Môi giới bất động sản đón Tết "hai không"
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường vẫn khó khăn, chủ đầu tư và môi giới bất động sản "ngậm ngùi" nghỉ Tết sớmMôi giới địa ốc chuyển nghề bán trầm hương, cà phê chờ thị trường ấm lênMôi giới bất động sản liệu có “đổi vận” trong năm 2024?Đón Tết "hai không”
Hơn 10 năm gắn bó với nghề bất động sản, chưa bao giờ anh Nguyễn Văn Hùng (quê Bình Dương) lâm vào tình khó khăn như bây giờ. Tuần trước, công ty của anh thông báo cho toàn bộ nhân viên nghỉ trước Tết 10 ngày không lương, không thưởng.
Ứng tuyển vào vị trí trưởng phòng kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, làm chưa được 1 tháng, anh phải làm kiêm luôn công việc của nhân viên kinh doanh vì công ty không muốn tuyển thêm nhân sự mới. Làm chưa được bao lâu, anh lại bị đày xuống khu vực dự án ở các tỉnh lẻ để đi tư vấn, bán hàng.
Chưa dừng lại ở đó, anh thường xuyên bị cấp trên giao cho những công việc “giời ơi đất hỡi”, không thuộc chuyên môn. Cảm giác đang bị chèn ép và đối xử bất công nhưng anh vẫn gắng gượng đợi đến ngày nhận thưởng Tết.
Tuy nhiên, 10 ngày trước kỳ nghỉ Tết, công ty lấy lý do không có việc nên cho anh và toàn bộ nhân viên nghỉ trước Tết 10 ngày, không lương, không thưởng. “Tôi sốc và buồn lắm. Gắn bó với công ty 1 năm trời nhưng cuối năm lại bị nghỉ không lương, không thưởng. Còn những khoản hoa hồng trước đó, công ty khất qua Tết mới thanh toán”, anh Minh nghẹn ngào nói.
Chung cảnh ngộ, Nguyễn Chí Cường – một môi giới bất động trẻ tuổi mới vào nghề cũng không thoát khỏi tình trạng thất nghiệp vì thị trường khó khăn. Hồi đầu năm 2022, cậu chuyển sang làm môi giới cho một sàn bất động sản, chuyên bán các dự án căn hộ chung cư cao cấp.
Thời gian đầu học việc, chưa có nhiều kinh nghiệm bán hàng, cậu chấp nhận không có thu nhập trong nhiều tháng. Cậu còn phải vay mượn tiền của bạn bè để trang trải. Đến thời điểm thị trường khởi sắc, nhưng cậu chỉ bán được vài căn.
Khi thị trường nhà đất sụt giảm, thanh khoản thấp, công ty làm ăn khó khăn nên bắt đầu tinh giảm nhân sự. Cậu bị điều xuống làm cộng tác viên, không lương, không thưởng, chỉ có tiền hoa hồng khi bán được sản phẩm cho công ty.
Gần cuối năm, cậu vẫn chưa thấy công ty thông báo tuyển dụng lại nên cũng xác định không thể gắn bó lâu dài. Tuy nhiên hiện tại, cậu vẫn gắng gượng đi chào hàng với hy vọng sẽ có khoản hoa hồng để trang trải những ngày cận Tết.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, nhiều doanh nghiệp bất động sản liên tục cắt giảm mạnh đội ngũ nhân sự trong bối cảnh thị trường khó khăn. Đặc biệt, có những công ty chuyên môi giới bất động sản cắt giảm đến hơn 70% nhân sự vì không còn khả năng chi trả lương.
Mới đây, một công ty môi giới bất động sản ở TP Hồ Chí Minh vừa thông báo cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc vì tình hình kinh doanh khó khăn. Giám đốc công ty này cho biết, hơn 6 tháng nay, công ty không hề thu được một khoản tiền này từ hoạt động bán hàng. Đã vậy, công ty còn phải gồng gánh nhiều khoản chi phí để duy trì hoạt động và trả các khoản lãi vay ngân hàng. Áp lực tài chính những ngày cận Tết càng lớn nên công ty đành phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc không lương.
