏa thuận cuối cùng.
Qua thời gian, khi thị trường bất động sản phát triển hơn với nhiều dự án được ra mắt, thì “cò đất” được đổi sang cái tên gọi khác chuyên nghiệp hơn là môi giới bất động sản. Cùng với đó, mức độ chuyên nghiệp ngành nghề cũng được tăng lên ở mức cao hơn. Muốn trở thành một nhân viên môi giới bất động sản, phải đáp ứng được các yếu tố sau: có chứng chỉ nghề nghiệp, kỹ năng mềm, khả năng chịu đựng áp lực cùng với các kiến thức chuyên môn về kinh tế, pháp luật, thị trường,...
Đối với những người làm môi giới, khách hàng luôn luôn được đặt ở vị trí ưu tiên, chỉ cần khách hàng gọi điện, nhắn tin là lập tức gọi lại ngay. Chỉ cần khách hàng có nhu cầu xem đất xem nhà thì dù nắng hay mưa cũng không phải vấn đề, bởi với những nhân viên môi giới, phương châm của họ là “khách hàng còn hơn cả thượng đế”. Nhiều người trong nghề vẫn nói vui rằng, “môi giới có thể ăn mì tôm nhưng tiền điện thoại thì không bao giờ được thiếu, môi giới có thể thiếu tiền thuê nhà, nhưng quần áo lúc nào cũng phải đẹp đẽ, lịch sự”. Bởi, ăn mặc gọn gàng, đẹp đẽ thì mới có thể tạo thiện cảm với khách hàng. Để thu hút khách hàng cũng như tạo được lòng tin, môi giới thường phải tự định vị cho mình một hình ảnh đẹp, sáng quần áo là lượt ra đường, tối về nhà như một doanh nhân, mặc cho có thể cả ngày hôm đó không hề có doanh thu.
Thậm chí, nhiều môi giới cho biết, có những thời điểm khó khăn, cả tháng không hề bán được bất cứ sản phẩm nào, đồng nghĩa với việc thu nhập tháng đó hầu như là không có. “Sau khi đã trừ hết các khoản chi phí xăng xe, đi lại, tiền điện thoại, tiền quan hệ khách hàng thì không còn dư ra được đồng nào”.
Môi giới làm “bia đỡ đạn” cho chủ đầu tư
Trong suy nghĩ của nhiều người, môi giới bất động sản là nghề “ làm vài tháng ăn cả năm” nhưng mấy ai hiểu được rằng nghề nào cũng sẽ có những góc khuất, những nỗi khổ khó có thể giãi bày. Qua tâm sự của những nhân viên môi giới, phần lớn họ đều bày tỏ rằng, ngoài làm nghề môi giới họ còn kiêm luôn công việc “bia đỡ đạn” cho nhà đầu tư. Trong khi trên thực tế họ chỉ là những người bán hàng, khi hai bên mua – bán hoàn thành giao dịch cũng là lúc người môi giới hoàn thành công việc, thế nhưng khi xảy ra sự việc thì khách hàng chỉ tìm môi giới để “chửi bới, trách móc”. Chính vì thế, nếu như không đủ kiến thức cũng như sự tỉnh táo để giải quyết vấn đề thì người làm môi giới sẽ không đủ sức để vượt qua những áp lực của công việc.
Anh Hùng, một môi giới bất động sản tại Hà Nội chia sẻ, phần lớn môi giới thường là những người làm nghề tay ngang. Thậm chí nhiều người chỉ tốt nghiệp THPT nên thực tế kiến thức ngành nghề của họ không nhiều. Bước vào nghề với kinh nghiệm gần như bằng không, thông qua thời gian được chủ đầu tư và các sàn đào tạo, môi giới dần trở thành người bán hàng linh hoạt, ăn nói lưu loát. Nhưng đa phần họ cũng chỉ nói những gì nghe được từ chủ đầu tư hoặc nhận thông tin từ công ty phân phối độc quyền mà hầu như không đủ khả năng nhận biết tính an toàn của một dự án, những rủi ro khách hàng có thể gặp phải.
