Hơn 240.000 tỷ đồng được “bơm” vào nền kinh tế giúp "tác động lan tỏa" đến thị trường bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
Gần 200.000 tỷ đồng “bơm” ra nền kinh tế sau nới room tín dụngDoanh nghiệp như được tiếp thêm oxy khi được nới room tín dụng thêm 1,5-2%Chuyên gia MSVN nhận định: Việc nới room hay yêu cầu ngân hàng thương mại sử dụng phần room còn lại là cần thiếtThực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ về việc xem xét nâng hạn mức tín dụng phù hợp để tạo động lực tăng trưởng kinh tế, ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5- 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, sẽ có thêm hơn 240.000 tỷ đồng vốn được cho vay ra nền kinh tế trong dịp cuối năm nay. Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng cho các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đây là những giải pháp linh hoạt trong tình hình hiện nay. Đồng thời, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát những dự báo, tình hình, đặc biệt là diễn biến của lạm phát để xây dựng chỉ tiêu định hướng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng năm 2023.
Động thái "nới room" tín dụng được nhiều chuyên gia nhận định là tin vui với tất cả các lĩnh vực, đặc biệt nhiều người còn kỳ vọng sẽ “phá băng” thị trường bất động sản hiện nay.
Thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nguồn cung bất động sản thời gian qua có xu hướng giảm rõ rệt, giao dịch cũng trở nên trầm lắng. Với chính sách kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, dòng vốn trên thị trường đang gặp khó. Đồng thời, lãi suất tăng khiến nhà đầu tư do dự hơn trong các quyết định xuống tiền. Điều này đã khiến không ít doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động để duy trì hoạt động.
Ông Lê Hoàng Châu-Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư đang rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Do đó, nguồn vốn tín dụng bổ sung này giúp tác động tích cực, lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp để vượt qua khó khăn hiện nay, làm giảm bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng, để các tổ chức tín dụng thực hiện chức năng chủ yếu là cung ứng vốn lưu động cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Châu, chỉ nên sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn theo lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản...
Nhận định về chủ trương "nới room" tín dụng, TS.Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định, dòng vốn sẽ đi vào sản xuất kinh doanh, trong đó có bất động sẽ tương đối nhanh, vì các hồ sơ chờ giải ngân đã có sẵn rồi. Không nên quá lo lắng dòng tiền từ việc nới room tín dụng sẽ đi vào đầu cơ hay quá rủi ro.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra nhận định lạc quan khi Ngân hàng Nhà nước “nới room”.
Theo ông Quê, việc Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1,5-2% là tín hiệu tích cực cho toàn bộ ngành nghề trong nền kinh tế nói chung cũng như thị trường bất động sản nói riêng. Việc bổ sung nguồn vốn lần này tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường và sẽ làm giảm việc cắt lỗ sâu, giảm nguy cơ khủng hoảng hay “đóng băng” thị trường.
“Nguồn vốn bổ sung lần này sẽ tác động tích cực ở góc độ tiêu dùng bởi thời điểm cận Tết người có nhu cầu vay tiêu dùng rất cao. Do đó, khi kinh tế phục hồi, tiền tệ lưu thông đương nhiên bất động sản cũng được tác động tích cực theo dạng tác động lan tỏa”, ông Quê nói.
Ông Quê cho hay đối với các nhà đầu tư vừa đầu tư bất động sản vừa đầu tư chứng khoán thì thông tin này giúp thị trường chứng khoán tích cực, kỳ vọng tiếp tục tăng lên. Khi đó, nhà đầu tư rút tiền từ chứng khoán đầu tư bất động sản bởi chứng khoán và bất động sản là bình thông nhau.
Bên cạnh đó, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, để "xốc" lại thị trường bất động sản, không chỉ là tháo gỡ nút thắt về vốn tín dụng. Gốc rễ phải tháo gỡ được các vấn đề liên quan tới pháp lý.
Bàn về câu chuyện hơn 240.000 tỷ đồng được “bơm” vào nền kinh tế, liệu thị trường bất động sản có cơ hội “phá băng”?, ông Nguyễn Thế Điệp- Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, dù chỉ tiêu tín dụng tăng thêm là cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhưng có tác dụng mang lại tâm lý tích cực đến thị trường bất động sản.
“Ngân hàng Nhà nước bơm thêm hơn 240.000 tỷ đồng vốn cho vay là con số rất nhỏ so với nền kinh tế và lượng tiền “đổ” vào bất động sản không đáng kể. Việc nới thêm tín dụng chỉ giải quyết được một phần của nhu cầu cho những dự án bất động sản đang rất tốt, do đó cần thêm nguồn vốn để triển khai nốt, từ đó tăng thêm nguồn cung cho thị trường”, ông Điệp nói.
Cũng theo ông Điệp, chính sách tín dụng vừa qua đã hạn chế được tình trạng đầu cơ, song cũng tác động không nhỏ đến những người có nhu cầu thực về nhà ở nhưng còn khó khăn về tình hình tài chính. Câu chuyện thắt chặt tín dụng, rất nhiều nhà đầu tư có tâm lý e dè, cất giữ tiền, hệ quả là thị trường không có giao dịch.
“Ngày 6/12, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh không điều hành giật cục, nắm vững diễn biến các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, dự báo các rủi ro... dứt khoát không để ách tắc vốn cho nền kinh tế.
Theo đó, để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, tôi cho rằng việc điều tiết thị trường là cần thiết, song cần cẩn trọng và phù hợp”, ông Điệp dẫn lại thông điệp dứt khoát của Thủ tướng Chính Phủ.
Tín dụng sẽ được ưu tiên vào những lĩnh vực nào?
Về quyết định mới nhất việc nới hạn mức (room) tín dụng thêm 1,5-2%, ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ có 240.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế kể từ nay đến hết năm.
Đối tượng cần được tập trung cho vay trước hết là lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt, vốn ưu tiên cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế trong lúc này.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Thủ tướng cũng chỉ đạo quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực giúp cho người dân có tiền mua nhà ở xã hội cũng như nhà ở phục vụ thực sự cho nhu cầu đời sống.
Từ trước đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho những lĩnh vực mua nhà ở xã hội của người dân được khơi thông cũng như có nguồn lực để người dân mua nhà.