Lãi suất tiết kiệm chạm mốc 6,2%/năm: Vẫn chưa đủ hấp dẫn để hút dòng tiền nhàn rỗi
BÀI LIÊN QUAN
Nhiều người dân "e ngại" vay mua nhà dù lãi suất đã giảmNgân hàng tích cực phát hành trái phiếu “gồng” lãi suấtLãi suất tăng trở lại nhưng kênh tiền gửi vẫn khó hấp dẫnLàn sóng tăng lãi suất huy động tiếp tục được lan rộng, trong tháng 7 có tới hơn 20 ngân hàng tăng thông báo tăng lãi suất. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã thiết lập mức mới. Trước đó, chỉ tính riêng tháng 6, thị trường ghi nhận 23 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động.
Đã chạm mốc 6,2%/năm
Sau điều chỉnh, mức lãi suất dao động ở mức 3,1% - hơn 6%/năm ở các kỳ hạn 1 – 36 tháng cả có và không điều kiện tiền gửi. Đáng chú ý, nhiều nhà băng còn điều chỉnh lãi suất tăng 2-3 lần chỉ trong một tháng.
Đơn cử, VietBank vừa điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm lần thứ 3 trong tháng. Theo đó, ngân hàng đã tăng thêm 0,1 – 0,3% tại một số kỳ hạn đưa mức lãi suất dao động từ 3,9 – 5,4% (4 – 12 tháng). Lãi suất kỳ hạn 18-36 tháng giữ nguyên ở mức 5,9%/năm.
Cũng điều chỉnh lãi suất lần thứ 3 trong tháng, VIB vừa công bố biểu lãi suất mới, đối với khoản tiền gửi dưới 200 triệu đồng dao động 3,1%/năm – 4,9% đối với các kỳ hạn 1 – 18 tháng. Còn đối với khoản tiền dưới 300 triệu đồng, lãi suất cao nhất là 5,2%/năm ở kỳ hạn 24-36 tháng.
Ghi nhận lần điều chỉnh lãi suất thứ 2 trong tháng trong tháng, Saigonbank tăng thêm 0,3-0,5%/năm cho tất cả các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động của Saigonbank đang niêm yết ở mức 3 – 5,5% cho kỳ hạn 1- 12 tháng; đối với kỳ hạn 18% ngân hàng tăng nhẹ 0,1% lên 5,7%/năm, trong khi lãi suất kỳ hạn 24 và 36 tháng giữ nguyên ở mức lần lượt 5,7% và 5,8%/năm.
Tương tự, ngân hàng số Cake by VPBank đã điều chỉnh tăng 0,1 - 0,3%/năm lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng; lãi suất kỳ hạn 9 - 11 tháng ở mức 5,7%/năm; 12 – 36 tháng tiếp tục được ngân hàng này áp dụng lãi suất cao nhất ở mức 6%/năm. Đây cũng là lần thứ 2 ngân hàng số này tăng lãi suất huy động trong tháng 7.
Gây chú ý nhất phải kể đến ABBank khi tăng lãi suất huy động lên 6,2%/năm đối với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 12 tháng. Hiện, 6,2% là mức lãi suất huy động niêm yết dành cho tiền gửi thông thường (dưới 1 tỉ đồng), cao nhất thị trường. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng điều chỉnh tăng 0,1%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng lên 4,1%/năm.
Cũng có mức lãi suất niêm yết trên 6%, kỳ hạn 24 của NCB và OceanBank đang niêm yết ở mức 6,1%; kỳ hạn 18 tháng của HDBank đang ở mức 6%/năm.
Theo giới phân tích, nguyên nhân việc các ngân hàng liên tục thay đổi lãi suất tiết kiệm thời gian qua đến từ việc tăng trưởng tín dụng đã khởi sắc trở lại khi đạt 6%, các ngân hàng cho vay nhiều hơn nên cần nguồn tiền. Ngoài ra, trong thời gian qua, các kênh khác như chứng khoán, vàng đã “hút” một lượng lớn tiền nhàn rỗi từ kênh tiết kiệm, khiến các ngân hàng cần phải có động thái để duy trì vị thế.
Kênh “bảo chứng” cho sự an toàn
Nhận định về mức bằng lãi suất hiện nay, giới chuyên gia cho rằng, đà tăng sẽ còn kéo dài đến cuối năm nay, bởi nguồn vốn ngân hàng cần cho giai đoạn này để phục vụ sản xuất kinh doanh là rất lớn. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế đến tháng 6/2024 ước đạt 13,575 triệu tỉ đồng, tăng 1,5% so với cuối năm 2023.
Xu hướng lãi suất huy động “ấm” lên cũng có thể trở thành động lực khiến dòng tiền nhàn rỗi quay trở lại ngân hàng, nhất là trong bối cảnh các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu chưa phục hồi rõ nét, còn vàng được đánh giá là nhiều rủi ro do ảnh hưởng của nhiều yếu tố.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Hoàng Phương, chuyên gia tài chính cố vấn quản lý gia sản Công ty CP FIDT nhận định, trong những tháng cuối năm, lãi suất tiết kiệm sẽ tăng nhưng mức độ không nhiều và chưa thực sự hấp dẫn.
Tương tự, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, với nhiều người, tiền gửi vẫn được xem là kênh đầu tư “ổn”, dù lãi suất không cao nhưng lại là “bảo chứng” của sự an toàn, trong khi ở các kênh đầu tư khác, có kênh đầu tư đòi hỏi chuyên môn, khả năng phân tích như chứng khoán, có kênh lại đòi hỏi suất đầu tư lớn như bất động sản.
Đồng quan điểm, TS. Châu Đình Linh - Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, tiết kiệm vẫn sẽ là “hầm trú ẩn” an toàn của dòng tiền hiện tại và trong giai đoạn tới. Đây là kênh phù hợp với mọi người dân, bởi có thể “kê cao gối ngủ” trong bất kỳ tình huống nào.
Đặc biệt cùng với xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, các ngân hàng đã dành nhiều ưu đãi cho kênh gửi tiết kiệm online để thu hút khách hàng với nhiều hình thức như cộng lãi suất, tặng quà... Tuy nhiên, TS. Châu Đình Linh cũng nhấn mạnh lãi suất không phải là yếu tố cạnh tranh duy nhất. Các ngân hàng còn cạnh tranh bằng dịch vụ an toàn, tiện lợi và đa dạng hóa sản phẩm.