“Chủ đầu tư nói dự án đã đủ pháp lý, đủ sổ, cứ yên tâm mà bán, họ khẳng định với chúng tôi là không có lùm xùm gì xảy ra nên mọi người cũng giới thiệu đến khách hàng, vì hầu như đấy là những vấn đề cốt yếu mà khách hàng quan tâm. Còn thị trường có rất nhiều lý do bất khả kháng không thể lường trước được, khi sự việc xảy ra chính môi giới chúng tôi cũng không thể tính toán được, kể cả những người đã làm lâu năm. Trong khi đó, không may nhà cửa có vấn đề, thì khách chỉ kiếm chúng tôi, cho rằng môi giới lừa đảo, bán hàng không có tâm, bán chỉ để lấy tiền hoa hồng rồi ‘phủi trách nhiệm’”, anh Hùng cho hay.
Cũng theo anh Hùng, khi dự án xảy ra lùm xùm về pháp lý hoặc không hoàn thành tiến độ như kỳ vọng, thay vì tìm quản lý dự án thì khách hàng lại trách móc môi giới. Bởi họ tìm chủ đầu tư phải qua nhiều bước, nhiều đơn thư rất phức tạp… nên trước mắt khách hàng tìm môi giới để xả giận.
Nghề bấp bênh
Quan niệm môi giới là nghề lắm tiền nhiều của, được ăn ngon mặc đẹp hình như đã sâu vào suy nghĩ của xã hội. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để bán được hàng, người môi giới cũng gặp khá nhiều khó khăn và áp lực.
Mặc dù hoa hồng nhận được từ các sản phẩm thường khá cao, tính bằng tiền chục, tiền trăm, nhưng tỷ lệ cạnh tranh ở nghề là rất lớn, đồng nghĩa với việc tỷ lệ thực hiện thành công các giao dịch là không thường xuyên. Để bán được 1 sản phẩm, môi giới phải chật vật chạy vạy khắp nơi để tìm kiếm khách hàng. Chỉ cần có khách hàng quan tâm, môi giới sẵn sàng “phi xe” từ đầu Đông đến đầu Tây chỉ để gặp gỡ khách hàng, tư vấn về sản phẩm. Tuy nhiên, tư vấn chỉ là những bước đệm ban đầu, khoảng cách từ đấy đi đến bước cuối cùng chốt được sản phẩm còn cách một khoảng rất xa với nhiều chướng ngại vật. Thậm chí, có những thời điểm môi giới gặp tới 20 khách hàng nhưng cuối cùng vẫn không có ai chốt cọc, với những người theo nghề lâu năm thì việc gặp nhiều khách, tư vấn nhiệt tình, chăm sóc tận tình nhưng khách không “chốt đơn” là điều không có gì bất ngờ.
Một khi thị trường cạnh tranh khốc liệt, thì môi giới càng khó bán sản phẩm hơn. Trong khi trước đó, các chiến dịch truyền thông, quảng bá cho sản phẩm trên mạng xã hội và mạng Internet đã lấy của môi giới một khoản phí không nhỏ, nhưng đây là những chi phí “không chi không được”. Thậm chí, dù bán xong sản phẩm cũng chưa chắc được chủ đầu tư trả phí ngay mà phải chờ thời gian dài.
“Khó khăn khiến chúng tôi nhiều lúc nản chí, muốn bỏ nghề, nhưng một khi đã xác định theo nghề thì cơm áo gạo tiền và cuộc sống gia đình không cho phép mình bỏ cuộc. Khi đất sốt thì công việc dễ thở hơn, nhưng khi thị trường khó khăn, dự án ngày càng ít, số lượng môi giới thì ngày một tăng lên, mức độ cạnh tranh ở nghề này là gay gắt. Nhiều người không hiểu cứ cho là môi giới nhiều tiền, nhưng có khi chúng tôi bán 1 sản phẩm và để dành hoa hồng đó ăn tiêu trong 2 – 3 tháng. Còn trong thời điểm nguồn vốn khó khăn như hiện nay, có những môi giới nửa năm không có đồng thu nhập nào”, chị Mai - một môi giới ở khu vực Hoà Lạc (Hà Nội) cho biết.