Cái khó của các doanh nghiệp địa ốc
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, bất động sản là ngành duy nhất có số doanh nghiệp thành lập mới đi lùi trong năm 2023. Trung bình mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp địa ốc rơi vào tình cảnh phá sản.
Hầu hết các doanh nghiệp đều phải đối mặt với một số kịch bản như: phá sản, tạm dừng hoạt động, sa thải nhân viên, thu hẹp quy mô, cắt giảm lương, tái cấu trúc,... Các doanh nghiệp may mắn còn tồn tại trên thị trường hầu hết đều xác định tinh thần kinh doanh thua lỗ hoặc lợi nhuận có thể giảm tới 80%-90% so với cùng kỳ các năm trước.
Riêng lực lượng môi giới bất động sản cũng tương tự. Số lượng môi giới phải nghỉ việc hoặc chuyển sang làm song song nhiều việc cùng lúc để có thêm thu nhập ngày càng gia tăng. Tính đến thời điểm 6 tháng đầu năm 2023, có đến 30-40% môi giới phải nghỉ việc (cả chủ động và thụ động). Đến thời điểm cuối năm, tình trạng này cơ bản đã ổn định hơn nhưng vẫn có tới 15%-25% môi giới tiếp tục phải bỏ nghề.
Chia sẻ về câu chuyện thưởng Tết, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng muốn có thưởng để động viên, khích lệ nhân viên làm việc, cống hiến. Tuy nhiên, cái khó là không có tiền vì phần lớn các doanh nghiệp vẫn đang xoay sở, tìm cách “sống sót” qua giai đoạn khó khăn này.
Còn theo ông Phạm Lâm – Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hiện nay, nhiều môi giới bất động sản bị mất việc và phải đón một cái Tết buồn.
Trong năm Covid-19 thứ nhất (2020), các công ty môi giới bất động sản gặp khó khăn nhưng vẫn cố gắng cầm cự. Bước sang năm Covid-19 thứ 2 (2021), họ gần như kiệt quệ về nguồn lực, dẫn đến phải thông báo đóng cửa tạm thời hoặc phá sản. Vì vậy, nhân sự môi giới cũng bắt đầu bước vào cuộc sàng lọc khắc nghiệt hơn trước rất nhiều.
Đồng quan điểm, ông Lê Thành Nhân - Ủy viên Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng nhận định, năm 2023 là một năm nhiều biến động, khó khăn của nghề môi giới bất động sản. Thu nhập chính của môi giới bất động sản chủ yếu đến từ những khoản hoa hồng bán hàng. Tuy nhiên, thị trường địa ốc năm vừa qua quá ảm đạm nên nhiều môi giới bất động sản không thể bán được hàng. Thu nhập không có nên họ phải nghỉ việc, chuyển sang nghề khác để kiếm sống.
Nhưng tình trạng nghỉ việc, chuyển nghề chỉ xảy ra ở một bộ phận môi giới mới vào nghề, có ít kinh nghiệm. Còn những môi giới có kinh nghiệm làm việc lâu năm, chuyên môn cao vẫn có khả năng bán được hàng trong bối cảnh thị trường khó khăn.
“Năm 2024 sắp tới sẽ là một năm dành cho những người làm nghề môi giới giỏi và chuyên nghiệp. Khi số lượng môi giới còn ít thì cơ hội sẽ thuộc về những người làm nghề giỏi và chuyên nghiệp. Tôi nghĩ, những người đang làm nghề môi giới bất động sản cần hiểu và chấp nhận quá trình đào thải này. Muốn không bị đào thải thì bản thân môi giới phải nỗ lực học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình. Mình phải giỏi hơn người khác mới không bị đào thải”, ông Nhân nhấn mạnh.