Giảm lãi suất cho người mua nhà dưới 1,8 tỷ đồng: Cẩn trọng hỗ trợ nhầm đối tượng
BÀI LIÊN QUAN
Một loạt bất ngờ trong năm 2023: Fed hạ lãi suất, giá dầu tụt dốc…Ngân hàng cho vay lãi suất thấp sẽ được ưu tiên phân bổ mức tín dụngLãi suất cho vay tăng cao, doanh nghiệp địa ốc “lao đao” trả nợNhà dưới 1,8 tỷ đồng sẽ được hỗ trợ lãi suất
Thời gian qua, mặc dù thị trường bất động sản khá trầm lắng tuy nhiên lại xuất hiện một nghịch lý ở phân khúc chưng cư. Cụ thể, giá chung cư liên tục tăng ở nhiều quận, huyện tại Hà Nội và TP.HCM. Thậm chí tại Hà Nội, có nhiều khu vực giá chung cư tăng từ 200-400 triệu đồng/căn so với thời điểm năm 2021. Điều này là khá “bất thường” trong thời điểm thị trường mất thanh khoản.
Tại TP.HCM và Hà Nội, để tìm được những căn chung cư có giá dưới 30 triệu đồng/m2 khó như mò kim đáy bể. Đây cũng là hệ lụy của một thời gian dài thị trường phát triển lệch pha. Các doanh nghiệp chỉ chú tâm vào phát triển nhà ở thương mại, nhà ở hạng sang, siêu sang mà quên mất rằng nhu cầu thực của khách hàng đang nằm ở phân khúc bình dân. Bên cạnh đó, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp, biện pháp, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội tuy nhiên nhiều doanh nghiệp không mấy mặn mà với phân khúc này. Họ lý giải rằng việc phát triển nhà ở xã hội không chỉ rườm rà về thủ tục pháp lý mà tỉ suất lợi nhuận không cao bằng nhà ở thương mại.
Hiện nay, những người thu nhập thấp, trung bình đang đứng trước ngã ba đường. Tiền họ tích cóp được không nhiều nên chắc chắn khi mua nhà phải đi vay. Nếu cứ để tiền đó không mua thì không biết đến bao giờ mới có thể sở hữu cho mình một ngôi nhà. Trong khi đó, càng ngày chung cư càng tăng giá do quỹ đất ngày một ít. Còn nếu mua nhà thì không thể “gánh” được tiền lãi ngân hàng trong thời điểm lãi suất huy động và cho vay tăng phi mã ở các ngân hàng.
“Cứ để tiền đó thì chúng tôi lo sợ tiền sẽ mất giá. Bên cạnh đó, giá chung cư thì cứ nhích dần lên. Nếu mua nhà luôn thời điểm này thì phải mua những căn có giá cao, phải vay cả tỷ bạc, tiền lãi hàng tháng lên đến chục triệu đồng, chưa kể đến gốc. Mua nhà xong thì chắc chắn sinh hoạt sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu được hỗ trợ lãi suất khoảng 4-5%/năm nghĩa là chúng tôi đã giảm đi được khoảng gần 50% lãi suất hàng tháng”, chị Minh Anh, một dân văn phòng tại Hà Nội chia sẻ.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa đề xuất hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà. Cụ thể, HoREA, đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi để các ngân hàng thương mại cho người mua nhà để ở, người mua căn nhà đầu tiên được vay với lãi suất hợp lý. Đó là những căn nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá đề xuất không quá 1,8 tỷ đồng/căn.
“Trong các năm qua hầu hết người mua nhà ở xã hội đã phải vay với lãi suất thương mại 9-10%/năm”, HoREA cho biết.
Hiệp hội này thông tin, thị trường bất động sản đang hết sức khó khăn khi sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền. Hiện nay, thị trường thiếu nguồn cung khi cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý. Thừa ở một số phân khúc nhưng lại thiếu nhà ở bình dân, hợp túi tiền, nhà ở xã hội. Giá nhà vượt qua khả năng tài chính và thu nhập của người dân, đặc biệt là công nhân, người nhu nhập thấp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc hạ lãi suất ở mức hợp lý đối với các sản phẩm dưới 1,8 tỷ đồng sẽ là một trong những chính sách có thể tăng tính thanh khoản cho thị trường. Bởi thực tế cho thấy, trong khi doanh nghiệp thiếu vốn thì người dân cũng không đủ tài chính để có thể mua nhà. Bên cạnh đó, hầu hết các khác hàng đều lo lắng vì sợ lãi suất quá cao sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của họ. Đó chính là nguyên nhân lý giải cho việc nhu cầu mua nhà có nhưng tính thanh khoản của thị trường không cao.
Cần kiểm soát chặt chẽ
Trao đổi về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Chính phủ đã có nhiều chính sách lớn để thực hiện mục tiêu người thu nhập thấp có thể mua nhà ở xã hội, nhà ở bình dân hợp túi tiền. Mới đây là gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi trong 2 năm 2022-2023 đã được thông qua. Điều này cho thấy, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đời sống an sinh xã hội.
“Chủ trương phát triển nhà ở xã hội là đúng, hỗ trợ người mua nhà ở xã hội, nhà ở bình dân là hợp lý. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải có thêm cơ chế để thúc đẩy các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội như giao đất không thu tiền, ngân hàng cho vay ưu đãi. Thậm chí, chính quyền phải bắt tay vào cùng thực hiện hồ sơ với doanh nghiệp thì dự án mới có thể triển khai nhanh được”, GS Đặng Hùng Võ nói.
Cũng theo vị này, khi các khó khăn trong thủ tục được tháo gỡ, các doanh nghiệp lớn xây dựng nhà ở xã hội nhiều thì chắc chắn giá cả sẽ hợp lý hơn, người mua nhà ở xã hội, nhà ở bình dân cũng có nhiều lựa chọn.
Cùng quan điểm, Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, các căn hộ có giá dưới 1,8 tỷ đồng hiện nay trên thị trường nằm ở phân khúc bình dân. Việc hỗ trợ lãi suất để người thu nhập thấp, người mua nhà lần có thể sở hữu căn hộ là điều nên làm, chắc chắn người dân sẽ ủng hộ. Tuy nhiên, cần kiểm soát chặt chẽ tránh hỗ trợ nhầm đối tượng.
“Tôi lấy ví dụ, ông A đã sở hữu một căn hộ rồi. Ông ấy muốn mua 1 căn hộ khác để đầu cơ. Khi đề xuất của HoREA được chấp thuận, ông ấy nhờ người nhà đứng tên hợp đồng để được hưởng ưu đãi. Vậy kiểm soát trường hợp này như thế nào. Làm sao biết ông này sở hữu nhà lần đầu hay có phải thuộc diện khó khăn hay không?”, Luật sư Diệp Năng Bình đặt câu hỏi.
Luật sư Bình nói thêm, mục đích ý của đề xuất này là hướng đến những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, nếu làm không chặt chẽ sẽ dẫn đến bất công bằng, hỗ trợ nhầm đối tượng và gây ra phản ứng trong dư luận. Bởi bài học từ nhiều nằm trước, do xét không kỹ hồ sơ dẫn đến người có đầy đủ điều kiện lách luật, vẫn mua được nhà ở xã hội. Trong khi đó, trong đề xuất mới đây của HoREA thì hỗ trợ lãi suất cả người mua nhà ở thương mại dưới 1,8 tỷ đồng. Việc này càng khó kiểm soát đối tượng mua.