Kinh tế ASEAN sẽ phải ứng phó 2 khó khăn cùng một lúc: Suy thoái tại Mỹ và lạm phát trong nước
Nền kinh tế Mỹ đứng trước nguy cơ suy thoái
Tờ SCMP cho biết các ngân hàng Trung ương tại khu vực ASEAN dự kiến sẽ điều chỉnh lãi suất cơ bản sao cho phù hợp với kế hoạch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vì Đông Nam Á bắt đầu loại bỏ dần những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với hoạt động kinh doanh và di truyền từ năm 2021.
Song song với quyết định của Fed trong việc quản lý sự biến động của đồng nội tệ so với USD, đa số các ngân hàng Trung ương trên toàn cầu sẽ điều chỉnh chính sách lãi suất. Giá của đồng bạc xanh thường tăng lên khi Fed nâng lãi suất. Điều đó dẫn đến các nước khác “nhập khẩu” lạm phát vì đồng nội tệ suy yếu so với đồng USD.
Tuy vậy, lạm phát đã tăng nhanh ngoài dự kiến vì những kế hoạch tốt nhất của các nhà hoạch định tài chính đưa ra đổ bể do xung đột tại Ukraine vào tháng 2.
“Không ai muốn giá dầu tăng mạnh, không ai nghĩ rằng Nga và Ukraine chiếm tới 30% sản lượng lúa mì trên thế giới”, theo ông Fung Siu, nhà kinh tế của The Economist Intelligence Unit.
Ông nói: “Nguồn cung vốn đã khan hiếm nay lại càng bị thắt chặt hơn nữa vì chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Sản xuất thức ăn chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề”.
Việc giá dầu tăng cao cùng với gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm nên mức lạm phát tại Mỹ đã chạm mức đỉnh trong 40 năm. Vào hôm 16/5, Fed buộc phải nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong nỗ lực kìm hãm giá tiêu dùng.
Theo giới chức trách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, một đợt tăng 75 điểm cơ bản nữa có thể sẽ tiếp tục diễn ra. Theo kỳ vọng của Fed, nền kinh tế Mỹ sẽ có dấu hiệu chậm lại đáng kể khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên và nguy cơ rơi vào suy thoái, khủng hoảng.
Ông Fung nói: “Rất khó để loại bỏ lạm phát ra khỏi nền kinh tế một khi nó đã ăn sâu vào tận bên trong. Giảm nhu cầu là cách duy nhất để khiến lạm phát chậm lại, điều đó đồng nghĩa với việc gây ra suy thoái kinh tế ngay lúc này. Mỹ cần một cú sốc ngắn để có thể quay về đúng hướng trên đà tăng trưởng mà không có lạm phát”.
Hầu hết các nước Đông Nam Á đều mới chỉ hồi phục nền kinh tế sau những năm bị gián đoạn bởi đại dịch covid-19. Trước tình hình suy thoái kinh tế của Mỹ và lạm phát trong nước, những quốc gia này có thể giải quyết như thế nào?
Các ngân hàng trung ương "đánh phủ đầu" lạm phát
Ông Brian Tan, nhà kinh tế cao cấp của Barclays cho biết nhằm kiềm chế lạm phát, ASEAN-5 (tức 5 nền kinh tế lớn nhất trong nhóm 10 thành viên) đã tăng lãi suất cơ bản hoặc triển khai một số biện pháp khác.
Tác giả trong bài viết xác định ASEAN-5 gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, và Indonesia. Nếu theo cách tính GDP của IMF, Việt Nam đã vượt mặt Malaysia. Do đó còn có một cách gọi ASEAN-6 khác gồm 6 nền kinh tế lớn nhất của khu vực trong đó có Việt Nam.
Vào tháng 1 và tháng 4 vừa qua, Singapore liên tục dẫn đầu khu vực với hai động thái thắt chặt chính sách. Theo sau là Malaysia và Philippines vào tháng 5, trong khi Indonesia và Thái Lan đến thời điểm này vẫn không có sự thay đổi về lãi suất.
Mặc dù các ngân hàng Trung ương của 5 quốc gia đang đối mặt với lạm phát đều có cách giải quyết khác nhau, song ông Tan vẫn mong rằng tất cả các ngân hàng trong khu vực sẽ tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ vào quý 3 năm nay.
Theo ông Tan, Barclays không kỳ vọng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái mặc dù biết rằng Mỹ đang đối mặt với những rủi ro, nhất là theo chiều hướng nghiêng về lạm phát, cao hơn là mức độ tăng trưởng thấp.
Ông nói: “Nhìn lại trong lịch sử sẽ đều thấy rằng FED và các ngân hàng Trung ương sẽ gây ra suy thoái khi Mỹ thực hiện giải quyết lạm phát cao. Liệu chúng ta có đủ động lực phục hồi tại Đông Nam Á để bù đắp hay không? Trong tương lai gần, Asean vẫn có thể chống đỡ nếu suy thoái xảy ra trong năm nay với nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng sau những năm chịu ảnh hưởng của đại dịch”.
“Tuy nhiên, mọi thứ sẽ trở nên phức tạp hơn nếu suy thoái diễn ra muộn hơn trong chu kỳ, tức là có thể vào năm sau hoặc năm 2024, bởi lẽ khi đó đà hồi phục tại khu vực đã chậm lại hoặc mất dần”.
Nhà kinh tế trưởng David Mann của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi của Viện Kinh tế Mastercard cho rằng nếu suy thoái xảy ra, các nước trong ASEAN-5 sẽ còn gặp những thách thức khác nhau.
Singapore, Malaysia và Thái Lan phụ thuộc vào xuất khẩu nên có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Còn Philippines sẽ bị ảnh hưởng bởi du lịch và kiều hối vì đây là hai yếu tố góp phần lớn vào GDP của nước này. Mặt khác, Indonesia sẽ ghi nhận hoạt động kinh tế trong nước chậm lại vì đồng Rupiah bị bán tháo.
Ông Mann nói: “Mặc dù vậy, đa số các ngân hàng Trung ương của khu vực ASEAN đều có dư địa chính sách để chống lạm phát bởi lẽ sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch, nhu cầu đang hồi phục lành mạnh”.
Thế nhưng, Thái Lan sẽ chứng kiến ngành du lịch phục hồi chậm vì khách đến từ Trung Quốc và Nga sẽ ít hơn. Đây là những thị trường khách du lịch hàng đầu và lớn thứ 3 của Thái Lan.
Ông Tan cho rằng tốt nhất là các ngân hàng Trung ương trong khu vực nên đề ra những quyết định khó khăn ngay lúc này thay vì về sau, bởi lẽ sau đó thì mọi thứ sẽ khó kiểm soát hơn.
Ông nói: “Ngay từ bây giờ, các ngân hàng Trung ương nên hành động và xây dựng sự uy tín, cần giảm lạm phát xuống mức bình thường và tránh trường hợp phải thắt chặt lãi suất khắc nghiệt hơn”.