Hành trình vật vã tìm mua đất ven đô của người thu nhập thấp
BÀI LIÊN QUAN
Lao vào "đu đỉnh" đất ven đô, nhà đầu tư "đứng ngồi không yên" khi thị trường hạ nhiệtHà Nội: Đất ven đô lại ăn theo quy hoạch đường Vành đai 4, tăng giá không ngừng“Sống xanh”… sẽ đẩy giá đất ven đô?Vật vã tìm nhà ngoại thành
Chị Nguyễn Thị Hạnh, nhân viên văn phòng ở Hà Nội than thở, hai vợ chồng chị đi tìm mua đất ven đô nhưng 2 năm nay rồi vẫn chưa mua được.
Vợ chồng chị Hạnh kết hôn được 8 năm. Cả gia đình 4 thành viên vẫn đi ở trọ. Vợ chồng chị bàn nhau cố gắng kiếm tiền, tiết kiệm và mua một mảnh đất ở ngoại thành để xây nhà. 2 năm trước, hai vợ chồng chị có 1 tỷ nên đã đi tìm mua đất. Vợ chồng chị Hạnh về Hoài Đức xem vì thông tin huyện Hoài Đức sắp lên quận. Tuy nhiên, đất lại quá đắt với tầm tài chính của anh chị. Với 1 tỷ đồng, vợ chồng chị chỉ có thể mua đất ở ngoài bãi hay đất trong ngõ sâu, gần nghĩa trang.
Thấy tình hình vậy, vợ chồng chị Hạnh lại đổi hướng đi xa hơn chút nữa cho dễ mua với mức tài chính của mình. Tuy nhiên, giá đất ở ngoại thành Hà Nội lên từng ngày. “Có khi xem trên mạng một giá nhưng tới tận nơi xem thì đất lại giá khác rồi. Có mảnh đất rao bán chỉ 14 – 15 triệu đồng/m2 nhưng khi tới nơi xem lại lên tới 20 – 22 triệu đồng/m2”- chị Hạnh rầu rĩ chia sẻ.
Mới đây, chị Hạnh lại tiếp tục đi xem được mảnh đất 40m2 với giá 1 tỷ đồng. Xem xong khá ưng, hẹn về suy nghĩ chút thì hôm sau môi giới đã tăng mỗi mét đất lên 1 - 2 giá.
“Cứ cuối tuần là hai vợ chồng tôi đi xem đất. Có ngày nhịn cả ăn trưa để theo môi giới xem hết mảnh đất này tới mảnh đất khác. Thấy trên mạng ở đâu rao bán đất, người bán ghi địa chỉ là chúng tôi tìm kiếm trên bản đồ, trong vòng bán kính 20 km đến chỗ làm là chúng tôi tới xem liền nhưng thực sự khi đến xem thì quá xa hoặc quá hẻo lánh không như mong muốn. Giá đất lại lên từng ngày. Vợ chồng tôi chưa chốt được thì đã bị đẩy lên cao”- Chị Hạnh than thở. Cứ thế, về Tam Hưng, Thanh Oai, chị Hạnh đã đi “nát”cả xã cũng không tìm được mảnh đất nào hợp với hai vợ chồng.
Chia sẻ về việc mua đất của mình, chị Hạnh cho rằng, mua đất nền rất phức tạp hơn là mua chung cư rất nhiều. Nào là mỗi chủ đất một ý, họ làm việc mang tính cá nhân nên đôi khi rất khó giao dịch chứ không bài bản như chủ đầu tư ở chung cư. Có những mảnh đất chúng tôi tiếp cận được trực tiếp chủ đất nhưng giá lại còn cao hơn cả qua môi giới; hay cũng phải xem tình hình hàng xóm láng riêng, dân cư khu đó có phức tạp không; đấy là chưa kể đến yếu tố phong thuỷ, âm dương…
Cứ thế, nhiều năm ấp ủ căn nhà ven đô, chị Hạnh đến giờ vẫn chưa tìm được cho mình một mảnh đất “cắm dùi”. Dự tính với khoảng 2 tỷ đồng, anh chị dành 1 tỷ mua đất, phần còn lại để xây nhà, vậy nhưng giá đất cứ leo thang vù vù khiến anh chị vẫn “lực bất tòng tâm”.
