Hướng dẫn xây gạch bông gió chi tiết từ A-Z
BÀI LIÊN QUAN
Gạch bông là gì? Ứng dụng của gạch bông trong xu hướng hiện đại là gì?Gạch bông có bền không? Các ưu nhược điểm của gạch bông?Tìm hiểu về gạch bông gió và quy trình sản xuất gạch bông gióNguyên tắc trong thi công gạch bông gió
Điều đầu tiên cần chú ý đó chính là nguyên tắc xây gạch: “đứng thẳng, mặt phẳng, góc vuông”.
Chọn đúng loại gạch và kích thước yêu cầu theo bản thiết kế kỹ thuật.
Làm sạch bề mặt nền, tạo phẳng bề mặt có thể bằng vữa hoặc là láng xi măng.
Không nên xây gạch trên bề mặt quá nhẵn hay dễ vỡ như gạch men bóng, mosaic, kính,…
Gạch bông gió tuy là vật liệu trang trí nhưng cũng có tải trọng bản thân nhất định. Trọng lượng có thể tương đương với tường 110, vì thế cần phải có kết cấu đủ tốt để có thể chịu được tải trọng của tường gạch bông gió.
Tốt nhất là xây những mảng tường gạch bông gió lớn ngay trên dầm.
Những mảng tường gạch bông gió nhỏ như vách ngăn nhỏ với diện tích từ 2-3m2 có thể không nhất thiết xây lên dầm.
Thời điểm tốt nhất xây gạch bông gió là sau khi trát xong và trước khi sơn tường.
Để lý giải cho điều này, chúng ta nên xây gạch bông gió sau khi trát vì đây gần như là vật liệu hoàn thiện, xây trước khi trát có khả năng bị vấy bẩn bởi vữa và rất khó để làm sạch sau này.
Tường gạch bông gió sau khi xây hoàn thiện có thể để khô tự nhiên cùng các mảng tường khác và sơn cùng thời điểm để tiết kiệm nhân công, vật tư cũng như phù hợp với tiến độ thi công chung.
Chuẩn bị vật liệu thi công gạch bông gió
Dùng vữa xây thông thường (gồm xi-măng các loại + cát sạch + nước sạch, tỉ lệ trộn vữa xi-măng/cát là 1:1) đối với trường hợp thi công gạch bông gió với màu xám xi măng thông thường.
Sử dụng keo dán gạch trong trường hợp dùng cho gạch màu không cần phải hoàn thiện bề mặt, không cần mạch vữa. Với trường hợp có mạch vữa, sử dụng vữa xây xi trắng gồm: xi-măng trắng + cát sạch (cát trắng thì càng tốt) + nước sạch, tỉ lệ trộn vữa xi-măng/cát là 1:1.
Vữa xây được trộn dẻo vừa và không quá ướt.
Mác vữa xây theo yêu cầu của thiết kế.
Ke mạch vữa.
Trình tự thi công gạch bông gió
1- Trước khi xây thi công gạch bông gió
Trước khi tiến hành xây cần phải tưới nước giữ ẩm cho gạch.
Nếu không có bước này, gạch bông gió ở trạng thái khô sẽ hút nước của mạch vữa rất nhanh dẫn đến nứt mạch vữa và không đảm bảo chất lượng mạch vữa.
Đảm bảo đầy đủ phụ kiện khi thi công như ke mạch, dây dọi và li-vô..
Chú ý: Việc giữ ẩm cho gạch trước và sau khi xây rất quan trọng, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của tường xây.
2- Chuẩn bị xây
Đo kích thước bề rộng và chiều cao của khoảng tường Gạch bông gió định xây để dự toán số lượng gạch xây. Kích thước rộng và dài nên chia hết cho 20cm để tính toán chính xác số lượng gạch. (1m dài sẽ đủ 5 viên gạch 190x190mm, 1m vuông sẽ đủ cho 25 viên gạch 190x190mm)
Chia đều khoảng cách gạch, nếu như khoảng cách gạch xa nhau quá 20mm thì cần phải xây thu khoảng cách gạch gần nhau hơn (khoảng cách giữa hai viên gạch là 8-10mm với gạch 190mm, khoảng 10-20mm đối với gạch 280mm) là đủ, còn khoảng cách thừa sẽ để dồn ra 2 bên rìa tường và sẽ được chèn vữa ở khoảng trống đó. Có thể đặt chia thử các viên gạch bông gió vào ô định xây mà chưa cần vữa để ước lượng khoảng cách.
