Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, lãi suất huy động có bị ảnh hưởng?
Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh
Cách đây không lâu, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất trên thị trường OMO đã thu hút đông đảo sự chú ý. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước vào ngày 22/5 đã mua có kỳ hạn tín phiếu, đồng thời bơm ra thị trường tổng cộng 25.000 tỷ đồng; lãi suất cho vay cũng đã tăng thêm 0,25 điểm % và lên mức 4,5%/năm.
Điều đáng nói, chỉ trong vòng 1 tháng qua Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất OMO lần thứ hai liên tiếp. Phiên 23/4, nhà điều hành đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá từ mức 4% lên mức 4,25%/năm.
Tính chung cả tuần qua, đã có gần 98.000 tỷ đồng trúng thầu trong kênh cầm cố, đồng thời hơn 7.506 tỷ đồng đáo hạn.
Còn với kênh tín phiếu, có tổng cộng 2.700 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất cũng tăng dần qua các phiên, từ mức 3,85% ở phiên đầu tuần lên con số 4,2%/năm ở phiên cuối tuần. Trong tuần qua, tổng cộng 11.400 tỷ đồng đã được đáo hạn.
Tức là, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tuần vừa qua đã bơm ròng ra thị trường tổng cộng 99.165 tỷ đồng bằng kênh thị trường mở. Ngoài ra, lãi suất thị trường liên ngân hàng cũng tăng mạnh cùng động thái tăng lãi suất OMO. Cụ thể, tính đến thời điểm ngày 24/5, lãi suất VND liên ngân hàng đang được giao dịch ở quanh các mức là: Qua đêm 5,15% (tương ứng tăng 1,20 điểm %); 1 tuần là 5,28% (tăng 1,06 điểm %); 2 tuần là 5,35% (tăng 0,95 điểm %); 1 tháng là 5,45% (tăng 0,80 điểm %). Bên cạnh đó, doanh số giao dịch thị trường liên ngân hàng ở quanh vùng 330.000 tỷ đồng/phiên - một con số khá cao.
Nhiều người đánh giá, lãi suất OMO tăng là động thái để ứng phó diễn biến căng thẳng của tỷ giá. Thời gian gần đây, áp lực tỷ giá vẫn khá lớn dù không còn ‘nóng bỏng’ như 1 tháng trước. Tuần qua, NHNN cũng đã điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm ở tất cả các phiên. Tỷ giá trung tâm ngày 24/5 đang được niêm yết ở mức 24.264 VND/USD, so với phiên cuối tuần trước đó đã tăng 25 đồng. Tỷ giá liên ngân hàng tăng cũng bám sát tỷ giá trần của Ngân hàng Nhà nước khi đóng cửa tuần ở mức 25.477 VND/USD.
Lãi suất huy động ra sao?
Đối với thị trường dân cư, hàng loạt ngân hàng trong tuần qua đã có động thái tăng lãi suất huy động.
Đơn cử là Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) mới đây đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm với mức tăng 0,2 điểm % cho mọi kỳ hạn. Thời điểm hiện tại, lãi suất tiết kiệm của NCB đang dao động trong khoảng 3,4%-5,9%/năm cho các kỳ hạn 1-18 tháng. Đây là lần thứ hai NCB tăng lãi suất tiết kiệm kể từ đầu tháng.
Ngày 23/5, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm cho kỳ hạn 6 tháng, lên mức 4,7%/năm và là mức lãi suất tiết kiệm cao nhất của ngân hàng này.
Trong tuần qua, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã điều chỉnh lãi suất 2 lần liên tiếp. Ngày 22/5, ngân hàng hạ lãi suất tiết kiệm với kỳ hạn 12 tháng. Mức lãi suất dao động trong khoảng 2,6%- 5,7%/năm với các kỳ hạn từ 1-24 tháng áp dụng cho khoản tiền gửi dưới 500 triệu đồng. Lãi suất tiết kiệm đã lần lượt tăng 0,1% và 0,15% với tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu cho đến dưới 1 tỷ và từ 1 tỷ trở lên. Trước đó 1 ngày (tức ngày 21/5), MB đã điều chỉnh tăng lãi suất trung bình 0,1-0,4 điểm % đối với kỳ hạn từ 1-15 tháng.
Tuần qua, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm với một số kỳ hạn. Trong đó, lãi suất tiết kiệm trực tuyến cho kỳ hạn 1 tháng đã tăng 0,3%, lên mức 2,8%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3-5 tháng tăng 0,1% lên 3,1%/năm, các kỳ hạn còn lại lãi suất giữ nguyên. Hiện tại, mức lãi suất cao nhất của VIB là 5,1%/năm với kỳ hạn 24-36 tháng.
Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) đầu tuần qua cũng điều chỉnh tăng mạnh lãi suất, mức tăng 0,3% với những kỳ hạn từ 1-18 tháng. Như vậy, lãi suất tiết kiệm online đối với khách hàng cá nhân dao động trong khoảng 3,25%/năm - 6,2%/năm với các kỳ hạn từ 1-18 tháng.
Tính từ đầu tháng 5 đến hết tuần vừa qua đã có tổng cộng gần 20 ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, đó là: ACB, VIB, VPBank, HDBank, MB, GPBank, NCB, ABBank, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank và Viet A Bank.
Dễ dàng thấy được, hầu hết các ngân hàng đều tăng lãi suất đầu vào trở lại, mức tăng cao nhất hiện đang được áp dụng là 6,2%/năm với kỳ hạn dài. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động nói chung vẫn đang rất thấp, chứng tỏ áp lực thanh khoản hiện chưa quá lớn. Trong thời gian tới, dự báo lãi suất huy động có thể tăng nhiều hơn trong bối cảnh tín dụng phục hồi mạnh mẽ hơn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Đức Quang - Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định, mặt bằng lãi suất hiện nay đang ở mức thấp kỷ lục. Cùng việc tín dụng có xu hướng phục hồi vào quý II năm nay, lãi suất tiết kiệm có thể tăng thêm 0,5%-1%.
Đồng quan điểm, các chuyên gia MBS dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể tăng 50-70 điểm cơ bản trong nửa sau năm 2024, về mức 5,1%-5,3%. Tuy nhiên, lãi suất đầu ra sẽ duy trì ở mặt bằng hiện tại khi mà các cơ quan quản lý cùng ngân hàng thương mại vẫn đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn./.