Mặc các đối thủ e dè, Samsung vẫn bạo tay đầu tư vào chip bán dẫn
BÀI LIÊN QUAN
Nhu cầu chip suy yếu, Samsung ước tính lợi nhuận quý 4/2022 thấp nhất sau 8 năm quaSamsung sắp hoàn thiện kế hoạch chi thưởng năm 2022, có bộ phận thưởng bằng 50% lương cả nămSamsung, LG dẫn đầu xu hướng không tổ chức tiệc tất niên cuối nămNikkei Asia nhận định, Samsung Electronics vẫn tiếp tục mạnh tay để đầu tư vào chip bán dẫn bất chấp lợi nhuận của công ty sẽ bị ảnh hưởng và các đối thủ mạnh như TSMC đang tỏ ra dè dặt trước sự suy thoái của ngành chip.
Trước đó, vào ngày 6/1 vừa qua, Samsung cho biết lợi nhuận của tập đoàn trong quý 4/2022 có thể giảm đến 69%, thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường là 38%. Điều đáng nói, đây được coi là mức giảm tồi tệ nhất của tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc kể từ quý 4/2008 đến nay. Trong một tuyên bố, phía Samsung cho rằng, kết quả lợi nhuận kém là do nhu cầu về bộ nhớ đã giảm quá mức dự kiến.
Trong tổng doanh thu của Samsung, chất bán dẫn chỉ chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, những mảng kinh doanh khác của gã khổng lồ công nghệ này như điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng cũng không thể bù đắp được sự sụt giảm của giá chip trong những tháng gần đây. So với cùng kỳ năm trước, giá bán buôn cho DRAM (vốn được sử dụng trong máy tính cá nhân và máy chủ) đã giảm hơn 40% và đánh dấu sự sụt giảm liên tiếp trong 8 tháng. Điểm chuẩn (Benchmark) cho bộ nhớ flash NAND (thiết bị được sử dụng trong điện thoại thông minh và các thiết bị khác) trong quý 4/2022 cũng đã giảm 14% so với quý liền trước.
Liên quan đến vấn đề này, Akira Minamikawa tại công ty nghiên cứu Omdia, Anh cho biết: “Chi tiêu của người tiêu dùng sẽ không thể phục hồi hoàn toàn cho đến khi ba “cơn gió ngược” là Covid-19, xung đột giữa Nga - Ukraine và lạm phát lắng xuống”. Trước sự suy giảm này, một số nhà sản xuất chip bộ nhớ đang cố gắng kiềm chế chi tiêu vốn. Theo Sanjay Mehrotra - Giám đốc điều hành Micron Technology, giữa cung và cầu tại DRAM và NAND vào tháng trước đã xảy ra sự mất cân bằng khá lớn. Công ty của ông sẽ giảm đầu tư vốn khoảng 40% đối với năm tài chính kết thúc vào tháng 8/2023.
Một đối thủ Hàn Quốc của Samsung là SK Hynix cho biết, trong năm 2023 họ sẽ giảm hơn 50% chi tiêu vốn. Trong khi đó, Kioxia Holdings của Nhật Bản cũng có kế hoạch cắt giảm sản lượng. Đặc biệt, công ty hàng đầu thế giới về sản xuất chip theo hợp đồng là TSMC cũng sẽ cắt giảm đầu tư trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Samsung lại đang đi ngược dòng xu thế này. Dường như, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đang thể hiện quyết tâm về kế hoạch đầu tư của mình. Theo nhiều nhà cung cấp, công ty tiếp tục mua thiết bị mới và chủ yếu dành cho những loại chip tiên tiến. Samsung nhấn mạnh, công ty sẽ tiếp tục chuẩn bị cho sự phục hồi của thị trường tính từ góc độ trung và dài hạn.
Quyết tâm đầu tư trong nghịch cảnh
Tập đoàn này từng nhiều lần cho thấy quyết tâm đầu tư trong nghịch cảnh. Trong nhiều năm, Samsung đã dẫn đầu thị trường bộ nhớ toàn cầu thông qua việc chi tiêu trong khoảng thời gian khó khăn để có thể vượt qua các đối thủ trong thời kỳ bùng nổ tiếp theo. Điều đáng nói, cách đầu tư “lội ngược dòng” sẽ mang đến cho Samsung lợi thế về việc đàm phán giá cũng như lịch trình giao hàng với các nhà cung cấp. Mong muốn của công ty là có thể đảm bảo được thiết bị sản xuất chip tiên tiến trước sự cạnh tranh khốc liệt và có thể bắt kịp TSMC trong mảng này.
Chưa kể, những hạn chế ngày càng cứng rắn của Mỹ đối với các công ty bán dẫn Trung Quốc cũng mang đến cho Samsung cơ hội để đối phó với hàng loạt mối đe dọa tiềm ẩn từ những đối thủ Trung Quốc đang phát triển, điển hình như Semiconductor Manufacturing International Corp. và Yangtze Memory Technologies Corp.
Đáng chú ý, trong thời gian qua chính phủ Hàn Quốc cũng đã có những động thái nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất nội địa. Mới đây, quốc gia này cũng đã công bố kế hoạch về việc mở rộng khấu trừ thuế cho chi tiêu vốn trong công nghệ chiến lược, điển hình như chất bán dẫn và pin. Đồng thời, mức chiết khấu trừ cũng tăng từ 8% lên 15%.
Ngoài ra, Samsung cũng tiếp tục mở rộng tổ hợp sản xuất chip ở Pyeongtaek với tốc độ tăng nhanh chóng mặt. Nhà máy thứ 4 sắp sửa thành hình chỉ vài tháng mà nhà máy thứ ba được thông báo sẽ đi vào hoạt động vào tháng 9 vừa qua. Được biết, theo như dự kiến, kết quả cuối cùng sẽ chứa 6 nhà máy quy mô lớn để có thể trở thành trung tâm sản xuất chip lớn nhất trên thế giới. Chiến lược của Samsung được thực hiện một cách thuận lợi nhờ quy mô đến từ lượng tiền mặt dự trữ.
Thời điểm hiện tại, Samsung đang nắm giữ khoảng 128,8 nghìn tỷ won, con số này tương đương với 101 tỷ USD. Tính đến cuối tháng 9, tiền mặt đang gấp khoảng 10 lần so với các đối thủ SK Hynix hoặc Micron. Điều đáng nói, sự suy giảm kéo dài về nhu cầu bán dẫn trong thời gian qua có thể làm suy yếu vị thế của Samsung vốn tưởng như đã hoàn toàn vững chắc. Việc tăng lãi suất ở Mỹ và châu Âu cộng thêm cuộc chiến ở Ukraine đã ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng và đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, việc tăng sản lượng của Samsung có thể sẽ thúc đẩy thêm nguồn cung chip bộ nhớ.