"Quái vật Hy Lạp" Giannis Antetokounmpo và cuộc chiến đưa gia đình thoát khỏi cảnh thuê nhà
BÀI LIÊN QUAN
Ngôi sao ngược đời Hector Bellerin: chê tiền, nhận lương thấp và gọi giới cầu thủ lương cao là những kẻ vô nhân tínhVì sao mọi ngôi sao bóng đá đều muốn chụp hình cùng "Thánh rắc muối"?Ngôi sao thể thao triệu phú Delonte West và ngã rẽ trở thành gã ăn mày nghiện ngậpLà một trong những cầu thủ được vinh danh nhiều nhất trong lịch sử và liên tục đột phá vào cuốn biên niên sử NBA, Giannis Antetokounmpo đang tận hưởng cuộc sống của một siêu sao. Ngạc nhiên thay, nếu như hầu hết các ngôi sao bóng rổ đều bắt đầu chơi từ khi còn rất nhỏ, Giannis chỉ biết đến quả bóng cam lúc 13 tuổi. Trước đó, anh vẫn là một cậu nhóc bán hàng rong trên phố. Không phải ở Mỹ, mà tận Hy Lạp.
Giannis sinh tại Athens, nhưng không có quốc tịch. Cha mẹ anh là những người Nigeria, tìm mọi cách để tới Hy Lạp với hy vọng về một cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng vì nhập cư trái phép, họ tồn tại mà không có tư cách pháp nhân, đồng thời luôn bị đe dọa trục xuất. Đó là lý do suốt nhiều năm Giannis không có bè bạn. Mặc dù là người hướng ngoại nhưng anh cố gắng hạn chế tiếp xúc để tránh các rắc rối. Chỉ cần một chuyện gì đó xảy ra, cảnh sát gõ cửa kiểm tra giấy tờ, và thế là xong.
Để mưu sinh, bố Giannis làm đủ mọi công việc tay chân còn mẹ anh trông trẻ. Giannis cùng một anh và hai em cũng phải ra đường để kiếm tiền. Giannis bán đủ thứ trên đời, từ đồng hồ, mắt kính đến đĩa CD, DVD. Anh làm việc này đến tận năm 17 tuổi, phần vì rất có duyên. Bí quyết của Giannis là bám riết không buông, quyết không bỏ đi chừng nào khách chưa mua món gì đó.
Nhưng Giannis cũng cần thứ gì đó giải trí. Ban đầu anh chơi bóng đá. Nhưng HLV bóng rổ Vasilis Xenakis cố thuyết phục anh chuyển sang bóng rổ vì ấn tượng trước chiều cao. Giannis nhất quyết từ chối, đến khi Xenakis nói rằng chơi bóng rổ kiếm được rất nhiều tiền. Tiền là mối bận tâm lớn của Giannis. Anh cần tiền để bố mẹ anh có thể trả tiền thuê nhà và bữa ăn không đứt đoạn.
Vậy là Giannis tham gia vào đội bóng rổ cùng anh trai Thanasis. Tuy nhiên họ không bao giờ ra sân cùng nhau. Cả hai chỉ đủ tiền mua và sử dụng chung một đôi giày. Nếu Giannis dùng nó, Thanasis phải ở nhà, và ngược lại. Họ cũng thường đến sân tập với cái bụng rỗng. Giannis kể rằng anh không có khái niệm ăn sáng. Thậm chí cả bữa trưa cũng không. “Nhiều lần trở về nhà sau trận đấu vào lúc 11 giờ đêm tôi mới ăn. Và đó là bữa đầu tiên trong ngày”, anh nói.
Trong vòng 6 năm, Giannis phát triển thành một ngôi sao bóng rổ đầy hứa hẹn. Mùa 2011/12 anh còn chơi cho đội Filathlitikos ở hạng 3 Hy Lạp, mùa sau đó, chỉ vài ngày trước khi bước sang tuổi 18, anh đã khoác áo CAI Zaragoza ở Tây Ban Nha. Các CLB lớn khác ở châu Âu và châu Mỹ cũng muốn có anh.
