Hưởng lợi từ căng thẳng Nga - Ukraine, cổ phiếu phân bón âm thầm bứt phá với nhiều mã lập đỉnh lịch sử
BÀI LIÊN QUAN
Năm 2022 nên "xuống tiền" vào cổ phiếu nào để chiến thắng thị trường?Giá dầu tăng "phi mã" vượt mốc 100 USD/thùng, cổ phiếu Dầu khí ngược dòng bứt phá mạnh"Không đội trời chung" trên bảng điện nhưng cổ phiếu ngân hàng và bất động sản lại "chung đường" về dự báo tăng trưởngNhóm cổ phiếu phân bón âm thầm bứt phá, có mã tăng trần 4 phiên liên tiếp
Trong bối cảnh thị trường chung lình xình bởi những căng thẳng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như nhiều nhóm ngành dẫn dắt kém sắc, thì nhóm cổ phiếu phân bón lại đồng loạt bứt phá với nhiều mã tăng ấn tượng chỉ trong thời gian ngắn.
Trong đó, dẫn đầu là cổ phiếu PMB của Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Bắc. Cụ thể, cổ phiếu này đã tăng 64% từ 13.800 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 1 lên 22.600 đồng/cổ phiếu trong phiên sáng nay ngày 28/2. Đây cũng chính là mức giá cao nhất của cổ phiếu này kể từ khi niêm yết đến nay.
Bên cạnh đó, cổ phiếu PMP của Công ty Cổ phần Bao bì Đạm Phú Mỹ cũng là một trong những cái tên gây chú ý ở nhóm phân bón, với 5 phiên tăng điểm, trong đó có tới 4 phiên tăng trần liên tiếp. Chỉ tính riêng trong 1 tháng qua, mã này cũng đã tăng phi mã gần 50% lên 22.700 đồng/cổ phiếu trong phiên sáng nay 28/2. Theo đó, thiết lập mức đỉnh mới trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Hòa cùng đà tăng tích cực của nhóm cổ phiếu phân bón, "ông lớn" ngành phân bón là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã cổ phiếu DPM) cũng đã ghi nhận mức tăng ấn tượng 47% chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua. Chốt phiên giao dịch ngày 28/2, DPM tăng trần lên 57.600 đồng/phiếu, âm thầm phá mức đỉnh cũ thiết lập hồi cuối năm 2021 trước đó.
Ngành phân bón hưởng lợi từ cuộc xung đột Nga - Ukraine
Diễn biến khởi sắc của nhóm cổ phiếu phân bón trong thời gian qua được cho là xuất phát từ diễn biến tích cực của giá phân bón thế giới, trước những lo ngại từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Trong một chia sẻ với báo chí mới đây, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập của FID cho rằng, cuộc chiến giữa Nga - Ukraine chính là cơ hội rất tố để đầu tư dài hạn, nhiều doanh nghiệp trong nhóm phân bón sẽ được hưởng lợi từ sự kiện này.
Cụ thể, các lệnh trừng phạt kinh tế từ phía Mỹ và EU sẽ đẩy giá các mặt hàng tăng cao, qua đó tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu khác. Điển hình, Nga được biết là một trong những cường quốc xuất khẩu phân bón lớn, và với một nước sản xuất và xuất khẩu phân bón tốt như Việt Nam thì đây được coi là một cơ hội rất sáng.
Cùng quan điểm trên, ông Lynch Phan - Founder Công ty tư vấn và đầu tư Take Profit Việt Nam cho rằng có nhiều cơ hội trong cuộc chiến này đến từ lệnh cấm vận, trừng phạt của EU và Mỹ với Nga. Theo đó, ngành phân bón được cho là sẽ hưởng lợi lớn khi khi động thái cấm xuất khẩu Ammonium nitrate của Nga có thể đẩy giá phân đạm trên toàn cầu vốn đang ở mức cao kỷ lục sẽ lại tiếp tục tăng thêm. Được biết, sản lượng Ammonium nitrate trên toàn cầu hiện nay đạt 20 triệu tấn/năm, trong đó, 75% nguồn cung là đến từ Nga.
Đặc biệt, trước đó Trung Quốc - nước xuất khẩu phân bón lớn thứ 2 thế giới đã ngừng đáng kể việc xuất khẩu 29 loại phân bón, gồm phân Urea, MAP, DAP, NPK, NP/NPS, MOP, SOP, Ammonium Chloride và Ammonium Nitrate bắt đầu từ ngày 15/10/2021.
Để đảm bảo nguồn cung nội địa trong tình hình hoạt động sản xuất phân bón gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt năng lượng cũng như chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao. Ông Lynch Phan cho rằng, nếu sắp tới Nga còn bị cấm vận, rất có thể giá phân bón còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
"Chiến tranh luôn luôn là cơ hội để mua cổ phiếu với giá rẻ hơn bởi thị trường sau đó sẽ hồi phục nhanh chóng. Huống chi là một cuộc giao tranh cách Việt Nam xa tít mù khơi", ông Lynch Phan đưa ra lời khuyên.
Cùng với đó, các công ty chứng khoán cũng đồng loạt đưa ra các dự báo nhóm phân bón sẽ thu hút dòng tiền sau sự kiện trên. Trong báo cáo mới đây của BSC cho biết động thái cấm xuất nhập khẩu Amoni nitrat (NH4NO3) của Nga có thể là nguyên nhân đẩy giá phân đạm trên toàn cầu tiếp tục tăng. Sản lượng Amoni nitrat xuất khẩu của Nga hiện nay đạt khoảng 15 triệu tấn/năm, chiếm 75% nguồn cung của toàn thế giới.
Ngoài ra, việc Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa, trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng và chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao. Điều này cũng sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung càng nghiêm trọng thêm và đẩy các loại phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao.
Dựa vào những phân tích trên, BSC đưa ra khuyến nghị khả quan đối với hai cổ phiếu DPM và DCM nhờ kỳ vọng sản lượng xuất khẩu phân bón tăng cũng như giá bán tiếp tục duy trì ở mức cao.
Mặt khác, báo cáo của Agriseco Research cũng đưa ra thống kê, hiện Nga đang cung cấp khoảng 23% amoniac, 17% kali, 14% ure và 10% phốt phát. Theo đó, nếu chiến tranh tiếp tục leo thang, khối lượng xuất khẩu này cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí nhiều khả năng còn đẩy giá của nhóm hóa chất và phân bón tăng cao.
Ở thị trường Việt Nam, nhóm cổ phiếu phân bón tăng điểm tích cực trong những phiên gần đây cũng phản ánh phần nào kỳ vọng đó. Tuy nhiên, giá phân bón trên thị trường thế giới và Việt nam vẫn đang chưa có sự tăng giá tương ứng, trong khi giá nguyên liệu đầu vào như dầu khí hay than đã tăng mạnh.
Điều này cho thấy nhiều khả năng giá phân bón trong thời gian tới sẽ có sự điều chỉnh tăng giá, qua đó tạo động lực cho nhóm ngành phân bón trên thị trường. Agriseco Research khuyến nghị các nhà đầu tư cần theo dõi diễn biến giá phân bón thế giới cũng như Việt Nam và có thể gia tăng tỷ trọng với nhóm này. Theo đó, DPM, DCM, DGC là một số cổ phiếu tiềm năng theo quan điểm của công ty chứng khoán.