Hà Nội: Thu nhập của công chức, viên chức sẽ tăng thêm khi Luật Thủ đô có hiệu lực
BÀI LIÊN QUAN
Gen Z không vội nhảy việc dù làm 3-4 năm vẫn chưa được tăng lươngVợ con của cán bộ, công chức có được thuê nhà công vụ không?Đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu cho cán bộ, công chứcCán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại Thủ đô cũng giống như đội ngũ làm việc làm trong đơn vị Nhà nước được nhận đầy đủ chế độ tiền lương, phụ cấp, thưởng theo chế độ quy định. Tuy nhiên, do làm việc tại Thủ đô nên nhóm này sẽ được hưởng một khoản tiền lương tăng thêm. Chính sách này nhằm giữ chân, khuyến khích người tài làm việc tại Thủ đô.
Quy định cụ thể được đề cập tại Luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua. Theo đó, căn cứ khoản 3 Điều 15 Luật Thủ đô 2024, cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thuộc TP. Hà Nội quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ vào năng lực, hiệu quả công việc.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 35 Luật Thủ đô 2024 cũng quy định Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội sẽ quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đã đảm bảo đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền và các chính sách xã hội, an sinh, phúc lợi do Trung ương ban hành để thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo quy định trên.
Tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản (lương cơ bản = hệ số lương x 2,34 triệu đồng) thuộc phạm vi quản lý của thành phố.
Ngoài ra, Luật Thủ đô 2024 còn quy định về việc thu hút, trọng dụng người tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Liên quan đến chính sách cải cách tiền lương để thu hút người tài, Giáo sư Đào Trọng Thi - nguyên Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội chia sẻ, việc có cơ chế chính sách đặc biệt thu hút nhân tài về Thủ đô là cần thiết. Nhưng vấn đề nằm ở việc thực hiện cơ chế như thế nào và phải ưu đãi trúng vào những người tài thật.
Do đó, cơ chế thực hiện cần chặt chẽ, lương có thể cao hơn gấp 10 lần nhưng cần chọn đúng và người đó phải thuyết phục được những người khác bằng tài năng của mình. Dù lương cao gấp 10 lần nhưng họ lại đem lại lợi ích gấp 1.000 lần cho thành phố thì mức lương cao là xứng đáng.
Còn bà Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, Luật Thủ đô sửa đổi cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng để thu hút đội ngũ tinh hoa, để xây dựng Hà Nội phát triển xứng tầm Thủ đô của một quốc gia.
Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình thông qua gồm 7 chương và 54 điều, đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chỉ đạo, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Sáng 28/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với tỷ lệ đồng thuận rất cao. Theo đó, Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.