HSBC đánh giá Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng đầu khu vực
BÀI LIÊN QUAN
Long An đón nhận dòng vốn FDI "khủng" với 1.144 dự án Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng thu hút nguồn vốn đầu tư FDI vào khu công nghiệpBất động sản Việt Nam thu hút thêm dòng vốn FDI “khủng” từ Hàn QuốcNền kinh tế đứng đầu khu vực
Theo VnExpres, báo cáo của HSBC, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 là một ví dụ nổi trội tại khu vực sau khi đã kiểm soát dịch bệnh, tái mở cửa. Cụ thể, tăng trưởng GDP của quý II/2022 đạt 7,7% so với cùng kỳ năm 2021, vượt xa những kỳ vọng của thị trường, trước đó HSBC dự báo 5,8% hay các tổ chức nghiên cứu khách là 5,9%. Như vậy, đây cũng là mức tăng trưởng GDP theo quý cao nhất mà Việt Nam từng đạt được kể từ năm 2011, nhờ vào phục hồi kinh tế mạnh mẽ trên diện rộng ở các lĩnh vực.
Dịch vụ là một trong những lĩnh vực có tốc độ hồi phục và phát triển mạnh mẽ nhất. Nguyên nhân là do chính sách "mở cửa bầu trời", các chuyến bay thương mại tới các quốc gia trên thế giới được hoạt động trở lại từ ngày 15/3. Điều này khiến các lĩnh vực liên quan đến du lịch như vận chuyển và lưu trú khởi sắc trở lại. Ngành bán lẻ trong quý II ghi nhận tốc độ tăng trưởng tăng vọt 17% so với cùng kỳ. Dấu hiệu cho thấy tiêu dùng hộ gia đình đã phục hồi trở lại.
Sự hồi phục dần của thị trường lao động cũng góp phần không nhỏ vào thành công này. Bởi tỷ lệ thất nghiệp trong quý II dã giảm xuống 2,3%, số lượng việc làm tiếp tục tăng gần đến mức trước đại dịch.
Khi mùa hè đến, ngành du lịch nhanh chóng phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Có thể thấy rõ nhất tại các sân bay như sân bay Nội Bài (Hà Nội), các bãi đỗ xe đều chật kín, đơn vị quản lý sân bay phải mở tất cả các làn đường để kiểm vé nhằm giảm tải ùn tắn giao thông. Các chuyến bay lên lịch trước tại sân bay này cũng tăng gấp đôi kể từ đầu năm 2022, vượt xa con số ghi nhận được ở giai đoạn đầu đại dịch. Theo thống kê mỗi ngày có hơn 100.000 lượt khách đi lại, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019, đồng thời cũng vượt quá sức chứa giới hạn của nhà ga T1 tại sân bay Nội Bài.
Ngay trong quý II/2022, Việt Nam đã đón 0,5 triệu khách du lịch, gấp gần 5 lần so với quý I/2022. Trong nửa đầu năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt 602.000 người. Doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống trong 6 tháng qua tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành tăng 94,4% so với nửa đầu năm 2021, phần lớn nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường nội địa.
Nhu cầu nội địa phục hồi khiến sản xuất của Việt Nam khẳng định được vị thế dẫn đầu, cho thấy sự tăng trưởng sản xuất ổn định. Phần lớn là do hiệu ứng cơ sở thuận lợi, sản xuất công nghiệp (IP) trong quý II/2022 đã tăng lên mức hơn 25% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, với mức tăng hơn 20% so với cùng kỳ.
Áp lực lạm phát
HSBC dự báo lạm phát sẽ ở mức trung bình 3,5% trong năm nay, tuy nhiên có thể vượt trần 4% ở một vài thời điểm. Mặc dù hiện tại áp lực giá cả tại Việt Nam không rõ ràng như các quốc gia khác trong khu vực, nhưng đà lạm phát vẫn tăng nhanh chóng. Lạm phát toàn phần đã tăng 0,7% so với tháng trước, tương đương với 3,4% so với năm ngoái, vượt khỏi dự báo của HSBC và thị trường (HSBC dự báo 3,2%; các tổ chức nghiên cứu dự báo 3,2%; trước đây là 2,9%).
Trong đó, lạm phát vận chuyển cao vẫn đóng vai trò chủ đạo, tăng 3,6% so với tháng trước. Nguyên nhân là do giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh đạt mức cao kỷ lục. Do đó, để ứng phó với lạm phát, cần phải có những chính sách nhằm giảm áp lực thuế lên mặt hàng xăng dầu.
Một bất ngờ lớn trong dự đoán của HSBC đó là lạm phát lương thực, tăng 0,8% so với tháng trước. Điều này phần lớn phản ánh tác động mạnh mẽ của chi phí năng lượng leo thang đối với lạm phát lương thực, khi giá cả của các mặt hàng tăng trên diện rộng bao gồm thịt, trứng và rau củ, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê (GSO).
Theo báo cáo của HSBC, đã có những dấu hiệu cho thấy lạm phát bắt đầu lan rộng. Bởi lần đầu tiên trong gần 2 năm, lạm phát cơ bản đã hồi phục ở mức 2% so với cùng kỳ năm trước, khi nhu cầu trong nước tiếp tục tăng.
"Do giá dầu thế giới tăng, chúng tôi tin rằng áp lực lạm phát sẽ gia tăng. Chúng tôi dự báo rằng, lạm phát năm 2022 sẽ ở mức trung bình 3,5% - thấp hơn mức trần 4% do Ngân hàng Nhà nước đặt ra - áp lực giá sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2022. Dựa vào các dự báo lạm phát, lạm phát sẽ có thể vượt qua mức 4% kể từ quý 4/2022 đến quý 2/2023, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước cần bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ", nhóm nghiên cứu tại HSBC nêu quan điểm.
Trong báo cáo của HSBC cũng dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản bắt đầu từ quý III/2022, trong các quý tiếp theo đến quý III/2023 thì mỗi quý tăng thêm 50 điểm cơ bản. Đến cuối năm 2023, lãi suất điều hành có thể lên đến 6,5%.
Một điểm sáng giúp Việt Nam có thể tự vệ trước những rủi ro bên ngoài chính là dựa vào nguồn FDI ổn định, tạo điểm tựa cho cán cân cơ bản. Nguồn vốn FDI mạnh có thể bù lại thâm hụt tài khoản vãng lai trong những quý trước. Cụ thể, FDI đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng, phản ánh sự quan tâm và niềm tin vững chắc của nhà đầu tư vào những điều kiện cơ bản bền vững của Việt Nam.
Sau khi cân nhắc các rủi ro đang gia tăng, đặc biệt từ lĩnh vực năng lượng, HSBC giảm dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2023 xuống 6,3%, từ mức 6,7% dự báo trước đó.