Dùng dây dọi xác định độ vuông của điểm góc bức tường với mặt đất.
Làm ẩm bề mặt xây và gạch để tăng độ liên kết, tránh hút nước gây ra nứt mạch vữa.
3- Tiến hành thi công gạch bông gió
Khi bắt đầu thi công lấy mặt chính trang trí làm mặt phẳng gốc để căng dây và xây theo. (Ví dụ như: xây tường mặt tiền kiến trúc nhà, thì nên chọn mặt phía trong phòng nội thất làm mặt chính lấy phẳng theo dây, hoặc như xây vách ngăn giữa phòng khách và phòng ăn, sẽ lấy mặt tường bên phòng khách làm chính lấy phẳng.)
Trải vữa (keo) dày khoảng 1 cm đều lên móng tường. Lấy bay xây trải vữa, tạo 1 lớp “gân” ở giữa khối vữa để khi đặt gạch lên nó được trải đều ra các mép gạch, tránh lãng phí, đồng thời tạo ra chân đinh dính chặt vào gạch bông gió.
Khi xây các viên gạch bông gió tiếp theo hoặc các hàng gạch tiếp theo phía trên. Sử dụng ke mạch chữ thập 1cm để đảm bảo chiều dày mạch vữa đều, thẳng. Liên tục kiểm tra mặt phẳng gạch trong quá trình xây để đảm bảo mặt phẳng không bị cong và nghiêng.
Tuân thủ cách làm này cho các góc khác ở những bức tường khác. Xây định vị vài viên gạch cho mỗi hướng xây. Buộc dây vào hai viên gạch ở 2 góc (ở hàng đầu tiên) và kéo căng chúng để làm mốc xây các viên còn lại.
Sau khi mạch vữa đã tạm se lại và tạm đủ cứng thì có thể rút ke mạch tại các vị trí đó để dùng ke cho những viên gạch tiếp theo. Lấy bay miết các mạch vữa sau khi mạch vữa đã ráo, nếu khe mạch nào thiếu vữa sẽ lấy bay bù thêm vào và miết bằng bay.
Sử dụng xốp phẳng để xoa mạch vữa phẳng với bề mặt của gạch. Tránh dùng ngón tay miết mạch vì sẽ gây lõm mạch vữa (trừ khi muốn tạo hình mạch vữa âm).
Độ dày mạch vữa khoảng 10mm đối với gạch 190×190mm, dày 20mm đối với gạch kích thước 280×280mm. Có thể linh động điều chỉnh thêm mạch vữa nhưng không nên dùng quá nhiều (tối đa dày 20mm).
Trường hợp mảng tường thi công gạch bông gió cần để ô cửa sổ thoáng thì phải đổ giằng bê tông mặt trên và hai cạnh bên của ô thoáng đó, dày từ 30-50mm tùy vào khẩu độ khoảng rộng ô thoáng.
Không nên để ô thoáng rộng quá 1,2m, có thể dùng khung thép dày 5-10mm làm khung của ô để đặt gạch lên xây. Bề sâu của khuôn bao khoảng bằng bề dày của tường (thông thường là dày 65-220mm), hoặc là có thể xây gạch đặc bo viền khung thành ô cửa.
4- Thi công gạch bông gió với kích thước lớn
Với mảng tường xây cao khoảng 3,5-4,5m thì nên đặt cốt thép, mật độ tùy khoảng xây mà đặt 2-3 lượt gạch đặt một lượt cốt thép.
Phương đặt cốt thép nên cùng với phương chịu lực chính của mảng tường gạch bông gió. Phương chịu lực chính thông thường là phương của cạnh ngắn hơn.
Kích thước cốt thép có thể đặt từ phi 8-12, tùy theo kích thước mảng tường và yêu cầu của kết cấu.
5- Sau khi thi công gạch bông gió
Sau khi xây xong, tiến hành tưới nước để giữ ẩm cho tường. Tần suất tưới 02 lần/ngày và liên tục trong vòng 05 ngày, đảm bảo trong thời gian trên tường luôn luôn được dưỡng ẩm.
