Hà Nội hoàn thành lập chỉ giới đường đỏ bốn đoạn đường Vành đai 4
BÀI LIÊN QUAN
Chốt cơ chế đặc biệt, các "ông lớn" muốn tham gia dự án đường vành đai 4 – Hà NộiThủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đôDự án đường vành đai 4: Thời của bất động sản công nghiệpTheo vietnamnet.vn, ngày 20/7, Văn phòng UBND TP Hà Nội ban hàng thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn tại cuộc họp chỉ đạo triển khai lập chỉ giới đường đỏ tuyến Vành đai 4 trên địa bàn.
Theo đó, đoạn 1 từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 18 (có chiều dài khoảng 11 km). UBND TP đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường, tỷ lệ 1/500.
Đoạn 2 từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 32 (9,6 km), UBND TP yêu cầu Viện Quy hoạch xây dựng khẩn trương hoàn thành công tác lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ, gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, trình UBND TP phê duyệt trước ngày 30/7.
Đoạn 3 từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 (17,77 km), UBND TP đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ từ năm 2012.
Đoạn 4 từ quốc lộ 6 đến cầu Mễ Sở (có chiều dài 19,5 km), gồm 2 phân đoạn. Phân đoạn 1 (dài khoảng 15km) đoạn từ quốc lộ 6 đến quốc lộ 1A, UBND TP đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ. Phân đoạn 2 (dài khoảng 4,5km) đoạn từ quốc lộ 1A đến cầu Mễ Sở, các sở, ngành, đơn vị liên quan đã thống nhất đề xuất lựa chọn phương án 3 (trong 3 phương án nghiên cứu hướng tuyến) phù hợp với định hướng Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về hướng tuyến, chỉ giới đường đỏ của đường Vành đai 4 được xác định phù hợp với định hướng Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô và các quy hoạch liên quan; phù hợp với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Hướng tuyến bảo đảm cơ bản yêu cầu kỹ thuật, tránh các tuyến điện cao thế (500 Kv, 220 Kv), di tích chùa Xâm Động (xã Vân Tảo, huyện Thường Tín); khớp nối với hướng tuyến đường vành đai 4 thuộc địa giới hành chính tỉnh Hưng Yên đã được tỉnh này phê duyệt cắm mốc và công bố công khai.
UBND TP Hà Nội giao Viện Quy hoạch xây dựng nhanh chóng hoàn thành việc lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường với sự hỗ trợ của Sở Tài nguyên Môi trường và thẩm định của Sở Quy hoạch Kiến trúc. Trước 15/8, cơ quan này phải trình UBND thành phố phê duyệt.
Ngày 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội. Theo Nghị quyết, tuyến đường có tổng chiều dài 112,8 km, đi qua 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội (58,2 km), Hưng Yên (19,3 km), Bắc Ninh (25,6 km) và tuyến nối khoảng 9,7 km.
Điểm đầu tuyến đường tại Km3+695 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội); điểm cuối Km40+500 trên cao tốc Nội Bài - Hạ Long (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Dự án đường Vành đai 4 được chia thành 3 nhóm với 7 dự án thành phần. Nhóm 1 gồm ba dự án giải phóng mặt bằng ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Nhóm 2 gồm ba dự án đầu tư xây dựng đường song hành triển khai ở cả ba địa phương. Nhóm 3 gồm một dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
Tổng mức đầu tư của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là 85.800 tỷ đồng. Về tiến độ thực hiện, năm 2022, chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án. Năm 2026 cơ bản hoàn thành. Năm 2027 đưa dự án vào khai thác.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là khoảng 1.341 ha, trong đó, đất trồng lúa khoảng 816 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 258 ha, đất dân cư khoảng 58 ha và đất khác khoảng 209 ha.
Nghị quyết nêu rõ: “Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Chỉ giới đường đỏ là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định ranh giới giữa phần đất được xây dựng công trình và phần đất dành cho đường giao thông hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng khác.