Hôm nay (25/5), quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động kỳ hạn gửi ngắn
BÀI LIÊN QUAN
Đề xuất gói vay lãi suất dưới 3%/năm mua NƠXH: Phù hợp với tài chính của công nhânĐề xuất gói vay lãi suất dưới 3%/năm cho công nhân mua nhà ở xã hộiNgân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân lãi suất cho vay caoLãi suất điều hành giảm lần thứ 3 trong 5 tháng
Theo VTC NEWS, ngày 23/5/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 951/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014.
Quyết định nêu rõ, mức lãi suất tối đa áp dụng cho tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Nghị quyết có hiệu lực từ 25/5/2023.
Ngay sau khi có hiệu lực, trong sáng nay đã có ít nhất 28 ngân hàng thay đổi biểu lãi suất. Hầu hết các ngân hàng đều giảm 0,5 điểm % tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống mức trần theo quy định là 5%/năm và giữa nguyên lãi suất các kỳ hạn dài. Thậm chí, có những ngân hàng giảm lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cao nhất còn 4,5 - 4,8%/năm như tại Ngân hàng Bản Việt, LPBank, TPBank, SeABank.
Nhóm ngân hàng quốc doanh Big4 gồm BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank không chỉ niêm yết mức lãi suất dưới mức trần cho kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, mà còn giảm thêm 0,5 điểm % lãi suất huy động còn 4,1 - 4,6%/năm. Cụ thể, Agribank và Vietinbank cùng điều chỉnh giảm lãi suất kỳ hạn 3 tháng từ 5,1% xuống 4,6%/năm. Tại BIDV điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng từ 5,1% xuống còn 5,0%/năm. Kỳ hạn 12 tháng giảm từ 7,2% xuống còn 6,9%/năm (giảm 0,3 điểm %), kỳ hạn 24 tháng giảm từ 7,2% xuống còn 6,8%/năm (giảm 0,4 điểm %). Riêng đối với kỳ hạn 6 tháng lại tăng từ 5,8% lên 6,2%/năm.
Các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn. Tại ngân hàng Bảo Việt Bank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng giảm từ 5,5% xuống còn 5%. Ở kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất điều chỉnh giảm từ 7,8% xuống còn 7,5%/năm. Kỳ hạn 12 tháng mức lãi suất giảm 8,4% xuống 8,1%/năm. Ở kỳ hạn dài hơn như 24 tháng, lãi suất huy động giảm từ 8,1% xuống còn 7,7%/năm.
Tại ngân hàng ACB mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng giảm từ 4,8% xuống 4,1%. Cũng ở kỳ hạn này Bắc Á Bank giảm lãi suất tiền gửi từ 5,5% xuống còn 4,9%/năm.
Tại ngân hàng Techcombank, thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng từ 5%/năm xuống còn 4,7%/năm. Các kỳ hạn gửi từ 6 tháng trở lên nhà băng này cũng điều chỉnh giảm lãi suất từ 7,3% xuống 7%/năm.
Nhìn chung ở kỳ hạn 3 tháng hầu hết các ngân hàng đều thực hiện giảm lãi suất huy động. Điển hình như Eximbank giảm từ 5,5% xuống 5%/năm; GPbank giảm từ 6% xuống 5%/năm; HDbank giảm từ 5,5% xuống 5%/năm; Hong Leong Bank giảm từ 5,2% xuống còn 4,7%/năm, NCB giảm từ 5,5% xuống 5%/năm…
Chênh lệch lãi suất lớn giữa các ngân hàng
Ở kỳ hạn 6 tháng, một số ngân hàng cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Tại GPBank giảm từ 8,1% xuống còn 7,8%/năm. HDbank giảm từ 6,8% xuống 6,6%/năm. Ngược lại Oceanbank lại tăng từ 7,6% lên 7,9%/năm; Vietcapitalbank tăng từ 7,2% lên 7,9%/năm.
Ở kỳ hạn 12 tháng, nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động tăng nhẹ. Tại Eximbank tăng từ 7% thành 7,1%/năm; Oceanbank tăng từ 7,7% lên 7,9%/năm; SHB tăng từ 7,4% lên 7,5%/năm…
Ở kỳ hạn 24 tháng, Kiên Long Bank giảm từ 7,5% xuống 7,4%/năm; Techcombank giảm từ 7,3% xuống 7%/năm; TPbank giảm từ 6,2% xuống 6,1%/năm…
Khoảng 2 tháng trở lại đây, mức lãi suất huy động đã liên tục giảm, đặc biệt sau các đợt điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước. Kể từ đầu năm tới nay, lãi suất huy động tại các ngân hàng giảm 0,6 - 2 điểm % ở tất cả các kỳ hạn.
Các ngân hàng nhỏ hiện vẫn là những ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường như ABBank, GPBank, VietABank… có mức lãi suất niêm yết cao nhất từ 8,5%/năm trở lên.
Mức chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng nhỏ và ngân hàng lớn khá đáng kể. Như tại các ngân hàng quốc doanh và tư nhân lớn mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng chỉ từ 6,8 - 7,2%/năm, trong khi các ngân hàng nhỏ mức lãi suất lên tới 8 - 8,8%/năm.
Các chuyên gia kỳ vọng mức lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục có xu hướng giảm. Nguyên nhân là nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản “đóng băng”; Chính phủ thúc đẩy đầu tư công, tích cực bơm thêm tiền vào nền kinh tế; Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm lãi suất điều hành nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2023.
Chứng khoán VnDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân sẽ hạ về mức 7,0% trong năm nay. Chứng khoán KB Việt Nam cũng đưa ra dự báo mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm về ngưỡng 7%/năm.