"Kỳ lân công nghệ" VNG chào sàn UPCoM vào ngày 5/1 với giá 240.000 đồng/cp, từng được định giá tỷ đô giờ chưa đầy 350 triệu USD
BÀI LIÊN QUAN
Trước thềm lên sàn, Hội đồng quản trị của 'kỳ lân' VNG xuất hiện 4 nhân tố mớiVNG úp mở về kế hoạch niêm yết sàn Mỹ: “Chúng tôi muốn trở thành một công ty công nghệ toàn cầu”VNG muốn chào bán hơn 7 triệu cổ phiếu quỹ trước thềm lên UPCoMThông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, CTCP VNG đã đăng ký giao dịch 35,8 triệu cổ phiếu VNZ trên sàn Upcom bắt đầu từ ngày 5/1/2023, trong đó có 28,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành và 7,1 triệu cổ phiếu quỹ.
Được biết, mức tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu VNZ là 240.000 đồng/cổ phiếu. Nếu tính theo mức giá này, VNZ có vốn hóa là 8.592 tỷ đồng (tương đương chưa đến 350 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức định giá tỷ USD của VNG trước đây).
Bản công bố thông tin cho biết, tại ngày 28/11/2022, VNG có 3 cổ đông lớn là VNG Limited (có trụ sở tại Cayman Islands) nắm 49% vốn điều lệ (tức 61,1% số cổ phiếu đang lưu hành); Công ty Cổ phần Công nghệ BigV nắm 4,6% vốn điều lệ (tương đương 5,7% số cổ phiếu đang lưu hành) và ông Lê Hồng Minh nắm 9,8% vốn điều lệ (tương đương 12,3% số cổ phiếu đang lưu hành).
Ngoài ra, Đại hội cổ đông bất thường năm 2022 của VNG cũng đã thông qua việc bán toàn bộ 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho Công ty Cổ phần Công nghệ BigV (BigV) với giá là 177.881 đồng/CP. Nếu thành bán thành công cổ phiếu quỹ cho BigV, công ty này sẽ nâng tỷ lệ sở hữu VNG lên 24,42% vốn điều lệ.
Vào năm 2014, VNG được định giá 1 tỷ USD, trở thành kỳ lân đầu tiên tại Việt Nam (theo World Startup Report). Tới năm 2019, VNG tiếp tục được quỹ đầu tư Temasek của Chính phủ Singapore định giá ở mức 2,2 tỷ USD (tương đương 1,8 triệu đồng/cp). Năm 2021, Công ty quản lý quỹ Mirae Asset mua cổ phần của VNG với giá 1,7 triệu đồng/cp.
9 tháng đầu năm 2022, VNG đạt doanh thu 5,764 tỷ đồng, trong đó đóng góp tỷ trọng lớn nhất đến từ dịch vụ trò chơi trực tuyến (4.056 tỷ đồng), dịch vụ quảng cáo trực tuyến (933 tỷ đồng), dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và Internet (Zalopay và VNG Clouds, 683 tỷ đồng). Trong khi đó, dịch vụ nhạc chờ và bản quyền bài hát (ZingMP3) chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ với 21 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2022, VNG lỗ sau thuế 764 tỷ đồng, lỗ sau thuế của cổ đông đông ty mẹ 419,3 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ đến từ khoản đầu tư vào CTCP Zion (đơn vị sở hữu ví điện tử ZaloPay) và Công ty CP Tiki.
Trong báo cáo tài chính riêng lẻ vào ngày 30/9/2022, VNG ghi nhận khoản đầu tư vào công ty con và công ty liên kết là 4.442,2 tỷ đồng, tương đương mức tăng 73,9% so với đầu năm.
Trong đó, khoản đầu tư vào CTCP Zion chiếm tỷ trọng lớn nhất với giá trị đầu tư là 2.561,5 tỷ đồng cùng với số dư trích lập dự phòng là 2.269,3 tỷ đồng.