Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng thu hút nguồn vốn đầu tư FDI vào khu công nghiệp
Thực trạng các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Việt Nam
Thống kê ghi nhận của Cục Quản lý các khu kinh tế, Việt Nam đã thành lập 335 khu công nghiệp (KCN) trên tổng diện tích 97.840ha, trong đó 260 khu đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy hơn 76%, còn 75 khu đang xây dựng. Cả nước ta hiện có 17 khu kinh tế (KKT) với tổng diện tích gần 850.000ha.
Các khu này đến nay đã thu hút hơn 9.780 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 194,69 tỷ USD, và 109,79 tỷ USD vốn đã được giải ngân. Đồng thời, thu hút được 1.387 dự án có vốn trong nước trị giá trên 1,46 nghìn tỷ đồng, đã thực hiện 533 tỷ đồng.
Các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế đóng góp khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020; 11,7% tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2018.
Còn bộc lộ nhiều hạn chế
Theo Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) Vũ Tiến Lộc, khi Việt Nam thể hiện những bước chuyển mình theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các KCN, KCX đã đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cũng như tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, sự phát triển của các KCN, KCX vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, cụ thể như quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu cơ sở hạ tầng đầy đủ để phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn và dịch vụ hiện đại, nên khó thu hút các nhà đầu tư lớn từ Châu Âu và Bắc Mỹ.
Ông Lộc cũng bày tỏ quan điểm, nhiều địa phương cho rằng các KCN, KCX, KKT của họ chỉ cần cung cấp cho doanh nghiệp mặt bằng, nhà xưởng chứ không nhìn nhận tính thiết thực của việc cung cấp một mô hình hệ sinh thái với khu vực hỗ trợ kinh doanh đạt tiêu chuẩn quốc tế, ông Lộc nói.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết phần lớn vốn đầu tư vào các KCN, KKT của Việt Nam chủ yếu đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan thay vì từ Châu Âu và Bắc Mỹ.
Lý giải điều này là bởi số lượng các KCN với quy mô lớn vẫn còn tương đối ít, còn chậm trễ trong xác định chủ trương tích hợp các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại Việt Nam khiến xảy ra tình trạng “ảm đạm, thiếu sức sống” trong các khu công nghiệp.
Cùng với đó, nước ta chưa có sự chú trọng trong việc phát triển các khu công nghệ cao kéo theo không kết nối được với các hoạt động công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, các vấn đề về thông tin đầu tư và chất lượng nguồn nhân lực cũng khiến nhiều nhà đầu tư e dè.
Ông Võ cho biết nhiều KCN lớn trên thế giới đã có nhiều khu tích hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Ví dụ, Khu công nghiệp Xinzhuang tại Thượng Hải, đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài với hơn một nửa trong số đó là các nhà đầu tư đến từ Châu Âu và Bắc Mỹ.
Việc đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại Việt Nam sẽ không chỉ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động mà còn góp phần tạo nên một môi trường sống và làm việc tốt cho người lao động và chuyên gia, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, đây là cơ hội tiếp cận trình độ quản lý tiên tiến, dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại; thu hút có hiệu quả chất xám từ nhân lực có kỹ thuật cao trong nguồn lực lao động của tỉnh và các địa phương lân cận.
Có thể coi mô hình công nghiệp tích hợp đô thị - dịch vụ chính là động lực để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào thị trường KCN, KCX tại Việt Nam.
Giải pháp nhằm thu hút vốn đầu tư FDI
Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Công ty cổ phần Long Hậu, chủ sở hữu Khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An, cho biết nhiều KCN đã được quy hoạch với bãi đất trống hoặc nhà xưởng thô sơ, thiếu kết nối và dịch vụ cần thiết nhằm phục vụ sản xuất. Ông Hiếu cũng vạch ra ba vấn đề hàng đầu mà nhà đầu tư quan tâm, đó là: địa điểm đầu tư; cơ sở hạ tầng logistic; thời gian và chi phí cho thuê mặt bằng.
Ông cho rằng Nhà nước cần hỗ trợ, hướng dẫn nhiều hơn để nhà đầu tư hiểu đúng, hiểu đủ các quy định, thủ tục của Việt Nam. Không chỉ vậy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, Việt Nam cần có cải cách thể chế hiệu quả, có giải pháp thực tiễn nâng cấp dịch vụ tại KCX, KCN.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội (19/6/2022), Đồng chí Lê Quang Long, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng cho biết, thời gian tới, Đảng ủy sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.
Không chỉ đưa phần mềm quản lý doanh nghiệp vào hoạt động, tiến tới số hóa trong công tác quản lý doanh nghiệp, Đảng ủy, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành để tham mưu, đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt về cơ sở hạ tầng xã hội; sớm giải quyết những hạn chế trong các KCN, KCX.
Song song với quá trình bổ sung các khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo, Đảng ủy tập trung chỉ đạo Ban quản lý hợp tác cùng các doanh nghiệp đầu tư để hoàn thành sớm Đề án phát triển từ 2 đến 5 khu công nghiệp mới trong giai đoạn 2021 - 2025.
Như vậy, đứng trước những thách thức trong thu hút vốn đầu tư FDI chất lượng cao từ nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cần đề ra giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển ngày càng hiệu quả của các KCN, KCX.
Không chỉ đẩy mạnh trong vấn đề cơ sở hạ tầng, yếu tố công nghệ sản xuất mà còn tạo nên một hệ sinh thái công nghiệp tích hợp đô thị - dịch vụ mang lại “sức sống” cho KCN, KCX cũng như đem đến trải nghiệm sống tốt nhất cho người lao động và chuyên gia đang làm việc tại nơi đây.