Tới năm 2013, Giannis sẵn sàng tham gia NBA Draft. Thế nhưng sự kiện rất được mong đợi này có nguy cơ đổ vỡ bởi anh, cũng như mọi thành viên trong gia đình đều không có quốc tịch. May mắn thay, ngay trước kỳ tuyển quân NBA, Chính phủ Hy Lạp đã đồng ý cấp hộ chiếu cho nhà Antetokounmpo. Và để giống người Hy Lạp, họ Antetokounmpo phải đổi thành Adetokunbo. Sau này, khi trở nên nổi tiếng, Chính phủ Nigeria cũng cấp hộ chiếu, nên anh vẫn sử dụng họ chính Antetokounmpo.
Không mất quá nhiều thời gian để Giannis chứng minh tài năng. John Hammond, tổng giám đốc của Bucks nói rằng, “dù không muốn tạo áp lực cho Giannis, nhưng rõ ràng chàng trai này là ngôi sao toàn năng trong tương lai”.
Người hâm mộ NBA cũng đồng ý với nhận định đó. Dù cao lớn nhưng sở hữu tốc độ bùng nổ cùng sự khéo léo dị thường, Giannis được gọi là “Quái vật Hy Lạp”. Vì rất nhiều người biết tới dù Giannis đến Mỹ chưa lâu, có một chuyện thú vị như thế này:
Đó là một ngày cuối năm 2014, Giannis bắt taxi đến Western Union để thi đấu. Trên đường anh dừng lại ở một cây ATM để gửi tiền cho gia đình ở Hy Lạp như món quà Giáng sinh. Khi quay trở lại taxi, Giannis mới nhớ ra bao nhiêu tiền anh đã gửi hết, không giữ lại một đồng nào cho mình. Không còn cách nào khác, anh đành chạy bộ. Đang vừa chạy vừa lo muộn giờ ra sân thì một chiếc xe vẫy lại, ngỏ ý muốn chở anh. Người này đang tới sàn đấu và nhận ra tân binh của Bucks.
5 mùa đầu có Giannis, Bucks lọt vào vòng playoff 3 lần. Mùa 2018/19, Giannis trở thành cầu thủ Bucks đầu tiên kể từ Kareem Abdul-Jabbar được vinh danh là Cầu thủ xuất sắc nhất giải. Anh tiếp tục giành được giải thưởng này ở mùa kế tiếp, qua đó cùng với Kareem Abdul-Jabbar và LeBron James là 3 người hiếm hoi trong lịch sử NBA đoạt hai MVP trước khi bước sang tuổi 26.
Các danh hiệu giành đã đưa Giannis tới hợp đồng supermax béo bở nhất trong lịch sử NBA. Với những người chưa biết, thì hợp đồng supermax được tạo ra để nhóm nhỏ các CLB có thể giữ chân những tài năng hàng đầu của họ. Để đủ điều kiện, cầu thủ phải giành được MVP, Cầu thủ phòng ngự của năm hoặc góp mặt trong All-NBA Team. Quái vật Hy Lạp có tất cả những thứ đó và nhận 228,2 triệu đô cho hợp đồng 5 năm.
Khi có tiền, điều đầu tiên anh nghĩ về là gia đình. Ngày mua một căn hộ bằng chính những đồng tiền mình làm ra, anh gọi về cho gia đình thông qua Skype, khoe rằng “đây là phòng ngủ của bố mẹ, đây là phòng khách của nhà mình, phòng bếp của nhà mình”. Nghe mẹ nói sẽ tới Mỹ sớm, anh vui đến phát khóc.
Vài năm sau Giannis đón đại gia đình sang. Anh mua cho bố mẹ và các em mỗi người một căn trong khu phức hợp. Đó là khoảnh khắc vui sướng nhất đời của Giannis. “Tôi đã nghĩ về chính tôi vài năm trước, khi lang thang trên phố với giỏ hàng, rồi tôi nhìn vào những gì đang có. Chà, đó là một hành trình khó tin và điên rồ, phải không?”, Giannis nói.
Và Giannis cũng biết ơn ông thầy Xenakis. Ông đã đúng khi khuyên anh theo đuổi bóng rổ. Nó mang lại cho anh nhiều thứ và thay đổi vận mệnh gia đình anh. Từ những người không quốc tịch, trốn chui trốn lủi trong lúc lăn lộn để mưu sinh, bây giờ họ được xã hội thừa nhận và ngưỡng mộ.