Lãi suất qua đêm liên ngân hàng dưới 3%/năm
BÀI LIÊN QUAN
Đỉnh lãi suất đã dần qua, chuyên gia gợi ý nhóm cổ phiếu tiềm năng nên đầu tưGói tín dụng 120 nghìn tỉ đồng cho nhà ở xã hội: Rào cản lớn vì lãi suất cao!Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu sau khi giảm lãi suất điều hànhTheo Vietnamfinance, số liệu mới công bố của Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngày 20/3, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 90 - 95% giá trị giao dịch) đã giảm 0,8 điểm %, mức lãi suất chỉ còn 2,7%/năm. Trong khi đó, mức lãi suất này hơn một tuần trước là 6,22%. Như vậy, mức lãi suất liên ngân hàng đã giảm hơn một nửa. Đây là lần đầu tiên kể từ cuối tháng 8/2022, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm xuống mức 3%/năm.
Lãi suất các kỳ hạn ngắn hơn như 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng đã giảm mạnh xuống còn lần lượt là 3,02%/năm, 3,34%/năm và 5,61%/năm. So với mức cao điểm hồi đầu tháng 3, lãi suất các kỳ hạn này cũng đã giảm 1,94-3,51 điểm %.
Tuần trước (13/3 - 17/3), mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn giảm mạnh, từ 6,22%/năm ở đầu tuần xuống 3,5%/năm vào cuối tuần qua ở kỳ hạn qua đêm. Mức chênh lệch giữa lãi suất VND và USD cũng đảo chiều sang trạng thái âm.
Ghi nhận trong nửa cuối năm 2022, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng dao động ở mức 5 - 6%/năm, thậm chí có thời điểm đạt mức hơn 7%/năm do căng thẳng thanh khoản hệ thống. Từ đầu năm nay, lãi suất qua đêm đã dần hạ nhiệt.
Lãi suất VND liên ngân hàng giảm sâu sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm 1 điểm % đối với một số loại lãi suất điều hành từ ngày 15/3. Cụ thể, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cho biết thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã mua được ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng từ tháng 1/2023 giúp bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước và đưa lượng tiền lớn VND vào lưu thông. Nhận định về động thái giảm lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước cho biết đây là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, thông qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Giới phân tích tài chính cho rằng, việc giảm lãi suất điều hành đánh dấu bước thay đổi chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần. Việc giảm lãi suất này sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc tiếp cận vốn từ Ngân hàng Nhà nước qua các công cụ như cho vay liên ngân hàng, cho vay tái chiết khấu. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm các loại lãi suất trên thị trường.
Bên cạnh đó, trong những tuần gần đây thanh khoản hệ thống ngân hàng đã trở nên dồi dào hơn. Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện thanh khoản của hệ thống đã dồi dào trở lại, vượt khoảng 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc.
Do đó, để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, Ngân hàng Nhà nước đã dừng phát hành tín phiếu mới hút tiền từ tuần trước. Tăng cấp kỳ hạn của các khoản cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) lên tới 28 ngày với mức lãi suất giảm từ 6% xuống còn 5,5%. Tuy vậy, trong 3 phiên 15/3, 16/3 và 20/3, chỉ có 1 thành viên tham gia vay vốn mỗi phiên. Điều này cho thấy thanh khoản hệ thống đang ở trong trạng thái khá dư thừa.
Trong tuần trước, nghiệp vụ thị trường mở được sử dụng với khối lượng khá hạn chế. Ngân hàng Nhà nước không phát hành khối lượng mới nào trên kênh bán tín phiếu sau hơn 1 tháng công cụ này được sử dụng liên tục.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, trên kênh cầm cố, chỉ có 3.100 tỷ đồng được phát hành, trong đó chủ yếu trong những phiên đầu tuần với lãi suất 6% và kỳ hạn 7 ngày.
Tính chung trong tuần từ 13-17/3, Ngân hàng Nhà nước đã đảo chiều bơm ròng gần 52.500 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khối lượng lớn tín phiếu đáo hạn. Khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu giảm còn 110.700 tỷ đồng. Còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố là 3.100 tỷ đồng.
Liên quan đến chính sách điều hành trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát của 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng tới gần sát mức mục tiêu 4,5%; lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao; các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao.
"Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước còn nhiều bất trắc, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất điều hành qua đó góp phần thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi điều kiện thị trường thuận lợi", Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước và quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.