Giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư
BÀI LIÊN QUAN
Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội 8,2%/năm vẫn rất cao“Khát” nguồn cung nhà ở xã hội nhưng khó kêu gọi đầu tưNhững đối tượng nào được mua nhà ở xã hội và vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng?Ngày 01/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 194/CĐ-TTg về tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản. Trong đó, có nội dung đang được dư luận hết sức quan tâm là tháo gỡ các vướng mắc xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Cụ thể, về xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân, Công điện nêu rõ:
- Thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác quy hoạch, công bố quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở để phát triển nhà ở xã hội.
- Rà soát, thực hiện nghiêm việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.
- Công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư.
- Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...
Ngoài vấn đề nhà ở xã hội, Công điện của Thủ tướng cũng đề cập đến nhiều nội dung khác liên quan đến dự án đường cao tốc, xác định giá đất…Công điện nêu:
Hiện nay, các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh khi cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án xây dựng đường bộ cao tốc; xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Để kịp thời khắc phục tình trạng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
- Đối với việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án đường bộ cao tốc:
Tiếp tục nhất quán phương châm triển khai các dự án đường cao tốc là công trình của quốc gia, dành sự ưu tiên cao nhất các điều kiện về nguồn lực, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông, nhất là các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc.
Khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các dự án thực hiện rà soát, nâng công suất các mỏ đá, mỏ cát, mỏ đất đã cấp phép, đang khai thác trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công...
- Về việc xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất:
Khẩn trương rà soát, tổng hợp các dự án đang vướng mắc thủ tục pháp lý liên quan đến việc xác định giá đất cụ thể, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn trong việc xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Thời gian qua, các chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng bộc lộ một số hạn chế, tồi tại như quỹ đất để xây nhà ở xã hội, thủ tục đầu tư, tài chính và đối tượng thụ hưởng.
Ngày 31/3, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Phát triển nhà ở xã hội - Góc nhìn doanh nghiệp để thảo luận, bàn bạc về vấn đề đang nóng này.
Tại hội thảo, các nhà lãnh đạo, quản lý ngành xây dựng, doanh nghiệp, các chuyên gia đã trao đổi, thảo luận về giải pháp tháo gỡ vướng mắc về chính sách nhà ở xã hội, nhằm có những kiến nghị hữu ích đóng góp cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đang thiếu do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa chủ động dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khi phê duyệt quy hoạch theo quy định của Luật Nhà ở. Thậm chí có địa phương chỉ trông chờ vào 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội thông qua phát triển các dự án nhà ở thương mại.
Theo TS. Đặng Việt Dũng, các địa phương phải tạo quỹ đất sạch cho các dự án phát triển nhà ở xã hội và việc bố trí quỹ đất cho các dự án nhà ở xã hội phải thuận lợi nhất để mọi thành phần có thể chủ động tham gia phân khúc này.
Còn theo KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, tại khu công nghiệp khi quy hoạch phải dành 2% để xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu cho người lao động.
“Quy hoạch phải dành 2% quỹ đất ở khu công nghiệp để xây dựng nhà ở xã hội, với cơ cấu hạ tầng xã hội phải đầy đủ, phải có các công trình hạ tầng xã hội. Phải có cơ chế, chính sách, đặc biệt tài chính phải trong sáng”, KTS. Trần Ngọc Chính cho biết.
Công ty Cổ phần Kinh doanh Xây dựng dịch vụ Tư vấn Phú Quang ở Bình Dương có hơn 10 năm tham gia phát triển nhà ở xã hội. Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch HĐQT Công ty cho rằng: hiện nay, vấn đề pháp lí xin chủ trương xây nhà ở xã hội rất rườm rà khiến doanh nghiệp không mặn mà, kỳ vọng sớm có cơ chế gỡ khó.
“Hy vọng trong tháng 5, tháng 6 về mặt chính sách sẽ thông thoáng hơn, tôi nghĩ rằng từ đó sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư. Ngoài chính sách thì cái chính là nguồn tài chính hỗ trợ người nghèo, phải làm sao giúp người nghèo được vay lãi suất thấp, trong thời gian dài, đó là “chìa khóa” thành công của phát triển nhà ở xã hội”, ông Lợi cho hay.