Sau khoảng thời gian bảo dưỡng gạch có thể để cho tường gạch bông gió khô tự nhiên.
Hướng dẫn sơn tường gạch bông gió
Chờ tường gạch bông gió khô, khoảng 10-30 ngày kể từ ngày xây. (tùy theo thời tiết, đảm bảo khô tường).
Cách thông dụng để sơn tường đó là: Dùng súng phun sơn máy nén hơi để phun. Trước khi phun thì nên làm vệ sinh bề mặt tường bằng cách xoa mặt tường bằng giấy ráp mịn hoặc là đá mài. Mục đích để làm mất ba via khi thi công và làm sạch mặt tường.
Khi phun sơn thì nên che mặt sau tường (tiếp giáp với các phần khác của công trình) để phun ở mặt trong gạch và mặt trước.
Đợi sau 4-5 tiếng để ráo sơn, thì phun mặt còn lại, cứ như thế phun sơn tường một lót, hai phủ như tường bình thường.
Với loại gạch có hoa văn nhỏ, sơn trước mặt trong gạch trước bằng cách lùa chổi sơn. Sau đó sơn mặt sau và mặt trước gạch bông gió như bình thường.
Để đảm bảo được chất lượng lớp sơn phủ tốt và có độ bền lâu dài, phía mặt trong gạch cũng nên sơn một lớp lót và hai lớp sơn phủ.
Lưu ý: Để bảo đảm lớp sơn có chất lượng tốt nhất, nên sơn mảng tường thi công gạch bông gió ngoại thất bằng sơn ngoại thất. Các dòng sản phẩm sơn ngoại thất có tính năng kháng kiềm, chống rêu mốc và chống ẩm tốt hơn dòng sơn nội thất.
Vệ sinh tường gạch bông gió
Tường gạch bông gió sau khi sơn đúng quy trình sẽ được phủ một lớp sơn mịn giúp hạn chế bám bụi và hạn chế rêu mốc.
Nên sử dụng những dòng sơn ngoại thất của các hãng sơn trên thị trường để lớp sơn có chất lượng tốt nhất.
Gạch bông gió được sơn hoàn thiện có thể vệ sinh bằng nước và sử dụng vòi nước không có áp lực cao để vệ sinh. Những vòi xịt nước mạnh có thể làm giảm chất lượng của lớp sơn.
Ngoài ra, nếu bạn có máy thổi bụi thì cũng có thể chỉ đơn giản là thổi bụi là đã đủ sạch sẽ rồi.
Lưu ý khi thi công gạch bông gió
Có thể dùng máy cắt gạch để cắt gạch bông gió khi cần thiết.
Dùng bay gọt hết vữa thừa và ném nó trở lại bàn xoa để tái sử dụng, đừng để vữa này khô đi một cách lãng phí nhé.
Trường hợp mảng tường gạch bông gió cần phải để ô cửa sổ thoáng thì phải đổ giằng bê tông mặt trên và hai cạnh bên của ô thoáng đó. Độ dày từ 30-50mm tùy vào khẩu lộ khoảng rộng ô thoáng và không nên để ô thoáng rộng quá 1,2m. Có thể sử dụng khung thép dày 8-10mm để làm khung của ô để đặt gạch lên xây. Bề sâu của khuôn bao khoảng bằng bề dày của tường (thường dày 110-220mm).
Cách dưỡng hồ trước và sau khi xây gạch bông gió:
+ Trước khi tiến hành xây nhà bằng gạch bông gió cần phải tưới nước giữ ẩm cho gạch.
+ Sau khi xây xong, tiến hành tưới nước để giữ ẩm cho tường. Tần suất tưới 2 lần/ngày và liên tục trong vòng 5 ngày, đảm bảo trong thời gian trên thì tường luôn được dưỡng ẩm.
+ Xây cao khoảng 2,5-3m thì nên có giằng bê tông dày khoảng 3-5cm để khóa giằng gạch lại. Bề rộng khoảng 4-5m thì nên có cột trụ bê tông hoặc trụ gạch để khóa tường.
Lời kết
Trên đây chúng tôi đã hướng dẫn xây gạch bông gió hy vọng rằng những điều kể trên có thể giúp bạn hiểu được về quy trình thi công và hoàn thiện gạch bông gió chất lượng và tối ưu nhất nhé.