Hết dầu đến thép “đại hạ giá”, thị trường thép châu Á chao đảo vì Nga
Thép đại hạ giá từ Nga
Sau khi bán dầu giá rẻ cho thị trường châu Á và thu về bộn tiền, Nga đang tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu kim loại thép đến thị trường châu Á bằng giá cực ưu đãi. Thị trường thép ở Châu Á một lần nữa bị chao đảo vì dòng chảy bất thường từ các sản phẩm giá rẻ của Nga. Các nhà sản xuất chủ chốt trong khu vực đã phải đưa ra cảnh báo về các biện pháp phòng vệ thương mại có thể sẽ xảy ra.
Các nhà sản xuất thép châu Á trong quá trình theo dõi hoạt động thương mại ở khu vực đã đưa ra nhận xét rằng Nga đang cố gắng xuất khẩu thêm thép sang thị trường phía Đông sau khi phương Tây quay lưng lại với hàng hóa của họ thông qua các biện pháp trừng phạt và gây ra hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn trên biển Đen. Thị trường vốn đã bị tác động nặng nề từ những vấn đề về nhu cầu sụt giảm và chuỗi cung ứng nay có thể bị gia tăng sức ép do khối lượng thép của Nga tăng lên trong khu vực.
Thép có quy mô nhỏ hơn nhiều so với nhiều loại mặt hàng khác nhưng sự thay đổi trong thương mại của ngành này mang theo tiếng vang của nhiều mặt hàng từ dầu thô đến than đá. Cùng với đó là việc Nga đang phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt từ Mỹ và phương Tây cũng như làn sóng tẩy chay trên toàn thế giới đang buộc phải tìm kiếm những khách hàng thay thế. Các nhà máy thép tại Nga hiện nay đang thúc đẩy xuất khẩu thép đến với những quốc gia châu Á bằng một mức giá ưu đãi đủ hấp dẫn. Phần lớn thép thặng dư của Nga, đặc biệt là các sản phẩm sơ chế phôi thép đã tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Tokyo Steel - Công ty sản xuất hợp kim từ kim loại phế liệu cho rằng giá phế liệu tại khu vực đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ với sự xuất hiện của các sản phẩm kim loại giá rẻ từ Nga.
Trên khắp khu vực Đông Nam Á, các nhà sản xuất phôi thép đang cắt giảm sản lượng trong thời gian gần đây. Điều này đồng nghĩa với việc họ đang nhập khẩu ít nguyên liệu phế liệu hơn, ngay cả từ thị trường Nhật Bản để cung cấp nhiều hơn cho công ty Tokyo Steel.
Trên thị trường thép phế liệu, những sản phẩm thép của Nga được cho là một nhân tố mới hoàn toàn chưa từng xuất hiện trong tiền lệ. Vào tuần trước, ông Soichiro Tsuda, Giám đốc điều hành thu mua tại Tokyo Steel đã đánh giá như vậy trong một cuộc phỏng vấn. Kể từ mức đỉnh vào hồi tháng 4 vừa qua, giá thép phế liệu của Nhật Bản đã giảm tới hơn ¼.
Ông cho biết thêm: “Giá có thể sẽ giảm hơn nữa hoặc tốt nhất là ở mức như bây giờ”.
Theo một nhà sản xuất thép khác tại châu Á có quy mô tương tự như U.S. Steel Corp., trong bối cảnh báo cáo về việc Nga giảm giá sản phẩm, họ đang dõi theo một cách sát sao về dòng tiền từ các sản phẩm thép cán nóng của nước này.
Trong một thông báo mới đây, công ty này cho biết: “Với mục đích loại bỏ các sản phẩm thép dư thừa, các nhà máy thép của Nga đang mong muốn xuất khẩu sang thị trường châu Á và bán với giá thấp hơn nhiều so với thị trường quốc tế”.
“Trật tự của thị trường thép trong khu vực tiếp tục bị xáo trộn vì những thông tin về việc Nga bán các sản phẩm thép giá rẻ trên quy mô lớn”.
Thị trường Ấn Độ
Các nhà sản xuất thép tại Ấn Độ không khỏi cảm thấy lo lắng khi sau dầu mỏ và than đá, thép từ Nga đã đổ bộ vào các bờ biển của nước này. Họ lo ngại rằng Nga dùng cách bán hàng tồn kho ngày một nhiều hơn khi các lệnh trừng phạt của phương Tây bắt đầu được thực thi. Các thương nhân tại Ấn Độ cho biết đã có 2 hoặc 3 chuyến hàng thép của Nga đã cập cảng Ấn Độ.
Dữ liệu từ SteelMint cho biết khách hàng Ấn Độ đã đặt khoảng 150.000 tấn HRC của Nga kể từ tháng 6. So với mức tiêu thụ hàng tháng, con số này cao hơn 9-10 triệu tấn tại thị trường trong nước. Hơn nữa, số lượng này còn gấp 3 lần tổng lượng thép nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga vào năm ngoái (56.000 tấn). So với giá trong nước, thép cuộn cán nóng (HRC) tiêu chuẩn của Nga có sẵn với mức chiết khấu khoảng 3.000 Rs/tấn.
Đa số thép của Nga được cung cấp bởi các nhà sản xuất thép hàng đầu là Severstal và NLMK. Khách hàng là các thương nhân địa phương và một số nhà sản xuất thép ống. Thanh toán của các giao dịch sẽ chủ yếu tính bằng đồng ruble. Điều này xảy ra vào thời điểm thị trường xuất khẩu do mức thuế xuất khẩu mới 15% được áp vào hồi tháng Năm đã khiến các nhà sản xuất thép Ấn Độ đối mặt với nhiều khó khăn.
Kể từ đó, xuất khẩu thép của Ấn Độ đã giảm và nhu cầu nội địa cũng đi xuống. Kết quả là các nhà sản xuất thép Ấn Độ lo ngại về sự cạnh tranh ngày càng lớn ở thị trường trong nước.
“Thép từ Nga là một vấn đề đáng lo ngại. Thế nhưng số lượng đơn đặt trước của những khách hàng Ấn Độ vẫn chưa đủ lớn để cho thấy một hồi chuông cảnh báo”, theo Giám đốc điều hành của một công ty thép hàng đầu giấu tên cho biết.
Trong khi đó, một giám đốc điều hành hàng đầu của một nhà sản xuất thép trong nước khác lại cho rằng đồng rupee suy yếu trong khi đồng ruble giữ giá so với đồng USD nên việc nhập khẩu thép của Nga sẽ sớm dừng lại. Điều này đi ngược với sự chênh lệch giá mà các nhà sản xuất thép Nga có thể mang tới cho khách hàng Ấn Độ so với giá trong nước. Ngoài ra, báo cáo của SteelMint cho thấy để thu hẹp thêm về sự chênh lệch với giá thép, các nhà sản xuất thép của Ấn Độ cũng sẽ có những sự điều chỉnh theo ý của họ.