Trường hợp của anh Bùi Ngọc Định, quê ở Phú Thọ cũng tương tự. Anh Định và vợ đều là lao động tự do, thu nhập không cao nhưng anh chị vẫn cố bám trụ ở thành phố. Họ xác định tiết kiệm tiền ra ngoại thành mua mảnh đất nhỏ xây nhà ở.
Năm ngoái, hai vợ chồng anh tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng. Anh lên mạng tìm đất thấy ở nhiều nơi rao bán đấy từ 600 – 800 triệu/mảnh đất thổ cư nhỏ. Vợ chồng anh cũng hào hứng đi xem để vay mượn mua mảnh đất. Tuy nhiên, đến xem thực tế thì đất lại đắt hơn rất nhiều. Đất thổ cư tận Chương Mỹ cũng phải 1 tỷ đồng trở lên. Đi xem vài lần, giá đất cao quá tưởng tượng vợ chồng anh Định. “Lương tăng thì ít, giá đất tăng thì nhiều, chúng tôi cứ chạy theo giấc mơ an cư lạc nghiệp mà không biết đến bao giờ mới đạt được” – anh Định nói.
“Dựa vào mức lương thì đi làm 100 năm vẫn khó mua nhà”
GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, hiện việc tăng giá đất ở Việt Nam đang là “cơn sốt”. Không riêng gì vùng ven Hà Nội mà nông thôn, vùng sâu, vùng xa đều sốt đất.
GS Võ cho biết, lần “sốt” đất này được xem là lần thứ năm từ hồi đổi mới đến nay và giá đất đang lên quá cao so với khu vực và thế giới. Điều này khiến nền kinh tế khó chịu nổi áp lực của giá bất động sản. Đặc biệt, dịch Covid-19 khiến nhiều người có tiền cũng dịch chuyển từ các kênh đầu tư sang bất động sản, coi bất động sản là chỗ “trú” an toàn, chứ không chỉ là những người có nhu cầu ở thực mới đi tìm đất. Như vậy, nhu cầu bất động sản tại thời điểm hiện tại là rất cao trong khi nguồn cầu lại không tăng.
Một nguyên nhân nữa, “sốt” đất còn do giới môi giới “giả mua bán, giả thông tin” để tăng giá lên rất cao. Thực tế, có những khu đất rất xa nhưng lại được họ đưa ra các thông tư về dự án này, dự án kia nên các thông tin giả đã khiến giá đất tăng. GS Võ cho rằng, hiện hệ thống quản lý thông tin của chúng ta chưa công khai, người dân không biết thông tin cụ thể. Trên thế giới, các nước vẫn có các thông báo công khai giá bất động sản hàng năm. Họ lấy giá đất trung bình chia cho thu nhập trung bình của người lao động. Người ta sẽ tính làm sao để người lao động 5,6 năm có thể mua được nhà. Còn tại Việt Nam thì giá đất như hiện nay, có lẽ dựa vào mức lương của công nhân thì cả trăm năm chưa mua được nhà mất.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cơn sốt đất vùng ven trong 2 năm qua một phần là do dịch bệnh người dân không gửi tiền vào ngân hàng mà muốn đầu tư vào kênh khác trong trong đó có bất động sản vùng ven. Ngoài ra, hạ tầng giao thông ngày càng mở rộng cũng khiến người dân sẽ có xu hướng dịch chuyển ra vùng ven nhiều hơn. Không chỉ ven đô vùng ngoại thành Hà Nội mà các vùng khác xa hơn như Hoà Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh… cũng tăng giá như vậy.