Giá thuê đất công nghiệp thị trường phía Nam tiếp tục lập đỉnh mới
BÀI LIÊN QUAN
Cơ hội nào cho các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp còn quỹ đất cho thuê lớn trong năm 2023?Bất động sản công nghiệp phát huy các điểm sáng trong năm 2023?Ngành công nghiệp này có thể hưởng lợi từ làn sóng sa thải của những gã khổng lồ Google, Amazon, Meta vì quá khát nhân tàiGiá thuê tiếp tục tăng từ 5-10%
Theo Zingnews, công trường khu công nghiệp VSIP 3 tại TP. Tân Uyên (Bình Dương) những ngày này luôn trong không khí hối hả khi hàng trăm máy móc, kỹ sư và các công nhân tất bật xây dựng các nhà máy mới.
Trong số những khách hàng đầu tiên của khu công nghiệp VSIP 3 có Tập đoàn Lego (Đan Mạch). Được biết, ông lớn này đã bỏ ra 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên toàn cầu. Bên cạnh đó, một tập đoàn lớn khác của Đan Mạch là Pandora cũng đang triển khai cơ sở sản xuất mới với tổng giá trị đầu tư là hơn 160 triệu USD.
Mặc dù mới chỉ khởi động, nhưng khu công nghiệp này đã ghi nhận khoảng 30 tập đoàn, công ty ở trong và ngoài nước đang tìm hiểu khả năng phát triển sản xuất, bên cạnh những cái tên đã được công bố.
Trên thực tế, Bình Dương là địa phương có tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp cao nhất cả nước. Thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy vượt 95%. Trên cả nước có 400 khu công nghiệp, trong đó có 292 khu công nghiệp đang vận hành với tỷ lệ lấp đầy đều trên mức 80%, số còn lại đang trong quá trình xây dựng.
Theo ghi nhận, trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2023 đã có hàng loạt ký kết giữa chủ đầu tư các khu công nghiệp với các nhà máy sản xuất lớn trên thế giới, đặc biệt ở lĩnh vực điện tử và năng lượng.
Gần đây nhất, Goertek - một trong những đối tác lớn nhất của Apple đã ký kết biên bản ghi nhớ thuê lại 62,7 hecta tại khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh (Bắc Ninh).
Ngoài ra, một đối tác sản xuất linh kiện lớn khác của Apple là Foxconn cũng đã ký hợp đồng thuê khu đất rộng 45ha tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) với giá 62,5 triệu USD để đáp ứng nhu cầu hoạt động cũng như mở rộng năng lực sản xuất. Hợp đồng thuê kéo dài cho đến tháng 2/2057. Một số dữ liệu từ năm ngoái cho thấy, Mac Pro 2023 và các mẫu Macbook mới đều nằm trong số những sản phẩm công nghệ dự kiến Foxconn sẽ sản xuất tại Việt Nam.
Hay như Samsung cũng đang có kế hoạch nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 20 tỷ USD trong thời gian tới. Tập đoàn Hàn Quốc này còn dự định sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao hàng đầu tại Việt Nam.
Bà Thanh Phạm, Phó giám đốc phòng Nghiên cứu và Tư vấn tại CBRE Việt Nam cho biết, một số tên tuổi lớn khác như LG hay Quanta cũng sẽ rót hàng tỷ USD vào nước ta trong thời gian tới. Do đó, bà Thanh Phạm cho rằng giá thuê đất công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An sẽ tăng từ 7-10%/năm trong 2 năm tới. Còn với các thị trường như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Phước và Tây Ninh, giá thuê có thể tăng khoảng 5-7%/năm.
Nhìn lại năm 2022, CBRE ghi nhận giá thuê đất công nghiệp bình quân tăng 8-13% theo năm, đạt 166 USD/m2/kỳ hạn thuê còn lại vào cuối năm. Riêng với các vị trí đắc địa tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Long An, giá thuê có thể đạt mức hơn 280-300 USD/m2/kỳ hạn thuê.
Dữ liệu của Savills Việt Nam cũng cho biết, tới cuối năm 2022, giá thuê tại TP. Hồ Chí Minh đã chạm mức 300 USD/m2/chu kỳ thuê. Đây là mức cao nhất ghi nhận từ trước đến nay, đồng thời tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cũng gần như là tuyệt đối.
Còn nhiều dư địa phát triển trong tương lai
Các chuyên gia nhận định, những chính sách cũng như cam kết hỗ trợ của Chính phủ vẫn là động lực lớn để bất động sản công nghiệp hút dòng vốn đầu tư. Chính lãnh đạo cấp cao của Lego cũng tiết lộ lý do lựa chọn Việt Nam là cam kết đưa phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050 của Chính phủ.
Ngoài ra, bà Thanh Phạm nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược phát triển hạ tầng giao thông. Riêng hạ tầng giao thông tại phía Nam được cải thiện đang giúp kết nối tốt hơn giữa các địa phương. Điển hình như các tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận (hoàn thành vào năm 2022), cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ - Bạc Liêu (dự kiến hoàn thành vào năm 2023) hay cầu Nhơn Trạch (dự kiến hoàn thành năm 2025)...
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới mở cửa trở lại được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam.
Theo vị chuyên gia, mặc dù sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã phần nào giảm bớt, nhưng các công ty vẫn tìm cách đa dạng hóa rủi ro bằng cách tìm thêm nguồn cung ứng cũng như địa điểm sản xuất. Mới đây, nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD Auto Co cũng có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô tại Việt Nam nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời tăng thêm chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á như một phần của chiến lược mở rộng toàn cầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia tại Colliers cho rằng, nếu so sánh tổng vốn FDI vào Việt Nam và Indonesia trong năm 2022 có thể thấy, Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước khác trong khu vực do dòng vốn vào những quốc gia này tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xe điện và bán dẫn. Đây được đánh giá là 2 ngành quan trọng sẽ định hình bối cảnh đầu tư trong khu vực Đông Nam Á.
Mặt khác, thị trường hiện cũng đang đối mặt với suy thoái thương mại. Ông Chí Vũ, Trưởng phòng cấp cao Bộ phận dịch vụ khu công nghiệp của Colliers Việt Nam nhận định việc giảm quy mô, hoãn hay hủy đơn hàng của các thị trường phát triển đanh ít nhiều ảnh hưởng đến kế hoạch tại Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài trong ngắn hạn.
"Tuy vậy, Việt Nam vẫn được xem là lựa chọn chiến lược cho quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Thách thức tiếp theo là làm thế nào để thu hút và giữ chân nguồn vốn đầu tư chất lượng cao. Một ví dụ là bài toán chuyển đổi các KCN hiện hữu sang mô hình bền vững hơn trong những năm tới”, ông Chí Vũ cho hay.